Monday, February 16, 2015

Mỹ mượn tay lực lượng tiễu phạt, phá thỏa thuận hòa bình?

(Bao DatViet) - Có dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ mượn tay các tiểu đoàn tiễu phạt tư nhân làm nhân tố phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn Ukraine vừa đạt được ở Minsk.

Tiểu đoàn tiễu phạt: Công cụ phá hoại hòa bình Ukraine

Bước sang ngày 15-2, người phát ngôn Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng Eduard Basurin tố cáo các lực lượng an ninh Ukraine vào lúc 2 giờ sáng (giờ địa phương) đã khai hỏa tấn công các cứ điểm của DPR và nước Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng.

Trả lời báo giới, ông Eduard Basurin tuyên bố: “Lúc 2 giờ sáng, các lực lượng vũ trang Ukraine đã nã đạn cối và đạn pháo vào nhiều cứ điểm của DPR và LPR”.

Lực lượng Kiev cũng đã pháo kích tại trung tâm Donetsk, thành trì của lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine đã làm 1 người đàn ông và 1 phụ nữ thiệt mạng.

Trong khi đó, người đứng đầu DPR Zakharchenko kêu gọi triệu tập một cuộc họp khẩn về hành vi vi phạm thỏa thuận ngừng bắn của quân đội Ukraine. Ông nói rằng, quân chính phủ đã nã pháo vào trung tâm thành phố, các quả đạn pháo cũng rơi gần nơi ở của mình.

Trước những thông tin về việc Kiev tấn công lực lượng ly khai sau khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực, Nga đã cáo buộc Kiev và các nước Phương Tây bóp méo thỏa thuận hòa bình Minsk, trong bối cảnh trước và sau khi thỏa thuận này có hiệu lực song giao tranh vẫn diễn ra dữ dội ở miền Đông Ukraine.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Các đại diện chính thức của Ukraine và một số nước Phương Tây, đặc biệt là Mỹ, về cơ bản đã đồng tình với quan điểm của những nhân vật cấp tiến theo đường lối dân tộc chủ nghĩa ở Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraine), và đã bắt đầu bóp méo nội dung của thỏa thuận Minsk."

Được biết, ngay sau khi thỏa thuận ngừng bắn được ký kết, lực lượng tiễu phạt do các tỷ phú và quan chức Ukraine lập ra đã phản đối quyết liệt và tuyên bố không chấp hành thỏa thuận này bởi nếu nó được thực thi một cách nghiêm túc thì lực lượng này sẽ bị giải tán.

Mỹ đang tìm cách phá thỏa thuận hòa bình Ukraine?
Mỹ đang tìm cách phá thỏa thuận hòa bình Ukraine?
Trong điều thứ 10 của “Giải pháp tổng thể 13 điểm” nhằm thực hiện thỏa thuận Minsk” mà “Nhóm Tiếp xúc ba bên” đã ký có quy định:

“Hai bên rút mọi “binh sĩ nước ngoài, vũ khí hạng nặng và lính đánh thuê khỏi Ukraine, các nhóm vũ trang bất hợp pháp sẽ bị giải giáp vũ khí dưới sự giám sát của OSCE. Thời hạn hoàn thành công việc này là không quá 14 ngày".

Trước đây, Ukraine cũng đã tuyên bố đưa các tiểu đoàn tiễu phạt này vào trong biên chế của quân đội hoặc an ninh nhưng các nhóm này không chấp nhận và thường “tự tung tự tác” trong chiến dịch “lập lại trật tự” ở miền Đông, dẫn đến tình trạng loạn xạ trong tác chiến của quân đội Ukraine. Về bản chất, các tiểu đoàn này xếp vào loại “các nhóm vũ trang bất hợp pháp”.

Đầu tháng này, trước những thông tin về việc sẽ bị xóa phiên hiệu và giải tán, binh lính của tiểu đoàn tiễu phạt Azov đã kéo về tận Kiev, bao vây trụ sở Bộ quốc phòng và Tổng công tố viên để uy hiếp.
Nếu thỏa thuận này được thực thi thì các tiểu đoàn tiễu phạt sẽ “hết đất sống”, bởi vậy họ đã phản đối quyết liệt và tuyên bố sẽ tiếp tục tấn công lực lượng ly khai.

Ngày 14-2, thủ lĩnh tổ chức theo đường lối dân tộc chủ nghĩa cực đoan “Khu vực cánh hữu” (Pravyi Sector) của Ukraine là Dmitry Yarosh, mà cánh quân sự của nó là Tiểu đoàn tiễu phạt Donbass đã lớn tiếng tuyên bố không công nhận thỏa thuận đã đạt được trong cuộc đàm phán của nhóm “Bộ tứ Normandy” ở Minsk (Belarus) và sẽ tiếp tục các hoạt động chiến sự.

Trên trang mạng xã hội Facebook, ông Yarosh cho rằng mọi thỏa thuận đều không có hiệu lực pháp lý nào vì chúng “mâu thuẫn với Hiến pháp hiện hành của Ukraine”, do đó “việc thực hiện chúng không phải là bắt buộc đối với công dân”. Pravyi Sector kiên quyết tiếp tục các hoạt động chiến sự cho đến khi giải phóng hoàn toàn mảnh đất Ukraine.

Các chiến binh ly khai tại một trạm kiểm soát ở Makiivka, cách thành phố Donetsk 15 km về phía đông
Các chiến binh ly khai tại một trạm kiểm soát ở Makiivka, cách thành phố Donetsk 15 km về phía đông

Truyền thông Ukraine đã nhiều lần khẳng định những nhà tài phiệt đã chống lưng cho các tiểu đoàn này bị mất rất nhiều quyền lợi ở miền Đông nhưng điểm cơ bản là họ đều thân phương Tây và có quan hệ rất mật thiết với Mỹ. Bởi vậy, đã dấy lên nghi vấn là Mỹ ngấm ngầm mượn tay các tiểu đoàn này để phá thỏa thuận hòa bình.

Washington cần Kiev tiếp tục cuộc chiến nhằm có cớ để bao vây cấm vận Moscow, hòng chiến thắng trong cuộc chiến định mệnh là làm Nga sụp đổ hoặc chí ít cũng khiến Nga tụt hậu không thể khôi phục lại sức mạnh như dưới thời Liên Xô cũ. Bởi vậy Mỹ sẽ làm tất cả để khơi dậy cuộc chiến ở miền đông Ukraine.

Bởi vậy, Mỹ đã ung dung đứng nhìn Nga và EU đấu đá quyết liệt rồi chạy đôn đáo tìm kiếm hy vọng hòa bình cho Ukraine.
Mỗi khi hy vọng hòa bình được nhen lên, Washington chỉ cần xua cây gậy là những phần tử cực hữu ở nước này sẽ có cách để phá các thỏa thuận hòa bình được thiết lập và cuộc chiến sẽ tiếp diễn theo ý của “Chú Sam”.

Còn tiểu đoàn tiễu phạt thì sẽ không bao giờ có hòa bình ở Ukraine

Như vậy là các tổ chức cực đoan và lãnh đạo các tiểu đoàn tiễu phạt Ukraine đã đặt bản thân mình và các tổ chức do họ lãnh đạo ngoài phạm vi Hiến pháp và Pháp luật, không tôn trọng những thỏa thuận mà lãnh đạo đất nước đã ký kết. Những hành động các tổ chức này sẽ dẫn đến thỏa thuận ngừng bắn bị phá vỡ.

Mặc dù các tiểu đoàn tiễu phạt thuộc các tổ chức cực hữu đã nhiều lần gây ra tội ác với nhân dân Ukraine cũng như có các hành động chống đối lại quyết định của chính phủ và Bộ quốc phòng, Bộ Nội vụ nhưng các hành động của chúng cũng như các nhà tài phiệt đã lập ra các tổ chức này đều không hề bị xét xử.

Tiểu đoàn tiễu phạt Azov với biểu tượng của chủ nghĩa phát xít
Tiểu đoàn tiễu phạt Azov với biểu tượng của chủ nghĩa phát xít

Thậm chí lãnh đạo các tổ chức này còn nắm giữ các chức vụ khá quan trọng trong quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada) ví dụ như Igor Mosiychuk - nguyên tiểu đoàn phó tiểu đoàn tiễu phạt Azov hiện là Nghị sĩ Verkhovna Rada của Đảng Cấp tiến Ukraine, chỉ huy trưởng tiểu đoàn tiễu phạt Dnepr-1 (Dnipro-1) Yury Bereza cũng là nghị sĩ quốc hội.

Lãnh đạo các tổ chức này còn có khả năng gây sức ép lên lãnh đạo đất nước để loại bỏ các lãnh đạo quân đội và an ninh mà họ không hài lòng.

Ví dụ như tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn tiễu phạt Donbass Semyon Semenchenko đủ khả năng thuyết phục Tổng thống Poroshenko đưa Tổng tham mưu trưởng Victor Muzhenko vào trong danh sách bị miễn nhiệm…

Vừa qua, có hơn 10 tiểu đoàn tình nguyện khác nhau tham chiến tại khu vực đông nam Ukraine. Chúng chủ yếu do các chính trị gia hoặc các nhà tài phiệt nước này tài trợ hoạt động tại khu vực nắm quyền hoặc quê hương của các vị này nên nó có tính chất tương tự như những “đội quân bản bộ” của các “sứ quân phong kiến” ngày xưa.

Những chính trị gia kiêm tài phiệt kếch xù của Ukraine, người ít thì lập 1 đội quân, người nhiều thì sở hữu tới 4, 5 tiểu đoàn “quân tình nguyện… lương cao”. Do đó, khi quân chính phủ Ukraine rệu rã không muốn chiến đấu thì các tiểu đoàn tiễu phạt đã trở thành lực lượng nòng cốt trong cuộc chiến với lực lượng ly khai.
Tiêu biểu trong số này là Thống đốc Dnepropetrovsk Igor Kolomoisky - nhà tỷ phú giàu thứ 3 Ukraine với khối tài sản 2,4 tỷ USD, đang là “ông bầu” của ít nhất 4 tiểu đoàn tiễu phạt khét tiếng tàn ác là tiểu đoàn Donbass, tiểu đoàn Azov và tiểu đoàn Dnepr-1 và Dnepr-2.

“Noi gương” nhà tài phiệt Igor Kolomoisky, nhiều chính trị gia và các nhà tài phiệt lớn của Ukraine đang phát triển mô hình “tiểu quân đội” của riêng mình, khiến miền đông Ukraine xuất hiện mười mấy tiểu đoàn với hàng nghìn người được vũ trang với mức lương hàng ngàn USD/tháng, sẵn sàng giết bất kỳ ai chỉ vì tiền.

Tiểu đoàn tiễu phạt Donbass - nhánh quân sự của Tổ chức cực đoan “Khu vực cánh hữu” Pravyi Sector
Tiểu đoàn tiễu phạt Donbass - nhánh quân sự của Tổ chức cực đoan “Khu vực cánh hữu” Pravyi Sector

Hiện tại, ở khu vực Kharkov có 2 tiểu đoàn tiễu phạt là Kharkov-1 và Kharkov-2 (tức tiểu đoàn Sloboda) với khoảng từ 200-300 người, dưới sự chỉ huy của anh em nhà Yangalenko.
Các tiểu đoàn này do tỷ phú Baluta, thống đốc mới của tỉnh Kharkov thành lập. Đặc điểm của binh sĩ các tiểu đoàn này là quân phục không có dấu nhận biết.

Ngoài ra, còn có một tiểu đoàn khá nổi tiếng là Aidar của Lugansk (khoảng 150 quân là thành viên tích cực của Euromaidan), được thành lập hồi tháng 5 năm 2014 nhưng đã phải tái cơ cấu nhiều lần, thậm chí suýt nữa bị xóa phiên hiệu do mấy lần bị tiêu diệt gọn cả tiểu đoàn.

Một số tiểu đoàn khác đã tham chiến ở miền đông như: Tiểu đoàn Artemovsk có gần 50 quân do Konstantin Mateichenko chỉ huy, tiểu đoàn phòng vệ lãnh thổ Kiev-1, tiểu đoàn phòng vệ lãnh thổ Prikarpatiye, tiểu đoàn phòng vệ lãnh thổ Ukraine (quân số gần 100 người), tiểu đoàn Rukh Opory của cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko từ Kirovograd.

Ngoài ra, ở đông nam Ukraine còn có hàng loạt các tiểu đoàn mới thành lập ở giai đoạn sau cuộc chiến là Kryvbas, Peacemaker, Ivano-Frankivsk và Volyn do một số chính trị gia khác như thủ lĩnh “đảng Cấp tiến” Oleg Lyashko, thị trưởng Kiev Vitaliy Klichko… thành lập.

Hiện nay, các tiểu đoàn tiễu phạt này đang là nòng cốt trong lực lượng an ninh-quân độ hỗn hợp của Ukraine trong chiến dịch lập lại trật tự ở miền đông.

Nếu giải giáp các tiểu đoàn bản bộ của các nhà tài phiệt, quân chính phủ sẽ không còn chiếm ưu thế trước lực lượng ly khai nên chắc chắn là điều này sẽ không xảy ra.

Sự tồn tại của những tiểu đoàn “kiêu binh” đi theo đường lối phát xít,không ai quản lý nổi cho thấy, Kiev sẽ tiếp tục hoạt động quân sự ở miền đông Ukraine, chắc chắn là hòa bình sẽ còn lâu mới được lập lại trên mảnh đất này bởi “quan thầy Mỹ” và chính quyền Kiev không muốn điều đó.

Thiên Nam

No comments:

Post a Comment