(Bao Dat Viet) - Trong tháng 1/2015, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng rất mạnh (47,1% so với cùng kỳ năm 2014, với 4,2 tỉ USD).
Con số này trái với mong muốn thoát dần sự lệ thuộc vào nhập siêu từ Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Tổng cục Thống kê, ngay trong tháng 1/2015, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục nhập siêu khoảng 500 triệu USD.
Vài tháng qua, cán cân thương mại của Việt Nam đã quay trở lại mức thâm hụt và Bộ Công Thương dự báo năm 2015, nền kinh tế nước ta có thể nhập siêu 6-8 tỉ USD. Trong đó, nhập siêu từ Trung Quốc không ngừng tăng mạnh những năm qua đã xóa sạch mọi nỗ lực xuất siêu từ các thị trường khác.
Không chỉ nhập nhiều từ con số mà về chủng loại cũng thấy thứ gì cũng nhập. Các mặt hàng của Trung Quốc tràn ngập, từ sản phẩm trang trí, tiêu dùng, đồ dùng gia đình đến bánh kẹo, quần áo...
Ngập tràn hàng hóa Trung Quốc bày bán ở các chợ và trung tâm thương mại của Việt Nam |
Theo Tổng cục Thống kê, Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỉ trọng khoảng 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Năm 2014, nhập siêu của Việt Nam từ thị trường này ở mức kỷ lục với 28 tỉ USD.
Đúng như TS Trần Đình Thiên, Viện Trưởng Viện kinh tế Việt Nam từng phân tích với Đất Việt rằng: "Thực sự không nhìn thấy sự nỗ lực giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc của chúng ta trong thời gian qua".
Theo TS Thiên, trong tương quan thị trường thì chúng ta vẫn phụ thuộc vào một thị trường Trung Quốc. Nhập khẩu đầu vào vẫn nặng nhất ở thị trường này. Số liệu xuất siêu với cả thế giới là 2 tỉ đô la Mỹ nhưng nhập siêu riêng với Trung Quốc là hơn 30 tỉ đô la Mỹ.
Con số này cho thấy bao nhiêu cố gắng xuất siêu với thế giới lại đổ sang bù vào nhập siêu ở thị trường Trung Quốc.
Điều này cho thấy một sự thiên lệch rất ghê gớm. Đó là chưa kể con số buôn lậu, nhập khẩu tiểu ngạch là chưa tính hết được", ông Thiên nói.
Chưa dừng lại ở đó, theo cảnh báo của các chuyên gia, Việt Nam còn đối diện với nguy cơ nhập 'rác' công nghệ từ Trung Quốc khi nước này đang thực hiện thải công nghệ lạc hậu để vươn kịp với nền sản xuất thế giới.
PGS. TS Lê Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng: Xét trên bình diện chung của sự phát triển kinh tế thế giới đúng là có diễn ra chu kỳ công nghệ như vậy. Tức là khi họ bước lên một trình độ phát triển công nghệ cao hơn thì sẽ chuyển công nghệ cũ, lạc hậu của một số ngành kinh tế công nghiệp sang nước ngoài.
Đây là sự dịch chuyển công nghệ gắn liền với sự thay đổi chu kỳ công nghệ. trong nước. Đó là thực tế không chỉ xảy ra với Trung Quốc mà nhiều nước khác.
"Tuy nhiên do Trung Quốc ở sát với chúng ta cho nên khi họ đổi mới công nghệ cũng sẽ gây ra một làn sóng đẩy công nghệ cũ ra nước ngoài và rõ ràng chúng ta cần tỉnh táo có thẩm định và lựa chọn khi nhập khẩu công nghệ để tránh 'mắc bẫy'", TS Lĩnh nói.
Theo TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội : "Nếu chúng ta nhập công nghệ cũ, lạc hậu thì không thể cạnh tranh được và khấu hao vô hình rất nhanh.
Đương nhiên khi doanh nghiệp sử dụng công nghệ cũ thì hàng hóa không thể cạnh tranh và hậu quả cuối cùng là nền kinh tế phải gánh chịu".
Và khi không nỗ lực để độc lập, nâng cao năng lực của mình thì sự lệ thuộc là khó tránh khỏi.
Nói như TS Trần Đình Thiên thì: "Việt Nam là một trường hợp cứ thấy dễ là làm, sự nỗ lực vươn lên ít hơn so với các nước khác cho nên trong việc phân tích cạnh tranh yếu. Mỗi khi mình tiến được một bước thì các nước đã tiến nhiều hơn nên chúng ta mãi tụt hậu".
Phương Nguyên
No comments:
Post a Comment