Monday, February 16, 2015

Tết khóc cười của những công nhân xa nhà

Đăng Bởi  - 

tet xa nha cua cong nhan
Ảnh minh họa

Vì kinh tế khó khăn, đồng lương của công nhân bèo bọt trong khi nhà xa, việc di chuyển gặp nhiều khó khăn khiến cho “tình cảm bị gián đoạn”. Và cũng 3 năm rồi, cứ đến thời khắc giao thừa, khi tivi vang lên bài hát “Happy new year - Chúc mừng năm mới" là lúc chị Hoài bật khóc nức nở vì tủi thân. Năm nay, lại một cái Tết nữa chị xa mẹ, xa nhà...

 Ngày Tết đang đến gần nhưng dạo qua các khu công nghiệp ở Vĩnh Long, Cần Thơ, Cà Mau..., người ta vẫn dễ dàng bắt gặp nhiều khu trọ sáng đèn. Họ là những người công nhân ở lại đón cái Tết xa quê. Khi nhắc tới chuyện không được về quê đón tết, ai cũng ngậm ngùi nhưng trong chốc lát, họ lại đưa tay quệt đi dòng nước mắt, nỗi nhớ nhà để nhường  chỗ cho nụ cười,  kể về những chuyện đầm ấm đùm bọc lẫn nhau của công nhân nơi đây.
Mỗi người một nơi hoàn cảnh khác nhau nhưng Tết đến thì nguyện ước chung về năm mới tốt lành, làm ăn khấm khá để có điều kiện về sum họp bên người thân trong mâm cỗ cúng gia tiên khi thời khắc giao thừa tới đã đưa họ lại gần bên nhau hơn. Họ bảo rằng "đời công nhân là thế", khổ cực bộn bề nhưng cũng chẳng kém tình người ấm áp giống như tiết trời đang đổ về Xuân.
Khi tivi vang lên bài hát “Chúc mừng năm mới” là lúc... bật khóc nức nở!
Không khí Tết đang tràn ngập khắp nơi, len lỏi cả vào những xóm trọ nghèo nơi hàng chục nghìn công nhân làm việc ở khu công nghiệp Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long đang ở. Từ sáng sớm, các con chợ xung quanh khu công nghiệp đã tất bật buôn bán rộn rã. Khác với những ngày thường, mặt hàng không chỉ là những vật dụng cá nhân mà thêm vào đó là còn có nhiều quầy bán vật dụng phục vụ cho Tết Nguyên đán. Những cây mai nở hoa vàng rực rỡ hay những hàng lá dong cũng đang được chuyển vội vã từ trên xe xuống để kịp tới tay người tiêu dùng... Tất cả như hối hả, vun vén cho một cái Tết đầy đủ và sung túc nhất.
Từ Nghệ An vào làm việc tại khu công nghiệp Bình Minh này đã được 3 năm nhưng chưa năm nào chị Phạm Thị Hoài (22 tuổi) được về quê ăn Tết với gia đình. Lý do cũng chỉ vì kinh tế khó khăn, đồng lương của công nhân bèo bọt trong khi nhà xa, việc di chuyển gặp nhiều khó khăn khiến cho “tình cảm bị gián đoạn”. Và cũng 3 năm rồi, cứ đến thời khắc giao thừa, khi tivi vang lên bài hát “Happy new year - Chúc mừng năm mới" là lúc chị bật khóc nức nở vì tủi thân và nhớ nhà. Năm nay, lại một cái Tết nữa chị xa mẹ, lại một cái Tết nữa chị không được thấy cây đào ngoài vườn bung nở những đóa hoa đầu tiên.
Chia sẻ thêm về cuộc đời mình, chị Hoài nói: “Bố em mới mất, nhà giờ chỉ còn mẹ và đứa em trai. Càng gần Tết càng thấy nhớ bố da diết. Càng nhớ bố lại càng thương mẹ giờ thui thủi một mình. Em muốn về an ủi mẹ mà không về được. Bao nhiêu tiền dành dụm, khi bố mất, em đã mang về trang trải hết, giờ chẳng còn tiền mà về”.
Chị Hoài bảo rằng, cùng dãy trọ với chị còn rất nhiều người phải ở lại ăn Tết như thế. Hầu hết họ là người ở miền Bắc hoặc miền Trung, khoảng cách xa xôi không thể về được. Trong khu nhà trọ chị đang ở có gần 60 phòng thì có tới một nửa số đó vẫn sáng đèn trong đêm giao thừa. Phòng nào nhiều thì 2-3 người ở lại, phòng ít chỉ có 1 người.
Chị Hoài kể: “Mặc dù vậy nhưng không khí Tết vẫn tràn ngập trong chúng tôi. Không ai bảo ai, cứ cách giao thừa khoảng nửa tháng, phòng nào phòng nấy tự thu dọn đồ đạc lại cho ngăn nắp. Rồi mấy phòng góp tiền với nhau đi chợ mua sắm gạo nếp, hành, thịt, lá dong về gói bánh chưng. Dù ai bận mấy cũng tranh thủ góp công sức vun vén cho cái Tết chung của xóm. Sao cho đến tối giao thừa có mấy nồi bánh chưng luộc ở ngoài sân, cười nói rôm rả lắm. Những câu chuyện về đón Tết quê hương được mỗi người kể lại, nghe mãi mà không chán. Có những người không kìm được lòng, ôm nhau khóc nức nở, chúng tôi nhìn thấy thế cũng òa lên khóc theo...”.
Người bạn ở cùng xóm trọ với chị Hoài tâm sự: “Vui là vui vậy chứ có thế nào đi chăng nữa cũng không được bằng ở quê. Trong nụ cười với nhau đêm giao thừa ấy, nhưng ai cũng cô đơn lắm khi phải đón Tết nơi đất khách. Người ở lại hướng cả tâm hồn, lòng thương nhớ về quê đã đành, người ở quê suốt mấy ngày Tết cũng chỉ ngong ngóng người đi xa không về. Thành ra, Tết cả hai bên đều không trọn vẹn”.
Nhớ nhà khi năm cũ sắp qua, anh Phan Văn Dương, 26 tuổi (quê Nghệ An), đang làm việc tại khu công nghiệp quận Bình Thủy - TP. Cần Thơ ngậm ngùi chia sẻ: “Năm nay là năm thứ hai tôi ăn Tết một mình ở nhà trọ. Mấy người cùng phòng quê ở gần nên về hết. Ăn Tết ở đất khách quê người đã buồn, ăn Tết một mình càng buồn hơn. Đi đâu cũng thấy gia đình người ta sum vầy đông đủ mà tủi phận mình. Nghĩ thì nghĩ vậy, tôi lại càng phải cố gắng phấn đấu năm sau chăm chỉ hơn, dành dụm tiền để về quê ăn Tết cùng với gia đình. Cũng may sao ở nơi đây cũng có nhiều anh em đồng cảnh ngộ đùm bọc lẫn nhau, sang năm mới cũng bớt cô đơn hơn”.
Không muốn bỏ lại bạn trai ở nơi xa xứ ăn Tết một mình nên năm nay, người bạn gái của anh Dương là chị Trần Hoài Thương (24 tuổi) cũng ở lại Cần Thơ đón Tết trong tình thương của bè bạn. Chị Thương bảo: "Mấy ngày hôm nay, ngày nào em cũng gọi điện về nhà cho mẹ, nhưng chẳng nói được gì vì cả hai mẹ con cùng khóc. Đến khi cái điện thoại ướt nhẹp vì nước mắt, mẹ con cũng chỉ kịp nói với nhau một câu “đừng buồn" rồi cúp máy.
Và hôm sau gọi về cũng lại y như thế. Cũng vì điều kiện kinh tế cả anh ạ, chúng em xác định nên duyên vợ chồng với nhau nên cố gắng khổ cực vài năm, dành dụm ít tiền rồi sang năm về nhà làm đám cưới. Hy vọng lúc đó sẽ được ở bên gia đình, người thân đón Tết cho hạnh phúc trọn vẹn”.
 
 Niềm vui của “đời công nhân”
Ba ngày Tết của công nhân xa nhà cũng mang nhiều sắc thái. Có nhiều công nhân "giết thời gian Tết" bằng cách tụ tập đánh bài. Với con gái, thường chỉ là đánh bài vui, đánh bài cá độ là chầu cà phê, chầu kem. Nhưng với con trai, nhiều khi đánh bài trở thành trò cờ bạc, sát phạt nhau. Có những công nhân dành mấy ngày Tết chỉ để... ngủ, bù cho những ngày thức khuya tăng ca. Cũng có những công nhân mấy ngày Tết không đi đâu, chỉ dành thời gian gọi điện về nhà rồi nằm đắp  chăn khóc vì nhớ nhà.
Phải ở lại ăn Tết nơi xứ lạ, công nhân nữ thường là người cô đơn nhất. Những lúc như thế, họ cần tình cảm và sự an ủi từ những người xung quanh. Bởi vậy, theo lời anh Hoàng Thanh (khu nhà trọ An Bình, quận Bình Thủy -TP.Cần Thơ), ở đây hay có chuyện chị em phụ nữ khóc lóc vì không được về quê, các anh qua an ủi nên dễ nảy sinh nhiều cuộc tình chóng vánh. Có nhiều chuyện xảy ra, khiến người trong cuộc phải hối tiếc cả đời. Nhưng hầu hết công nhân khi ở lại, hay tìm đến những người đồng hương để tìm sự cảm thông và chia sẻ. Cũng giống như ở ngoài quê, ngày Tết công nhân cũng đến “xông" phòng cho nhau, thăm hỏi động viên, mời nhau ăn miếng bánh, cái kẹo để có cảm giác như đang sống trong tình làng nghĩa xóm. “Trẻ nhỏ cũng được  lì xì, cũng có người đại diện trong xóm đứng lên phát biểu, chúc tụng nhau rồi đề ra phương hướng phấn đấu của xóm trong năm mới. Tất cả những hành động đó đều vì mục đích vơi đi nỗi nhớ quê hương. Khi đó, mọi lo toan thường ngày đều nhường chỗ cho tình người tỏa sáng” - anh Thanh rưng rưng nói.
Không chỉ có vậy, ? những người công nhân còn tổ chức văn nghệ  giao lưu tại các xóm trọ trong đêm giao thừa. Trong ký ức của anh Thanh vẫn còn nhớ như in đêm giao thừa năm ngoái, cả xóm được trận phen “giật mình” khi hai người bạn một nam, một nữ trẻ nhất trong xóm được cử ra để thi tài văn nghệ với nhau. Cuộc thi đang diễn ra thì bỗng người bạn nam xin thua rồi chạy lại ôm người bạn nữ vào lòng, bất ngờ nói “anh yêu em”. Thì ra, người bạn nam ấy đã đem lòng thương mến bạn gái kia từ lâu nhưng không dám ngỏ lời. Mãi đến khi được mời lên sân khấu, trong giây phút cảm xúc dâng trào nên có thêm động lực thốt ra lời gan ruột của mình. “Một năm rồi đấy, bây giờ cô cậu ấy đã sinh con. Năm nay đưa con về quê ăn Tết cùng đại gia đình” - anh Thanh hướng đôi mắt ra xa như ánh lên hy vọng.
Để quên đi nỗi nhớ nhà, nhiều công nhân khác chọn cho mình phương án đến những nơi vui chơi giải trí ở thành phố lớn như Đầm Sen, Suối Tiên (TP.HCM) hoặc Long Hải (Vũng Tàu). Chị Nguyễn Thị Thu Vân (quê Hải Hậu – Nam Định) bảo rằng, từ ngày đặt chân đến đất Vĩnh Long làm việc, chỉ cách bến Ninh Kiều - TP. Cần Thơ không đầy 20km nhưng 4 năm nay chị chưa bao giờ đặt chân tới. Tết này, chị Vân dự định sẽ rủ bạn bè ra bến Ninh Kiều đón giao thừa cho vơi đi nỗi nhớ nhà.
Không chọn cho mình kiểu đón Tết cùng với những đồng nghiệp trong xóm trọ, chị Lê Thị Nguyệt, quê Nam Định, hiện đang làm việc tại thị trấn Long Hồ - Vĩnh Long, kể rằng, để Tết đỡ buồn tẻ, chị em cũng rủ nhau đi sắm Tết, đi chợ hoa. Nhưng thường thì ngắm là chính chứ ít mua. Chủ yếu là mua con gà, ít thịt để cúng gọi ông bà về ăn Tết với mình. Giao thừa, mấy người ở lại cùng khu trọ cũng rủ nhau nhậu tắt niên và thường sau đó là... ngồi khóc.
Đón Tết xa quê cô đơn nhưng không vì thế mà không khí đón Tết của họ kém vui, bởi họ có niềm vui của “đời công nhân”. Những ngày Tết, một số người công nhân sống xa quê chọn nhà trọ là "tổ ấm" thứ hai để cùng nhau đón một cái Tết xa nhà.
Chị Hoàng Thị Tĩnh, công nhân đang làm việc tại Trà Nóc - TP. Cần Thơ, chia sẻ trong niềm vui: “Cứ đến ngày 23 tháng Chạp, lúc tan ca, tôi lại cùng chồng con chuẩn bị đồ lễ đưa ông Táo về trời. Mâm cơm cúng không thể thiếu được một số món đặc trưng của miền Bắc”. Trong không khí ấm áp của những ngày giáp Tết, chị Tĩnh xúc động kể rằng, Tết này là Tết thứ 5 gia đình chị không về quê, bởi mỗi khi về quê, gia đình chị phải tốn khá nhiều chi phí. Chị Tĩnh tâm sự: "Năm nay công ty cũng thưởng tiền lương tháng 13, những người khó khăn công ty thưởng thêm gạo, động viên, chăm lo đời sống của công nhân, năm nay tiền lương tăng hơn mọi năm. Xa quê cũng nhớ quê nhưng ở đây cũng có bạn bè nên vơi đi nỗi nhớ. Mỗi nơi có phong tục khác, miền Tây khác, miền Bắc khác, mỗi nơi có cái vui riêng”.
Ngồi bên cạnh vợ, anh Trần Văn Bình - chồng của chị Tĩnh ngậm ngùi: "Nỗi lòng ăn Tết xa quê thì nhà nào cũng vậy, cố gắng vun vén sao cho có được cái Tết đầy đủ, giống với Tết quê hương mình nhất. Bận nhiều việc nhưng ngày tiễn ông Táo về trời, gia đình tôi cũng cố gắng ngồi quây quần bên nhau, mời anh em bạn bè cũng là để làm tiệc tất niên cuối năm. Người ta nói đi đâu cũng không bằng người miền Tây, tình cảm rất là quý mến. Ở lại đây đón Tết cũng có nhiều cái hay riêng, cũng cho tôi thêm nhiều kỷ niệm".
Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 đã cận kề, mỗi người con xa quê trong lòng đều nôn nao chuẩn bị thu xếp hành lý về quê đón Tết cùng với gia đình, nhưng em Trần Xuân Quý, quê tại tỉnh Bình Phước, công nhân làm việc tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Phú Quý (thị trấn Long Hồ, tình Vĩnh Long), lại tranh thủ sau giờ tan ca dọn dẹp lại phòng trọ để đón năm mới với những dự định riêng của mình. Em Quý vúi vẻ nói: 'Tết em không về quê chơi, em ở đây thấy cũng vui vẻ. Tết em đi thăm mấy anh em, thăm bạn gái, chắc em gắn bó lâu dài ở Vĩnh Long luôn quá".
Những ngày giáp Tết, nơi nhà trọ không ồn ào, náo nhiệt, nhưng không vì thế mà không khí Tết nơi đây kém vui. Những người “xa xứ” cũng chuẩn bị dọn dẹp, trang trí lại phòng trọ, họ xem đây như là ngôi nhà thứ hai của mình để đón năm mới xa quê. Chị Nguyễn Thị Kim Hương, công nhân làm việc tại Công Ty Busin, quê tỉnh Sóc Trăng, bày tỏ:"ở đây mình buồn lắm! Muốn về thăm ba mẹ mà về không được, mình cũng có điện qua điện lại hỏi thăm. Còn mình ở đây mình ăn Tết với chủ nhà trọ, họ cũng tốt, coi mình như con cái trong nhà nên sum họp như một thành viên trong gia đình. Thấy không khí rất náo nhiệt, nay mới hai mấy mà em thấy nhộn nhịp, nôn nao quá".
Ngoài những người công nhân tự đem lại niềm vui cho nhau trong ngày Tết Nguyên đán thì bên cạnh đó còn có rất nhiều người khác cũng thấu hiểu được nỗi lòng của họ nên tạo điều kiện hết mức tổ chức cho công nhân đón xuân trong niềm vui phấn khời. Đó là những chủ nhà trọ, hay chính quyền địa phương nơi công nhân cư ngụ. Theo lời kể của chị Hương, năm nào ban lãnh đạo công ty nơi chị làm việc đến từng khu nhà ở của công nhân để tặng quà và thăm hỏi động viên những công nhân không về quê ăn Tết.“Năm nào, vào đúng mùng 1 Tết, mình cũng có mặt tại văn phòng của công ty để nghe lãnh đạo chúc Tết, phát lì xì, quà bánh... Ấm lòng lắm! Trước đó, từng phòng ban còn cử ra các thành viên thi gói bánh chưng, bánh tét, nếu đoạt giải thì công ty sẽ có thưởng rồi cả hội cùng liên hoan thân mật”.
Ngày Tết không được đoàn tụ với gia đình để ăn một bữa cơm sum họp truyền thống là một thiệt thòi lớn đối với người dân Việt Nam, nhưng đối với những công nhân xa xứ, phấn đấu "vượt lên chính mình" để tìm được niềm vui Xuân trong công việc, trong "tình đồng hương" chính là nghị lực giúp họ vượt qua khó khăn, nghịch cảnh, hoàn thành tốt công việc tại công ty trong năm 2015.
Hoài Phố / Hôn nhân & Pháp luật

No comments:

Post a Comment