Monday, February 16, 2015

Nghề tảo mộ thuê ở miền Nam

Nhóm phóng viên tường trình từ VNTheo RFA-2015-02-16
B-n-nhang---n---ngh-a-trang.jpg
Bán nhang trước nghĩa trang-RFA photo
Tảo mộ là một việc mà người thân dành cho người đã khuất để thể hiện tấm lòng thương nhớ, tưởng tiếc của mình. Việc tảo mộ thường diễn ra vào tháng Chạp, một số trường hợp ngoại lệ, việc tảo mộ của dòng tộc diễn ra vào tháng Giêng, tháng Hai, tháng Ba. Nhưng đại đa số các dòng tộc Việt Nam chọn tháng Chạp làm tháng tảo mộ. Đó là chuyện rất tự nhiên, rất con người. Thế nhưng, trong thời đại kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, lễ tảo mộ dòng tộc có thể được phó thác cho các dịch vụ vì nhiều lý do. Và dịch vụ tảo mộ thuê lại lên ngôi ở miền Nam.
Nghề của nỗi niềm
Ông Vượng, chủ một dịch vụ xây mộ và tảo mộ thuê ở Bình Hưng Hòa, Sài Gòn, chia sẻ: “Nếu như mình có người làm thì thôi, còn không thì thuê người ta dọp dẹp sạch sẽ. Tảo mộ thuê bữa nay thì đông, rất đông.”
Theo ông Vượng, với một người từng có kinh nghiệm xây mộ gần hai mươi năm ở quê nhà miền Trung và hơn mười năm xây mộ ở Sài Gòn thì có vẻ như các ngôi mộ ở miền Trung được con cháu chăm sóc kĩ lưỡng hơn các ngôi mộ ở Sài Gòn. Nhưng bù vào đó, các ngôi mộ ở Sài Gòn thường được xây dựng kĩ lưỡng, tốn tiền hơn các ngôi mộ ở miền Trung. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào kinh tế vùng miền. Vì miền Trung nắng gió, nghèo khổ nên đôi khi một nấm mộ thấp lè tè bằng cát sẽ bị mất dấu sau mùa gió chướng, chính vì vậy còn cháu phải thường xuyên nhang khói và vun đắp mộ cho ông bà.
Đó là chuyện phổ biến của nhiều năm về trước và hãn hữu trong hiện tại. Nhưng nhìn chung, mộ bia ở Sài Gòn luôn đắt giá và đẹp hơn mộ bia các tỉnh miền Trung, ngoại trừ tỉnh Thừa Thiên Huế với những thành phố nghĩa trang và các lăng mộ bề thế, có thể người sống không có nhà để ở nhưng lăng mộ của người chết xây bằng số tiền gấp ba, bốn lần nhà ờ, thậm chí còn đắt ngang với biệt thự. Sài Gòn không có được điều này nhưng các ngôi mộ ở Sài Gòn sạch sẽ, tươm tất nhờ vào dịch vụ tảo mộ ở đây.
Ông Vượng nói thêm là giữa một thành phố vốn dĩ không phải là quê gốc, ít có nhà thờ họ và nghĩa trang Bình Hưng Hòa cũng như các nghĩa trang Gò Dưa, Lái Thiêu, Củ Chi… đều là những nghĩa trang không quá hai trăm tuổi, thậm chí rất mới mẽ nên các ngôi mộ cũng hiện đại và mang đậm dấu ấn Sài Gòn, nhất là việc tảo mộ thuê.
Hầu như con cháu quá bận rộn, ngày thường thì lo kiếm cơm, bon chen với đời, chỉ riêng chuyện mua một miếng đất nhỏ để chôn người thân cũng tốn vài chục triệu, có khi cả trăm triệu đồng.
Thanh-minh-trong-ti-t-th-ng-Ba.-L--l--t-o-m--400.jpg
Thanh minh trong tiết tháng ba. RFA photo
Và đến mùa tảo mộ cũng là mùa trùng lặp với mùa Tết, mùa biếu xén, thay vì đi tảo mộ ông bà, người ta không có đủ thời gian để làm việc này, phải nhờ đến dịch vụ tảo mộ làm thay để còn có thời gian để vừa kiếm tiền cuối năm, vừa mánh khóe, chạy chọt, quà cáp cho cấp trên. Điều này đã trở thành một thứ văn hóa mới cho Sài Gòn. Ngoại trừ những người thật sự bận rộn vì chuyện cơm áo, đa phần còn lại hoặc là đi nhậu, hoặc là đi quà cáp cho cấp trên và bỏ tiền ra nhờ dịch vụ chăm sóc mộ.
Làm mộ suốt mười năm ở Sài Gòn, ông Vượng cay đắng nhận ra những khách hàng của ông, có nhiều người chỉ gặp ông qua điện thoại, hẹn gặp ở quán nước và thậm chí trả tiền qua thẻ ATM chứ chưa bao giờ họ đến thăm mộ người thân. Chỉ khi nào họ làm ăn lụn bại mới tìm đến mộ người thân mà khói nhang cầu khẩn, xin xỏ phù hộ. Điều này chưa hề có thậm chí là tội lỗi trong quan niệm tâm linh của người Việt trước năm 1975, mặc dù thời đó chiến tranh liên miên, quân Bắc Việt ẩn nấp trong các nghĩa trang để ám sát, khủng bố nhưng người ta vẫn đi thăm mộ người thân bởi đó là cái đạo làm người không thể quên được!
Những ngôi mộ cô đơn
Một trưởng nhóm tảo mộ thuê khác tên Hà, chia sẻ thêm: “Ra Tết thì Thanh Minh, người ta đi tảo mộ thêm một lần nữa, vào tiết thanh minh, giống như hai lăm tháng chạp, người ta dọp dẹp xung quanh, nhổ cỏ, quét vôi mộ… Mỗi năm một lần thôi, mình dọn dẹp, lau sạch mộ, nhỏ cỏ giúp, đến lúc người ta đi tảo mộ thấy sạch sẽ, đẹp thì người ta cho mình tiền để uống cà phê…”
Theo ông Hà cho biết, hiện nay, ở mỗi khu nghĩa trang thường có từ 30 đến 50 nhóm tảo mộ thuê, vào mùa Tết có thể lên đến hàng trăm nhóm. Các nhóm phát sinh này gồm sinh viên nghèo, công nhân nghỉ Tết sớm, người bán vé số, buôn ve chai… Nói chung là đủ các thành phần. Trong khi đó, các nhóm ổn định thường là các thợ hồ và phụ hồ, quanh năm họ thầu xây dựng mộ, bảo hành, bảo trì mộ và cuối năm thì tảo mộ thuê. Thu nhập trung bình đầu người của các nhóm này cũng thuộc vào diện khá, dao động từ ba triệu đến bảy triệu đồng mỗi tháng. Những tháng Tết có thể dao động từ mười triệu đến mười lăm triệu đồng.
Nhưng cái nghề xây mộ, tảo mộ là cái nghề buồn nhất, bởi nó vừa gần những bóng ma cõi âm và gần cả những bóng ma cõi dương. Ông Hà từng chứng kiến những bóng ma cõi dương đã đập phá, hất hủi những ngôi mộ khộng có người thân bởi người thân của họ đã vượt biên, đã ở một nơi nào đó rất xa mà không có điều kiện chăm sóc mộ phần cho người thân. Những kẻ phá hoại mộ, trong con mắt của ông Hà là những kẻ mất hết tính người và còn đáng sợ hơn cả những bóng ma. Chúng là những bóng ma của lịch sử, của nhân loại tiến bộ.
Ông Hà buồn rầu nói rằng năm nào cũng như năm nào, khảng chừng 29 tháng Chạp, sau khi đã hoàn tất việc tảo mộ thuê, những nhóm tảo mộ lại rủ nhau đi chăm sóc, nhang khói, trùng tu những ngôi mộ vô chủ mà đọc trên văn bia, ông có thể đoán ra được danh phận cũng như gia đình, dòng tộc của người dưới mộ những năm trước 1975.
Cũng là một người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, ông có mối đồng cảm sâu sắc với những vong linh nằm dưới mộ. Có đôi khi nhìn sự xiêu vẹo của những mộ phần, ông bùi ngùi nhớ lại một Sài Gòn xưa, một thuở yên bình dù rằng bom đạn vẫn chưa ngừng rơi. Nhưng thời đó tâm hồn và lòng người mới đẹp và độ lượng, đáng yêu biết nhường nào. Thời đó đã qua rồi, đã xiêu vẹo như những ngôi mộ không có người thân đang nằm cô đơn, lẻ loi nơi nghĩa trang!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

No comments:

Post a Comment