Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam2015-02-23
Một cảnh ngày Tết của đồng bào thiểu số Tây Bắc chẳng khác gì ngày thường- RFA
Với tuổi trẻ, Tết không những mang ý nghĩa là những ngày đầu năm trong lịch pháp khế hợp với truyền thống đón chào ánh sáng năm mới của nhiều dân tộc Á Đông, mà Tết còn là những bước chân đầu tiên bên bậc thềm vận hội của cá nhân và thế hệ trên giao lộ tương lai. Chính bởi những thôi thúc bên trong đã khiến cho tuổi trẻ lúc nào cũng thấy Tết háo hức, đáng yêu và hàm chứa niềm hy vọng nào đó. Tuy nhiên, đối với tuổi trẻ ở các vùng quê hẻo lánh, ở những nơi thiếu ăn thiếu mặc và thiếu cả tự do, nỗi hân hoan Tết về của họ lúc nào cũng mang hơi hướm của nỗi buồn thế hệ và còn một điều gì đó sâu cay, gai độc hơn nữa, khó mà diễn tả trọn vẹn.
Tết và niềm tin bị đánh tráo
Hồ Trần Nhì, một thanh niên dân tộc H. Mong ở huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, chia sẻ: “Tết thì có gì đâu mà ăn Tết, gạo cũng không có mà ăn lấy gì ăn Tết. Bản làng giờ chán lắm, con gái thì làm đĩ, kiếm tấm chồng thành phố trai làng thì rượu chè be bét. Những ai đàng hoàng thì bị đánh đập bởi phần lớn họ tham gia vào tin lành, tôn giáo. Người ta xây nhà tang lễ cũng bị đánh đập. Mọi thứ thay đổi cả rồi, người ta bảo mang cái ánh sáng gì về đâu không thấy, dân làng lại phải mang xác chết về treo trong nhà mười mấy ngày. Tết vậy thôi, không có gì thay đổi đâu, không có hy vọng gì đâu.”
Theo anh Nhì, dường như người H.Mong của anh chưa bao giờ có Tết vui vẻ giống như người Kinh kể từ khi anh nhận thức đời sống cho đến nay. Ngót nghét đã hai mươi năm, mỗi khi Tết về, bản làng quanh quẩn trong cái đói và sự sợ hãi, đôi khi chính họ cũng không biết mình đang sợ hãi điều gì và vì sao mình lại sợ hãi.
Nỗi sợ, cái đói và sự thiếu thốn, u mê, ngu dốt ám lấy người H. Mong như một thứ định mệnh quái gở, như một thứ ma xó luôn nằm sẵn trong góc nhà, chỉ cần mặt trời xuống núi thì nó lại hiện ra quần thảo, hoành hành bà con. Mãi cho đến khi anh đủ trưởng thành, đặc biệt là vài tháng trở lại đây, anh mới hiểu thấu được nỗi sợ hãi cũng như sự thiệt thòi của bà con H.Mong thân yêu.
Đó là nỗi sợ hãi khi phải làm người H.Mong bởi từ thời vị vua Vàng A Tưởng lưu vong, bao nhiêu khó khăn đổ ập lên đầu người dân H.Mong, bên ngoài thì những tưởng người H.Mong được nhà nước chăm sóc kĩ lưỡng, được ưu tiên các chế độ của vùng sâu, vùng cao nhưng trong ruột là cả hàng ngàn cạm bẫy đang chờ bất cứ người H.Mong nào ngây ngô, bước vào sẽ chết.
Tết thì có gì đâu mà ăn Tết, gạo cũng không có mà ăn lấy gì ăn Tết. Bản làng giờ chán lắm, con gái thì làm đĩ, kiếm tấm chồng thành phố trai làng thì rượu chè be bét. Những ai đàng hoàng thì bị đánh đập bởi phần lớn họ tham gia vào tin lành, tôn giáo.Hồ Trần Nhì
Nhiều thanh niên H.Mong tin vào đảng, tin vào Bác đã tham gia thanh niên xung phong, tham gia đoàn viên, nỗ lực vào đối tượng đảng. Nhưng tất cả mọi nỗ lực mà động cơ ban đầu là làm cho người H.Mong được ấm no, sung sướng hơn lại trở thành quả bom nổ chậm đe dọa an sinh của cộng đồng H.Mong. Chính những thanh niên đối tượng đảng và đảng viên này đã gây khó cho bà con, lái đời sống vốn hồn nhiên, gần với núi rừng của bà con trở thành một cộng đồng giáo điều ngột ngạt.
Về lâu về dài, bà con H.Mong nhận ra sự sai lầm ở mình vì quá tin vào các đảng viên, bà con quay trở lại với những tập tục xưa và học hỏi, cải cách phương thức tang ma, thay vì để trongg nhà ngày này qua tuần nọ, bà con đã xây dựng nhà tang lễ, cách ly người sống và người chết nhằm giữ gìn không khí linh thiêng cho người khuất núi cũng như vệ sinh cho người còn sống.
Nhưng nhà nước, đảng đã không cho bà con làm thế, đặc biệt là các đảng viên người H.Mong xem bà con là những kẻ phản động, họ đàn áp, đánh đập bà con, họ cấm bà con quàng người chết ở nhà tang lễ cũng như cấm bà con tin vào Thượng Đế. Tập tục giữ người chết trong nhà lâu ngày vốn dĩ bị bà con xem là lạc hậu, cổ hủ lại được họ cổ xúy, động viên thực hiện.
Và đỉnh điểm của việc này là nhà tang lễ bị đập phá tan hoang, người nào đứng ra giữ nhà tang lễ đều bị xếp vào thành phần phản động, chống đảng, phản quốc. Đời sống bà con trở nên ngột ngạt và bất an vô cùng. Đôi khi Hồ Trần Nhì cảm thấy người H.Mong giống như một bầy thú lẻ loi, trơ trọi đang bị săn đuổi ráo riết giữa cánh rừng mùa xuân.
Tương lai mịt mù
Một bạn trẻ khác, không muốn nêu tên, ở Cao Bằng chia sẻ thêm: “Nếu có ai vào đại học thì bà con mừng lắm, bà con chung tay nuôi nấng nhưng ra trường thì bỏ bà con, nói bà con không tốt, nói bà con ở trong rừng chứ đừng ra ngoài, thế là bà con buồn. Ít được đi học lắm! Ở đây không có đất canh tác đâu, đi lên trên rừng cao rồi tìm đất trồng sắn, trồng khoai thôi!”
Theo bạn trẻ này, mùa xuân đến với bà con dân tộc thiểu số Tây Bắc giống như một gã nhà giàu đang trêu ngươi một người sắp chết đói bằng những đồng tiền sực nức mùi giấy mới. Và mùa xuân của tuổi trẻ H.Mong hay Thái Trắng, Dao Đỏ cũng chỉ là những tiếng hoẵng lạc bầy, kêu thất thanh giữa đêm khuya nơi đại ngàn u linh.
Nếu có ai vào đại học thì bà con mừng lắm, bà con chung tay nuôi nấng nhưng ra trường thì bỏ bà con, nói bà con không tốt, nói bà con ở trong rừng chứ đừng ra ngoài, thế là bà con buồn. Ít được đi học lắm!một bạn trẻ dân tộc thiểu số TB
Hiện tại, có thể nói rằng số lượng thanh niên và trẻ em được đến trường và theo đuổi con đường học tập ở các bản làng vùng cao Tây Bắc chiếm con số rất khiêm tốn, có thể đếm được trên đầu ngón tay. Số thanh niên vào đại học càng hiếm hơn và nghiệt nỗi, bất kì thanh niên dân tộc thiểu số nào ở các tỉnh Tây Bắc chứ không riêng gì Cao Bằng vào trường đại học đều có nguy cơ trở thành đảng viên Cộng sản, vì chỉ có con đường này họ mới có thể tiến thân tốt trong xã hội.
Mà với bà con, không có gì đáng sợ hơn việc cả nhà, thậm chí cả làng chung tay để nuôi một sinh viên đại học, đến khi tốt nghiệp, về làng, anh hay chị này lại trở thành kẻ phá hoại sự bình yên của dân làng bởi cái hệ thống tư tưởng đã được nhồi nhét vào đầu anh ta trong quá trình ngồi trên ghế giảng đường. Bằng chứng của hiện tượng này là mọi sinh viên dân tộc thiểu số đều đi học đại học trong niềm hy vọng và vòng tay cưu mang của cộng đồng, xóm làng nhưng khi tốt nghiệp xong, việc đầu tiên anh hay chị này thực hiện sẽ là phá vỡ một giềng mối nào đó của xóm làng để lập công. Họ quay lưng với bà con, xóm làng.
Và với cái đà thế giới vật dục đang ngày càng làm giới trẻ say sưa, quay cuồng và dốt nát, tương lai của bà con thiểu số Tây Bắc có dấu hiệu ngày càng bị đẩy lùi vào rừng sâu và sống ngay trên vai đại ngàn nhưng lại không có đất rừng để canh tác, hễ cứ nơi nào bà con sống tạm ổn định thì lại bị qui hoạch du lịch hoặc bị xâm chiếm bằng nhiều cách.
Xuân đã về trên khắp các triền đồi, hoa ban nở trắng. Nhưng dường như với tuổi trẻ biết nhận thức, mùa xuân của đồng bào thiểu số chỉ là một rừng hoa ban lấp ló sau sương mù và chẳng biết bao giờ nắng sẽ lên. Tương lai mịt mù vẫn cứ mịt mù và tuyệt vọng.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
No comments:
Post a Comment