Monday, February 23, 2015

Cái chết một người cộng sản và những câu chuyện của cơ quan an ninh

Kính Hòa, phóng viên RFA2015-02-23
Ủy viên trung ương đảng cộng sản Việt nam, nguyên trưởng ban nội chính trung ương, Nguyễn Bá Thanh
Ủy viên trung ương đảng cộng sản Việt nam, nguyên trưởng ban nội chính trung ương, Nguyễn Bá Thanh, tử trần ngày thứ sáu, ngày 13, tháng Giêng, năm 2015.- Tinmoi.vn
Cái chết một người cộng sản
Thứ sáu, ngày 13, tháng Giêng, năm 2015, đảng viên cao cấp, ủy viên trung ương đảng cộng sản Việt nam, nguyên trưởng ban nội chính trung ương, Nguyễn Bá Thanh từ trần.
Ông Thanh là một gương mặt chính trị nổi bật trên chính trường Việt nam trong vài năm gần đây, nói theo cách nói của người đồng hương, nhà báo, blogger Trương Duy Nhất trước khi bị bắt giam, là ông Thanh không nhàn nhạt như những chính khách khác.
Đám tang ông Thanh được nhiều người từ quan chức đến thứ dân đến viếng. Người ta nói rằng ông đã làm được nhiều điều hay cho quê hương Quảng nam Đà Nẵng của ông, người ta cũng bàn nhau là phải chi ông còn sống thì ông sẽ giúp đảng của ông chống tham nhũng tới cùng.
Báo chí chính thống của đảng cũng đồng loạt đưa tin về sự ra đi của ông với những lời ca ngợi tốt đẹp nhất.
Các trang mạng bị cơ quan tuyên giáo của đảng xếp vào loại ngoài luồng thì lại đưa thêm những gì không hay trong di sản của ông Thanh, như vụ xóa bỏ giáo xứ Cồn Dầu, những vụ ăn bớt tiền trong các dự án cơ sở hạ tầng.
Blogger Hoàng Ngọc Tuấn viết rằng đã là một chính khách, thì khi mất đi đáng lý ra truyền thông phải rõ ràng những gì người ấy đã làm tốt cho xã hội cũng như  những gì có hại cho xã hội trong cuộc đời người ấy. Blogger Trần Minh Khôi thì trích một câu ngạn ngữ có tính luân lý của người Việt nam rằng nghĩa tử là nghĩa tận, nhưng khi đã dính líu đến chính trị thì chuyện được đưa ra để phê bình, thậm chí đàm tiếu, phải được xem là bình thường.
Bản chất của cuộc chống tham nhũng là thế nên ông Nguyễn Bá Thanh rước vào thân nhiều kẻ thù thần thế ở Hà Nội. Ông bị khống chế để trở nên một người không có thực quyền và cuối cùng, bệnh tật đến đột ngột với ông vào tháng 8/2014 đã loại bỏ hẳn ông ra khỏi cuộc chơi. Tin đồn ông bị đầu độc...không phải tự nhiên từ trên trời rơi xuống
Nhưng có lẽ câu chuyện ồn ào nhất xung quanh cái chết của người cộng sản Nguyễn Bá Thanh là nguyên do cái chết của ông. Người ta xì xầm nhau rằng ông bị đầu độc, giống như một điệp viên Nga cách đây mấy năm. Truyền thông chính thống của nhà nước Việt nam chỉ hiếm hoi đưa tin về lời đồn này, nhưng một trang blog được cho là từ bên trong đảng lại khẳng định ông bị các đồng chí của ông đầu độc. Bàn về tin đồn này nhà báo Lê Diễn Đức cho là ông Thanh giữ trọng trách chống tham nhũng, nhưng chống tham nhũng lại là cuộc đấu đá quyền lực của các phe phái, và đó là nguyên nhân dẫn đến những lời xì xầm về nguyên nhân cái chết của ông:
Thực ra tham nhũng là chất keo kết dính của toàn bộ cấu trúc cầm quyền của ĐCSVN, là pháo đài bảo vệ chế độ. Người ta gắn bó với "nhà nước" cũng chính vì tham nhũng. Bất luận năng lực thế nào, việc làm có phù hợp không, hiệu quả ra sao... cứ vào được biên chế là có điều kiện để tham nhũng, quan càng lớn càng ăn to, quan nhỏ ăn nhỏ
Bản chất của cuộc chống tham nhũng là thế nên ông Nguyễn Bá Thanh rước vào thân nhiều kẻ thù thần thế ở Hà Nội. Ông bị khống chế để trở nên một người không có thực quyền và cuối cùng, bệnh tật đến đột ngột với ông vào tháng 8/2014 đã loại bỏ hẳn ông ra khỏi cuộc chơi. Tin đồn ông bị đầu độc chất phóng xạ, đo đó, không phải tự nhiên từ trên trời rơi xuống.
Một người từng là đảng viên cao cấp của đảng cộng sản cách đây nửa thế kỷ là ông Nguyễn Minh Cần nhắc lại những cuộc thảm sát tàn khốc của đảng cộng sản Việt nam trong những cuộc tận diệt những kẻ thù của họ, hay giữa những người cộng sản với nhau. Ông Cần viết trong bài Bàn về chuyện rời bỏ đảng, đăng trên blog Dân luận rằng hiếm có đảng chính trị nào coi mạng người rẻ rúng như đảng cộng sản Việt nam.
Cũng liên quan đến cuộc tranh giành quyền lực vừa qua của đảng cộng sản, blogger Kami lấy điều đó để giải thích cho việc đảng cộng sản cho phép hai blogger Hồng lê Thọ, và Nguyễn Quang Lập về với gia đình trong những ngày giáp tết. Theo Kami thì cuộc cờ quyền lực của những người cộng sản đã ngã ngũ, những blogger được cho tại ngoại là những người thực ra không đòi hỏi những sự thay đổi về bản chất của chế độ, việc bắt bớ họ, hay thả họ ra chẳng qua chỉ là cách mà các phe phái đánh bóng tên tuổi mình trước con mắt của dư luận mà thôi. Những blogger dấn thân sâu hơn vào con đường cải cách chính trị xã hội ở Việt nam hiện vẫn nằm sau song sắt nhà tù trong mùa xuân này.
Nhà văn Thùy Linh cũng nhắc đến mối liên quan giữa cái chết của ông Thanh và cuốc tranh chấp phe phái của các đồng chí của ông. Người ta cho rằng cuộc tranh chấp đã đưa đến sự tập trung quyền lực vô cùng mạnh mẽ vào tay đương kim Thủ tướng, và cũng không ít người mong đợi rằng Thủ tướng sẽ sử dụng quyền lực đó để tiến hành cải cách, thậm chí ông sẽ lên làm Tổng thống. Nhưng Thùy Linh cho rằng không có gì đáng mừng nếu chuyện tập trung và thăng tiến quyền lực của Thủ tướng là có thật:
Tôi biết khá nhiều người là đảng viên Cộng sản. Tôi không nghĩ họ là những người xấu. Họ chỉ xấu khi có quyền lực trong tay. Chính thứ quyền lực không giới hạn và không được kiểm soát làm cho họ bị tha hoá. Hệ quả là tìm một người tốt trong đám những người cộng sản cầm quyền cũng khó như tìm một người tốt trong đám mafia
Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc
Cái chết bí ẩn, đau đớn của ông Nguyễn Bá Thanh, cùng với lối đánh vỗ mặt, trắng trợn của Chân Dung Quyền Lực đã làm rung chuyển những cái ghế. Chủ nhân của những cái ghế ấy đang run sợ, khiếp đảm... Quyền lực đang thu hẹp dần, hướng tâm vào một cái ghế duy nhất: tổng thống Việt Nam  XHCN. Lực hướng tâm đang rất mạnh. Nếu bỏ phiếu tín nhiệm lúc này, cái ghế ấy chắc gần 100%... Chân dung một tổng thống đầu tiên của Việt Nam đang lộ diện. Lực cản chính từ bên trong (nội chính) đã bay xa vào hố đen. Cái chết thê thảm của một quyền lực khá hùng mạnh đã khép lại một năm nhiều sóng gió cả với dân đen lẫn quyền lực đen... Năm tới chắc không chỉ sóng gió mà là bão tố? Cũng có thể những cái ghế biết học cách đứng im không xê dịch để bảo toàn mạng sống...
Dù có lên ngôi tổng thống thì chỉ theo mô hình Putin, không hơn...
Tăm tối!
Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc kết luận về những gì liên quan đến quyền lực cộng sản trong mấy mươi năm qua:
Tôi biết khá nhiều người là đảng viên Cộng sản. Tôi không nghĩ họ là những người xấu. Họ chỉ xấu khi có quyền lực trong tay. Chính thứ quyền lực không giới hạn và không được kiểm soát làm cho họ bị tha hoá. Hệ quả là tìm một người tốt trong đám những người cộng sản cầm quyền cũng khó như tìm một người tốt trong đám mafia.
Công việc của cơ quan an ninh
Trong những ngày cuối năm, trời đất chuẩn bị vào xuân thì hàng chục triệu người Việt lại tưởng nhớ đến cuộc xâm lăng đẫm máu của Trung quốc cách đây 36 năm. Blogger Mai Tú Ân thì nhìn lại cuộc chiến đó như là một cuộc chiến đẫm máu giữa hai đảng cộng sản được coi là đồng chí anh em với nhau:
Một vở diễn chiến tranh đẫm máu của đồng chí với anh em. Một âm mưu ganh đua hơn thua của phe phái tàn bạo của hai kẻ tàn bao. Một cuộc chiến tranh không đáng có nhưng nó đã xảy ra với bao cái chết anh dũng nhưng oan uổng, oan nghiệt của bao chiến sĩ và đồng bào ta...
Bài học cho Việt Nam là nếu không muốn bị chơi xấu thì đừng kết bạn với kẻ xấu, và nó không phải chỉ là bài học cho quá khứ mà còn cho hiện tại và cho tương lai của dân tộc nữa...
Quá khứ đã qua, nhưng tưởng niệm quá khứ ấy lại cũng chẳng dễ dàng. Đảng cộng sản Việt nam vẫn lên tiếng ca ngợi các quan hệ của mình với các đồng chí phương Bắc, và như thế là các hoạt động mang tính chỉ trích những người đồng chí ấy thường được cơ quan an ninh nhìn với con mắt nghi ngại. Nhiều blogger đã và đang bị bắt bớ hay bị cầm tù vì có những hoạt động chống Trung quốc xâm lược. Và cơ quan an ninh đã sử dụng nhiều phương pháp khó có thể tưởng tượng được để khống chế những blogger ấy, từ chuyện trốn thuế, cho đến chuyện đời tư.
Trong khoảng khắc giao thừa của năm nay, blogger nhà báo Đoan Trang công bố chuyện của cô vào năm 2009. Lúc ấy cô bị bắt vì những hoạt động yêu nước chống dự án Bauxite do người Trung quốc thực hiện ở Tây nguyên. Người ta tịch thu máy tính của cô, nhòm vào những bức ảnh riêng tư. Và nay khi Đoan Trang trở thành một gương mặt đấu tranh cho tự do ngôn luận Việt nam trên nhiều diễn đàn quốc tế thì cô nhận được những lời đe dọa bằng những bức ảnh riêng tư.
Đoan Trang viết
Tôi thích thú gì khi phải tung lên mạng những chuyện hết sức riêng tư, mà lại là vào đêm trước giao thừa?
Tôi thích thú gì khi phải tố cáo những chuyện liên quan đến một cơ quan công quyền thật sự rất lớn và rất oai, là cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an Việt Nam?
Tôi thích thú gì khi phải nói rằng an ninh Việt Nam đã “mẫn cán” đến mức thọc mũi vào đời tư của một phụ nữ và ra sức huấn thị, dạy đạo đức cho người phụ nữ (độc thân) ấy?
Những ước muốn đầu xuân
Đoan Trang gửi lời mong ước của mình đến cơ quan an ninh Việt nam
Tôi cũng muốn cầu nguyện một điều trước phút giao thừa , rằng ước sao những câu chuyện đau lòng tương tự do an ninh Việt Nam gây ra sẽ không bao giờ xảy ra với bất kỳ ai trên đất nước này. Ước sao lực lượng an ninh Việt Nam cũng biết bảo vệ, tôn trọng nhân quyền, trong đó có quyền riêng tư của công dân, như họ đã và đang tích cực bảo vệ chế độ.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy thay những lời mong ước bằng những câu hỏi
Chúng ta sẽ làm gì ?
Sẽ tiếp tục mơ trong một thực tế càng ngày càng thối rữa và băng hoại ?
Hay chúng ta sẽ tỉnh khỏi giấc mộng giữa ban ngày này, để sống thực với cái thực tại đang bị đè nặng dưới nhiều hình thức khủng bố khác nhau, để từ sự thức tỉnh này mà một ngày nào đó có thể hành động để thoát khỏi sự khủng bố và xây dựng một xã hội dựa trên luật pháp, văn hóa và khoa học, điều mà một số dân tộc khác đã làm được ?
Thay lời kết cho bài điểm blog trong phút giao thừa này, xin mượn lời blogger Người Buôn Gió trong bài viết cuối năm về một người phụ nữ can đảm đang nằm sau song sắt nhà tù tại Việt nam là bà Bùi Thị Minh Hằng
Cuộc đời được mất thật khôn lường. Nhưng những người chính nghĩa, cái được bao giờ cũng lớn ở kết quả này hay kết quả khác, khi mà danh lợi chả còn là mục đích trong cuộc đời.
Cũng có thể là anh viết những dòng ấy không chỉ cho riêng những người phụ nữ như Bùi Thị Minh Hằng, hay Phạm Đoan Trang, mà cả những người đang có quyền lực và có thể giết nhau vì quyền lực nữa.

No comments:

Post a Comment