Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok 2015-02-19
Lì xì, ảnh minh họa.Files photos
Cung cách đón Tết của người Việt ít nhiều thay đổi theo dòng chảy của thời đại, trong đó những phong tục truyền thống bị biến dạng làm cho bậc thức giả phải quan tâm lo lắng. Mặc Lâm có cuộc trao đổi ngắn với Giáo sư sử học Lê Văn Lan trong ngày đầu năm nhằm tìm hiểu vài khía cạnh về cái Tết của người Việt hôm nay.
Mặc Lâm: Thưa Giáo sư những phong tục mà chúng ta thường thấy trong dịp Tết như dựng cây nêu, đưa ông Táo về trời cũng như đón giao thừa và sang mùng Một là mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Trong truyền thống ấy thì mỗi phong tục nói lên điều gì thưa Giáo sư?
GS. Lê Văn Lan: Vời tư cách là người làm sử tôi nhận thấy cái Tết rất quan trọng đối với người Việt Nam tất cả gói vào trong hàng loạt những tình tiết, những nghi thức thậm chí cả những lễ hội nữa là tinh thần của người Việt trước tiên rất coi trọng tổ tiên, thứ hai rất coi trọng gia đình xum họp và thứ ba rất coi trọng con người và đồng thời cũng rất quý yêu trẻ con và cuối cùng bao trùm tất cả là tình làng nghĩa nước cố kết lại và bùng nổ ra trong mấy ngày Tết thông qua vô cùng nhiều những nghị thức, phong tục tập quán, những thói quen sinh hoạt …
Tết rất quan trọng đối với người Việt Nam...trước tiên rất coi trọng tổ tiên, thứ hai rất coi trọng gia đình xum họp và thứ ba rất coi trọng con người và đồng thời cũng rất quý yêu trẻ con và cuối cùng bao trùm tất cả là tình làng nghĩa nước cố kết lại và bùng nổ ra trong mấy ngày TếtGS. Lê Văn Lan
Mặc Lâm: Thưa GS thông qua cách mà người Việt ăn Tết, ban đầu khi còn nghèo khổ thì cái Tết đậm đà tinh thần hơn nhưng càng ngày khi đời sống vật chất lên cao rồi thì người ta có vẻ se sua có vẻ chưng bày bề ngoài nhiều hơn làm cho xã hội có một nếp gấp rất lớn giữa người nghèo và người giàu. Nhiều người giàu ăn Tết rất xa hoa phung phí…những hình ảnh này nói lên điều gì thưa ông?
GS. Lê Văn Lan: Vâng, đúng là có tình trạng đó nhưng nhìn đi rồi cũng ngoái lại cái tình hình này ở Việt Nam còn thua Trung Quốc rất xa! Bên Trung Quốc người ta phân hóa giàu nghèo trong dịp Tết và đặc biệt những thói dởm đời những thói ngông nghênh của người Trung Quốc trong dịp ăn Tết của giới nhà giàu nó còn ghê gớm hơn ở Việt Nam nhiều. Tuy nhiên ở Việt Nam không nhiều như Trung Quốc số người ngông nghênh rủng rỉnh ấy nhưng đặc biệt ở Việt Nam nếu ngông nghênh rủng rình như thế là bị phê phán ngay. Nhẹ nhàng cũng là gợi ý thôi để những cái ngông ngược ấy, những cái rủng rỉnh ấy bớt ra một phần mà giúp cho người nghèo. Tôi cho đó là cái dư luận tốt.
Mặc Lâm: Vâng, nhưng cũng có những hình ảnh do những công ty lớn tại Sài Gòn họ tổ chức một cách phung phí chẳng hạn như đòn bánh tét dài cả trăm mét hay tô hủ tíu một ngàn người ăn cuối cùng đem đổ bỏ…những phung phí do chạy theo danh tiếng hão như vậy nó có góp phần đánh mất truyền thống tốt đẹp của mình hay không?
GS. Lê Văn Lan: Chắc chắn là như thế. Tôi gọi những cái đó là ngông nghênh, ngông ngược chẳng ra gì. Nhưng tôi thấy rất may đã có sự phê phán chứ không phải người ta hùa vào. Biết là thông qua mass media (truyền thông đại chúng) để mà tung hứng ca ngợi giống như chuyện báo chí bây giờ cứ chăm chăm nhìn vào mấy cô gái, mấy người phụ nữ xem họ hở ngực ra làm sao, lộ chân dài như thế nào những cái đó rất đáng chán. Nhưng về chuyện những người ngông nghênh, ngông ngược ăn Tết thế này thì có sự phê phán chứ không phải xúm vào để mà ca ngợi hay quảng cáo kiếm chác gì ở chỗ ấy.
Mặc Lâm: Truyền thống Việt Nam xưa nay vào ngày mùng Một Tết thì ông bà cha mẹ được con cháu vòng tay mừng tuổi và hình ảnh rất cổ truyền này rất đáng được tôn trọng, tuy nhiên khi ông bà cha mẹ cho các cháu những bao lì xì có tiền trong đấy cho con cháu thì vô tình đã tạo cho chúng một thói quen xấu. Theo GS điều này có đáng phải thay đổi hay không?
Lì xì nghe cũng vui tai, gợi cảm giác thú vị nhưng nó chứa chấp bên trong cả bao nhiêu điều nguy hiểm nó làm hủy hoại cả phẩm chất của dân tộc, làm hư trẻ con. Nhưng đấy là thời bây giờ chứ còn thời của chúng tôi thì không có đâu ạGS. Lê Văn Lan
GS. Lê Văn Lan: Cái điều mà nhà báo vừa mới nói là chuyện bây giờ và đã biến tướng trong thời hiện đại chứ thời của tôi thì tôi vòng tay cung kính chúc thọ cha mẹ tôi thì tôi chỉ nhận được ở các cụ một đồng trinh thôi, một đồng Bảo Đại thôi vừa đủ để động viên, vừa đủ để chạy ra đầu ngõ mua được một cây kẹo kéo mà kéo ra rồi nó chỉ bằng một ngón tay thôi và đấy là chuyện tượng trưng.
Đúng là ở thời ngày xưa chưa xa lắm, vào thời thơ ấu của tôi thôi còn bây giờ thì đấy là biến tướng của xã hội chạy theo đồng tiền và chắc chắn là có ảnh hưởng từ bên ngoài. Bời vì ngay chữ “lì xì” mà thầy vừa nhắc thì chính là ngôn ngữ của Quảng Đông. Cái gốc Hán Việt của chữ này từ Quảng Đông gọi là “lợi thị”.
Mặc Lâm: Vâng ngay trong chữ “lợi thị” này thì đã tiềm ẩn một sự mua chuộc hay hối lộ phải không ạ?
GS. Lê Văn Lan: Vâng. Bây giờ cái lợi thị đó theo chân người Quảng Đông đến vùng Sài Gòn Chợ Lớn và nó thành ra lì xì. Rồi sau năm 1975 thì cái lì xì đó từ người Tàu Quảng Đông vùng Chợ Lớn, Sài Gòn nó lan ra khắp nơi và đặc biệt khi nó ra miền Bắc nó gặp phong trào hãnh tiến, trọng thị đồng tiền....ngày càng lộng hành và nó biến thành những phong bao, những thứ cứ gọi là lì xì. Bời vì lì xì nghe cũng vui tai, gợi cảm giác thú vị nhưng nó chứa chấp bên trong cả bao nhiêu điều nguy hiểm nó làm hủy hoại cả phẩm chất của dân tộc, làm hư trẻ con. Nhưng đấy là thời bây giờ chứ còn thời của chúng tôi thì không có đâu ạ.
Mặc Lâm: Xin cám ơn Giáo sư.
No comments:
Post a Comment