(Baodatviet) - Trung Quốc đã là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dù có rất nhiều doanh nghiệp thành công nhờ bắt chước, làm “nhái” các thương hiệu quốc tế.
Khi Brent Hoberman, sáng lập viên của cửa hàng đồ nội thất trực tuyến Mydeco.com tới Trung Quốc, có một người đàn ông tha thiết mong được gặp, dù là vào ngày hay đêm. Người đàn ông giải thích rằng vào năm 2007, ông ta cũng nung nấu ý tưởng kinh doanh trực tuyến, nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu. Và khi biết tới Mydeco.com, ông cứ thế bắt chước theo rồi thành công bất ngờ. Bởi vậy, ông ta muốn bày tỏ lòng biết ơn tới Hoberman.
Nhân viên làm việc tại Apple Store giả mạo tại Trung Quốc mặc đồng phục giống như ở các cửa hàng thật của Apple. Ảnh: Reuters. |
Không chỉ kinh doanh dập khuôn, bắt chước mà ở Trung Quốc, việc kinh doanh thành công nhờ hàng giả, hàng nhái là phổ biến. Năm 2011, một blogger Mỹ phát hiện một cửa hàng Apple giả. Từ đây, họ tìm thấy thêm 21 cửa hàng như vậy nữa ở Tây Nam Trung Quốc. Chúng được “nhái” thật tới mức ngay cả các nhân viên cũng nghĩ mình đang làm việc cho một cửa hàng Apple thứ thiệt.
Ngoài ra còn có những khách sạn Trung Quốc với cái tên giống hoặc gần giống các tên tuổi nổi tiếng như Marriott Hotels hay Hyatt. Đại sứ quán Mỹ ước tính 20% hàng tiêu dùng tại thị trường Trung Quốc là hàng nhái. “Nếu có một sản phẩm bán chạy, nó sẽ ngay lập tức bị làm giả”, Đại sứ quán Mỹ cảnh báo.
Sản xuất hàng nhái dường như đã trở thành nét cố hữu trong văn hóa Trung Quốc, đến mức còn có hẳn một thuật ngữ chuyên dụng cho nó trong tiếng Trung - Shanzhai.
Việc kinh doanh theo cách này vẫn chưa hề ảnh hưởng xấu tới Trung Quốc. Nền kinh tế thứ hai thế giới đã phát triển với tốc độ chóng mặt trong vòng ba thập kỷ qua. Tuy nhiên, năm 2014, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng yếu nhất trong vòng 24 năm. Do đó, doanh nghiệp Trung Quốc cần phải đổi mới nếu họ muốn thành công thay vì mãi bắt chước, rập khuôn, hãng tin BBC nhìn nhận.
Joe Baolin Zhou, giám đốc điều hành công ty giáo dục tư nhân Bond Education, tin rằng các doanh nghiệp đã sẵn sàng để tạo nên một cuộc cách mạng. Ông cho rằng xu hướng sản xuất hàng nhái một phần bắt nguồn từ việc Chính phủ Trung Quốc mở cửa nền kinh tế những năm 1980, tạo điều kiện ra đời cho các công ty tư nhân. Tiêu tốn thời gian và tiền của vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm rõ ràng không phải sự lựa chọn hàng đầu khi mà nguồn lực và trình độ chuyên môn còn thấp. “Những doanh nghiệp muốn có đươc thành công ngay sẽ chọn cách làm hàng giả. Tại thời điểm đó, họ đơn giản là sao chép y nguyên tất cả mọi thứ,” Zhou cho biết.
Ngược lại, Zhou nhận định rằng thế hệ doanh nghiệp mới đã bắt đầu ý thức được về sự cải tiến, điển hình là các ông lớn về lĩnh vực kinh doanh trực tuyến như Alibaba và WeChat. Họ học tập mô hình của các đối thủ phương Tây nhưng đã biết cải biến cho phù hợp với thị trường Trung Quốc.
Doanh nghiệp Trung Quốc buộc phải tiến hành những cuộc cách mạng thay vì mãi chạy theo xu hướng sản xuất hàng nhái. Ảnh: AFP. |
Nhưng để đảm bảo công cuộc đổi mới được nhân rộng đòi hỏi sự cải tổ triệt để trong cách quản lý doanh nghiệp. Ở Trung Quốc, lời nói của sếp được xem là mệnh lệnh tối thượng. Bất cứ ý kiến sửa đổi nào của cấp dưới cũng đều bị coi là biểu hiện của sự thiếu tôn trọng. Deng Feng, chủ tịch công ty đầu tư Northern Light Venture Capital , miêu tả phong cách lãnh đạo ở các công ty Trung Quốc giống “quản lý” nhiều hơn là “lãnh đạo”. Theo ông, có một cách mà các doanh nghiệp có thể áp dụng để thay đổi văn hóa công ty là tuyển dụng nhân viên đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau.
Đại gia máy tính của Trung Quốc, Lenovo, hãng sản xuất máy tính để bàn hàng đầu thế giới, có văn phòng tại hơn 60 quốc qia và 40% thành viên Hội đồng Quản trị không phải là người Trung Quốc.
“Với Lenovo, việc dung hòa với cả hai nền văn hóa Đông lẫn Tây trong tương lai là vô cùng quan trọng, bởi họ đang phải đối mặt với những đối thủ cạnh tranh rất đáng gờm trên tất cả các thị trường. Vì vậy, họ sẽ phải kết hợp sức mạnh tiên tiến của phương Tây với văn hóa phương Đông,” theo Liu Chuanzhi, nhà sáng lập Lenovo.
Từ sau khi mở cửa, nền kinh tế Trung Quốc, đi đầu là những doanh nhân từng tu nghiệp ở phương Tây, đã cho thấy những dấu hiệu đáng mừng. Viktor Koo, giám đốc điều hành Youku Tudou, trang mạng chia sẻ video được xem là YouTube của Trung Quốc, từng học ở Mỹ và sau đó làm việc tại thung lũng Silicon trước khi trở lại Trung Quốc.
Ngay từ đầu, khi sáng lập Youku, trang web tiền thân của Youku Tudou, Koo khẳng định công ty của anh đã xây dựng công nghệ độc quyền và nền tảng lập trình của riêng mình trước YouTube rất lâu. “Chúng tôi cải tiến để thích nghi với thị trường nội địa. Cải tiến hoặc thất bại, đó chính là bản chất của việc kinh doanh.”
(Theo Vnexpress)
No comments:
Post a Comment