ĐÀ NẴNG (NV) - Chợ Hàn và chợ Cồn, nói về Đà Nẵng, nếu không nhắc đến hai khu chợ này, chưa biết về hai khu chợ này thì xem như chưa biết gì về Đà Nẵng, có thể nói là vậy.
Chợ Cồn sắp bị đập để xây trung tâm thương mại. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)
Chợ Hàn và chợ Cồn đã đi vào ký ức của nhiều người dân Đà Nẵng, từ người đang sống tại thành phố biển này cho đến những người rời Đà Nẵng Nẵng đã lâu, sống một xứ khác, có khi là cách cả một đại dương... Nhưng khi nói về chợ Hàn và chợ Cồn, người ta lại nhắc đến hai cái chợ này với một khoảng ký ức rất trong trẻo, mênh mông.
Thời gian gần đây, thành phố Đà Nẵng quyết định xây dựng mới chợ Hàn và có thể phá bỏ chợ Cồn để biến nó thành một trung tâm thương mại cao cấp gì đó, với người dân Đà Nẵng, có vẻ như một thương xá Tax đã bị đập phá.
Ký ức một thời
Một người dân Đà Nẵng tên Quyết, kể, “Có thể nói chợ Cồn là một cái chợ sầm uất nhất miền Trung thời đó, mọi thứ hàng hóa thuộc vào diện cao cấp đều có mặt ở đây. Thời đó nói là cao cấp chứ có gì ngoài mấy tiệm vàng, mấy tiệm bán hạt cà phê rang và tạp hóa. Nói chung là đủ các loại hàng hóa trong các cửa hàng tạp hóa thời bây giờ, có thêm hàng xách tay của các gia đình bên Mỹ đưa về nữa.”
“Mẹ tôi buôn tạp hóa, cà phê rang, có năm bà mua được một lô xà bông thơm hiệu Camay của một gia đình có người thân Việt Kiều. Loại đó thời đó thuộc dạng quí hiếm, để cả năm mà chẳng mấy người mua, anh em tôi mang về xài dần, đến lớp xà bông cuối cùng thì hỡi ôi!”
“Anh em tôi nhặt ra được cả thảy sáu lượng vàng nhét trong ruột xà bông. Nói cho mẹ biết, mẹ tôi vừa mừng vừa thương người bán, tìm mãi cũng không ra cái người bán xà bông đó vì hình như họ ở xa đến, mang lô hàng mà gia đình không xài hết ra bán kiếm tiền vì thời đó nhà nước không cho gởi tiền về Việt Nam.”
“Chính vì người thân không được gởi tiền về nhà mà chỉ được gởi quà, nếu có gởi tiền cũng bị tịch thu mất, người ta tìm cách nhét vàng, nhét tiền vào các món hàng. Hồi đó hải quan chưa hiện đại như bây giờ nên chỉ dùng phương pháp rạch hàng ra kiểm tra, không có máy soi...”
“Nói về chợ Cồn, với tôi là một khoảng tuổi thơ đầy ắp mùi chợ và tiếng vo ve cuộc đời, nhưng cũng đầy ắp những khoảng lặng mà không đâu có được, nếu đứa trẻ bắt đầu biết chiêm nghiệm thì buổi trưa ở chợ Cồn, từ 12 giờ trưa cho đến 1 giờ chiều, không gian thinh lặng đến rợn người. Nó chỉ trở nên náo động khi có thuế vụ bước vào đầu chợ.”
Bà Huệ, có thâm niên hơn ba mươi năm bán vải trong chợ Cồn, cho biết thêm, “Bây giờ người ta đập cái chợ này để xây một cái gì đó, tôi thấy tiếc lắm!”
“Vẫn biết là cái mới lúc nào cũng tốt hơn cái cũ, và cái cũ nào rồi cũng đến lúc đổ nát, đó là điều không thể tránh được. Nhưng nếu hời hợt, cứ làm cho được chuyện thì lại khác. Vì người ta chỉ tốn cao lắm là ba năm để xây một cao ốc nhưng con người tốn cả trăm năm hoặc ít nhất cũng vài chục năm để xây một khung ký ức, xây một khu nhà trong tâm hồn. Bây giờ nó chưa cũ mà người ta đã đập đi. Trong lúc Đà Nẵng đâu có thiếu đất!”
“Cái tệ của con người là cứ tranh nhau một khoảnh nhỏ nơi trung tâm mà chưa bao giờ biết từ bỏ cái trung tâm đó đi để mở ra một trung tâm mới. Nếu xây khu thương mại cao cấp ở ngoại ô, kinh doanh hợp lý thì vài năm nó cũng nổi tiếng, nó lại thành một cái chợ Cồn khác của thời hiện đại mà chợ Cồn vẫn là chợ Cồn!”
Chợ Hàn một thuở
Những ngày giáp Tết, bà con tiểu thương chợ Hàn cũng buồn rầu không kém những nhà buôn trong chợ Cồn bởi sắp tới đây, chợ này có thể được xây mới mà cũng có thể di dời. Theo lời một tiểu thương tên Tuyết, “Có thể là không còn chợ Hàn nữa.”
Chợ Hàn những ngày cuối năm. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)
“Dự án có rồi, vấn đề là thời gian thôi. Mà cái gì mấy ổng muốn làm rồi, có lợi cho mấy ổng rồi thì chỉ có trời họa may mới cản nổi chứ người thì chẳng ai cản nổi đâu! Mình tiếc nhiều thứ, kỉ niệm hơn bốn mươi năm với hai thế hệ bán ở đây, làm sao không tiếc được?”
“Chợ Hàn khác với nhiều chợ khác ở Đà Nẵng là nó không có trộm cướp, móc túi, đây là điểm đặc biệt mà cho đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu ra vì sao, vì thời mẹ tôi bán, bảo vệ chợ chỉ lèo tèo vài người thôi, không có nhiều đâu. Nhưng lạ một điều là tụi móc túi nó không bao giờ bén mảng tới đây!”
“Bây giờ cũng thế, hình như chợ Hàn khắc tinh với dân bất hảo thì phải. Đà Nẵng kể ra cũng đặc biệt, tên chợ rất thơ, gắn với những địa danh có chất giang hồ như chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Tam Giác, chợ Cây Me, chợ Tam Tòa, chợ Cẩm Lệ, chợ Miếu Bông... Nói chung là những cái chợ này kể ra cũng lâu đời nhưng không nổi tiếng bằng chợ Cồn và chợ Hàn.”
“Nếu nói về hàng hóa thứ thiệt từ xưa đến giờ, phải nói đến chợ Cồn, nói về trái cây hiếm và độ an toàn khi đi chợ thì phải nói đến chợ Hàn. Nhưng tiếc thay, có thể đây là cái Tết cuối cùng tụi tui được ngồi ở khu chợ thân yêu này. Mọi thứ dường như mất dần. Phải thừa nhận là cũng không nên quá luyến tiếc cái cũ nhưng thiết nghĩ một khi cái cũ quá đẹp và chất nặng trong tâm hồn mỗi người thì cũng nên xem lại. Đôi khi cái chợ cũ là cả một cuốn sách. Đập chợ cũng chẳng khác gì mấy với đốt sách!”
Không rõ những người đàn bà quanh năm suốt tháng ngồi chợ này triết lý về cái chợ và ký ức như vậy đúng hay sai. Nhưng chắc chắn một điều là không khí cuối năm cơ hồ như chùng xuống và ánh sáng yếu ớt chiếu Tháng Chạp vắt mình quá mái ngói rêu của chợ Hàn cũ như một lời từ giã đến nao lòng.
02-14-2015 12:49:56 PM
Phi Khanh/Người Việt
No comments:
Post a Comment