Wednesday, October 22, 2014

Chính quyền CSVN nợ dân chúng sự minh bạch về nợ

SÀI GÒN (NV) - Ðó là ý kiến của ông Vũ Ðình Ánh, một chuyên gia kinh tế khi trao đổi với tờ Tuổi Trẻ về nợ nần của Việt Nam trong tương quan giữa chính phủ và dân chúng.

Gần đây, hàng loạt thông tin liên quan đến nợ nần của Việt Nam như: Năm tới, tỷ lệ nợ công sẽ tương đương 64% GDP, sắp vượt mức 65% GDP - vốn vẫn được xác định là ngưỡng an toàn cho an ninh tài chính quốc gia. Chính quyền liên tục xin Quốc Hội tăng mức vay nợ (năm 2013 xin được vay 40,000 tỉ đồng, năm 2014 xin được vay 70,000 tỉ đồng,...) để trả các khoản nợ cũ.


Một ngôi trường ở Tây Bắc, Việt Nam. Nợ công tăng vừa nhanh, vừa cao nhưng đầu tư công cho giáo dục thì giảm. (Hình: Chương trình “Cơm có thịt.” Ðây là một nhóm từ thiện, chuyên quyên góp để giúp trẻ con miền núi không phải ăn cơm trắng với muối)

Chi tiêu để trả nợ liên tục tăng từ 100,000 tỉ đồng (năm 2012), lên 105,000 tỉ đồng (năm 2013), tăng tiếp thành 120,000 tỉ đồng (năm 2014). Nhưng chi cho đầu tư phát triển (nhằm giữ và tăng các nguồn thu cho ngân sách) liên tục giảm từ 180,000 tỉ đồng (năm 2012), xuống còn 175,000 tỉ đồng (năm 2013), tiếp tục giảm thành 163,000 tỉ đồng (năm 2014)... đang khiến Quốc Hội và dân chúng lo âu.

Tuy nhiên theo ông Ánh, đó vẫn chưa phải là lõi của vấn đề. Ông Ánh nhấn mạnh, trước nay, trong chuyện nợ nần của Việt Nam, cả Quốc Hội lẫn dân chúng Việt Nam chỉ trông vào báo cáo của chính phủ, Bộ Tài Chính “nói sao thì biết vậy.” Cũng vì vậy, không đủ cơ sở để xác định tỉ lệ nợ nần là bao nhiêu phần trăm GDP và tỉ lệ này dưới hoặc vượt qua mức 65% GDP là an toàn hay không an toàn cho an ninh tài chính quốc gia.

Ông Ánh cả quyết, khủng hoảng nợ nần sẽ không phụ thuộc vào bất kỳ giới hạn nào, một quốc gia mà tỷ lệ nợ nần tương đương 30% GDP vẫn có thể vỡ nợ. Trong khi tỷ lệ nợ nần của Nhật xấp xỉ 250% GDP nhưng kinh tế của Nhật vẫn an toàn.

Riêng trong trường hợp Việt Nam, nợ nần được dự đoán sẽ xấp xỉ 64% GDP vào năm tới nhưng nhu cầu chi tiêu vẫn rất lớn. Ví dụ dự tính xây dựng phi trường Long Thành lên tới 18 tỉ Mỹ kim. Lúc đó, liệu Quốc Hội Việt Nam có cho phép “nới” tỷ lệ nợ nần thành 70% GDP hay 80% GDP hay không (?) và trong tình huống như thế thì an ninh tài chính của Việt Nam có còn an toàn hay không (?).

Ông Ánh cho rằng, vấn đề cần quan tâm không phải là nợ nần đang tương đương bao nhiêu phần trăm GDP mà là trả nợ thế nào. Ông Ánh nhận định “đảo nợ” (vay nợ mới trả nợ cũ) không chỉ là chuyện mới làm vài năm gần đây dưới sự cho phép của Quốc Hội mà đã xảy ra từ lâu.

Thâm hụt ngân sách vốn là “căn bệnh kinh niên.” Lối thiết kế ngân sách (liên tục tăng bội chi) cho thấy “đảo nợ” đã được xem như giải pháp. Cũng vì vậy, các khoản vay càng ngày càng nhiều, nợ càng ngày càng lớn. Việt Nam vừa vay để trả nợ, vừa vay để chi tiêu nhưng kết cấu nợ (vay của những ai, trong nước bao nhiêu, ngoại quốc bao nhiêu, khoản nào vay ngắn hạn, khoản nào vay dài hạn, lãi suất của từng khoản vay như thế nào...) thì không bao giờ được báo cáo rõ ràng. Ông Ánh nhấn mạnh, chế độ Hà Nội đang nợ đất nước này, nợ đại biểu Quốc Hội, nợ dân chúng câu trả lời thỏa đáng về kết cấu nợ.

Ðáng lưu ý là trong bối cảnh như vừa kể, Quốc Hội chỉ có thể bày tỏ sự sốt ruột dựa trên các số liệu do chính phủ cung cấp. Bởi các số thống kê thiếu minh bạch và thiếu những yếu tố cần thiết để đánh giá đúng thực trạng nợ nần, Quốc Hội không thể đưa ra những quyết định thỏa đáng.

Ông Ánh cảnh báo, khi chính quyền đứng ra vay để trả nợ và bù đắp thiếu hụt trong chi tiêu, không có ai giám sát chuyện chi tiêu tiền đã vay thế nào, có sinh lợi để trả nợ gốc và lãi hay không trong khi đã vay thì chắc chắn phải trả. Hiện nay không trả được thì tương lai vẫn phải trả, gánh nặng nợ nần của Việt Nam sẽ càng ngày càng nặng.

Chưa kể muốn có tiền để trả nợ sẽ phải tìm cách tăng nguồn thu. Dân chúng chính là đối tượng phải góp tiền cho chính phủ Việt Nam trả nợ. Thế hệ này không trả được thì thế hệ tới phải trả. Khi dân kiệt sức thì phải tính đến việc bán tài sản. Ông Ánh dẫn đề nghị bán phi trường Tân Sơn nhất để xây phi trường Long Thành như một dẫn chứng.

Trong khi chính phủ ra sức trấn an Quốc Hội và dân chúng về việc nợ nần của Việt Nam “vẫn còn trong giới hạn an toàn,” ông Ánh lưu ý, Ðồng hồ nợ công của thế giới vừa báo nợ nần của Việt Nam đã xấp xỉ 90 tỉ Mỹ kim. Nếu chia theo dân số, mỗi người Việt Nam phải gánh khoảng 1,000 Mỹ kim tiền nợ trong khi thu nhập trung bình theo nhân khẩu thì chưa đến 2,000 Mỹ kim/người/năm.

Ông Ánh không phán đoán về hệ quả nợ nần của Việt Nam nhưng ông nhắc lại yêu cầu của bà Trương Thị Mai, chủ nhiệm Ủy Ban Các Vấn Ðề Xã Hội của Quốc Hội, đòi nhà cầm quyền trung ương phải trả khoản nợ 22,500 tỉ đồng cho bảo hiểm xã hội. Ông Ánh bảo rằng, đó là điều rất đáng lưu ý bởi nợ bảo hiểm xã hội là nợ lương hưu. (G.Ð.)
10-21- 2014 5:08:59 PM

No comments:

Post a Comment