SÀI GÒN (NV) - Khoảng 4,000 công nhân của công ty Vina Duke đã đồng loạt đình công đòi tăng lương và điều chỉnh chính sách quản trị khắc nghiệt và chủ từ chối vì nhà cầm quyền CSVN hoãn kế hoạch tăng lương.
Công ty Vina Duke có ba xưởng sản xuất (hai ở Sài Gòn, một ở Tiền Giang). Khoảng 4,000 công nhân ở cả ba xưởng đã đình công suốt tuần vừa qua.
Công nhân công ty Vina Duke đình công suốt tuần qua để đòi tăng lương. (Hình: Lao Ðộng)
Theo tờ Lao Ðộng, lý do chính dẫn tới chuyện công nhân đồng loạt đình công vì tháng trước, chủ công ty này đột ngột giảm 200 đồng tiền công cho mỗi sản phẩm mà họ làm ra nhưng không thèm giải thích. Bởi các khoản khác như lương cơ bản, phụ cấp không tăng nên thu nhập của công nhân bị giảm.
Ngoài ra, chính sách quản trị của công ty Vina Duke rất khắc nghiệt, không đáp ứng được thì sẽ bị trừ lương. Chẳng hạn, mỗi tháng, một công nhân chỉ được phép sử dụng 120 phút để đi vệ sinh. Trung bình, mỗi ngày, mỗi công nhân chỉ được sử dụng bốn phút cho nhu cầu vệ sinh...
Cũng theo tờ Lao Ðộng, tuy công ty Vina Duke có “công đoàn” nhưng cả “công đoàn” trong công ty lẫn “công đoàn” huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi (nơi công ty Vina Duke đặt xưởng) không hề làm gì.
Suốt tuần qua, yêu cầu tăng lương và điều chỉnh chính sách quản trị khắc nghiệt của công nhân công ty Vina Duke chỉ được đáp ứng bằng một thông báo: “Ðề nghị công nhân vào làm việc, những ngày công nhân ngừng việc công ty không tính lương, các khoản phụ cấp như chuyên cần, phụ cấp lương... đều bị trừ.”
Mãi đến hôm qua, khi báo giới cử phóng viên đến tìm hiểu, đưa tin, giám đốc công ty Vina Duke mới tiếp xúc với công nhân. Viên giám đốc này hứa sẽ điều chỉnh lại tiền cơm, xây mới nhà vệ sinh nhưng không thể tăng lương vì đang gặp khó khăn. Viên giám đốc này nhấn mạnh, khi nào chính quyền thực hiện kế hoạch tăng lương cơ bản thì công ty Vina Duke sẽ tăng lương.
Cần nhắc lại rằng, hồi thượng tuần tháng này, chính quyền Việt Nam chính thức tuyên bố, không thể tăng lương cơ bản như dự kiến vì không có tiền tăng lương cho công chức. Trước đó, chính quyền hứa hẹn, năm tới, sẽ nâng mức lương cơ bản lên 15% nhưng kế hoạch này đã phá sản vì “ngân sách rất căng thẳng.”
Lúc đó, giải trình trước Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, ông Ðinh Tiến Dũng, bộ trưởng Tài Chính, giải thích nguyên nhân làm cho ngân sách không chỉ đang mà sẽ còn rất căng thẳng.
Theo đó, năm 2013, kinh tế khó khăn, tăng trưởng thấp, nhu cầu chi tiêu trong việc thực hiện các chính sách xã hội và tiền lương cao, thành ra để chi cho đầu tư phát triển, chính quyền phải trả nợ thấp hơn mức yêu cầu và phải kết hợp với phát hành 40,000 tỷ trái phiếu để đảo nợ (vay nợ mới để trả nợ cũ).
Sang năm nay, chính quyền Việt Nam phải chi một khoản lớn để trả nợ do từng vay nhiều hơn nhằm bù đắp bội chi và thanh toán nợ từ bán trái phiếu. So với năm 2013, số nợ phải trả cao hơn năm ngoái là 15,000 tỷ đồng. Ðồng thời phải phát hành khoảng 70,000 tỷ đồng trái phiếu để đảo nợ. Chi cho đầu tư phát triển trong năm nay hiện thấp hơn bội chi ngân sách.
Ông bộ trưởng Tài Chính Việt Nam dự báo, Việt Nam sẽ còn tiếp tục gặp khó khăn về ngân sách cả trong năm tới lẫn vài năm tới nữa. Chi tiêu cho trả nợ và cho việc thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội vẫn tăng cao và nhanh nên không thể chi cho đầu tư phát triển theo yêu cầu. (G.Ð.)
10-21- 2014 5:04:49 PM
No comments:
Post a Comment