Wednesday, October 22, 2014

Ðộc chiêu hạn chế truyền thông của tòa nhà Quốc Hội mới

HÀ NỘI (NV) - Phóng viên báo, đài gia đưa tin kỳ họp thứ 8 của Quốc Hội Việt Nam tại trụ sở mới xây xong đã phải “bó tay” vì các phòng họp tổ nhỏ, thiếu chỗ ngồi, khó tiếp cận với đại biểu.

Ngày 20 tháng 10, 2014, kỳ họp thứ 8 của Quốc Hội khóa XIII khai mạc. Ðiểm “đổi mới” của kỳ họp này là tất cả các đoàn đại biểu Quốc Hội đều được họp tại nhà Quốc Hội mới. Theo báo Người Lao Ðộng, các phòng họp khá nhỏ, có đoàn đại biểu thiếu cả ghế và phóng viên báo, đài thì ngồi dưới đất để hành nghề.



Phóng viên ngồi ngay dưới ghế đại biểu để tác nghiệp. (Hình: Người Lao Ðộng)

Một đại biểu đoàn Sài Gòn chia sẻ với phóng viên về sự khó khăn khi không có cả ghế để ngồi. “Ðoàn chúng tôi có 30 người nhưng số ghế xếp trên bàn họp chỉ có 26. May mà một số đại biểu xin nghỉ vì có việc đột xuất chứ nếu đi đủ không biết ngồi ở đâu. Trụ sở mới mà khó khăn, chật chội hơn cả trước,” ông này nói.

Tại phòng họp đại biểu thành phố Hà Nội chỉ có 16 ghế cho thư ký đoàn và phóng viên, nhiều phóng viên phải ngồi dưới đất, cả trên lối ra vào. Nhân viên an ninh đứng ngoài cửa không cho thêm phóng viên vào do hết chỗ ngồi cả trên ghế và dưới đất.

Một phóng viên báo điện tử phàn nàn: “Em mới tác nghiệp tại Quốc Hội lần đầu, đại biểu chưa quen ai hết nên chẳng thể mời ra được. Chạy một vòng rồi mà chưa hỏi được vị nào, thời gian lại chỉ có 20 phút.”

Ðiều quan trọng là phóng viên nghị trường thì phải được tiếp cận trực tiếp đại biểu Quốc Hội bên hành lang hội trường để phỏng vấn tại hành lang. Tuy nhiên, để lên được khu vực này, mỗi ngày chỉ có 40 phóng viên trên tổng số 500 phóng viên được cấp thêm một thẻ sự kiện hàng ngày.

Thêm sự khó khăn là 40 phóng viên được cấp thẻ sự kiện hàng ngày cũng không dễ dàng tiếp cận đại biểu Quốc Hội vì khi giải lao, các đại biểu sẽ vào khu vực phục vụ uống nước có diện tích khá hẹp nên lực lượng bảo vệ không cho phóng viên vào phỏng vấn để “đảm bảo trật tự, tránh ảnh hưởng đến đại biểu.”

Do đó, phóng viên chỉ có thể tiếp cận đại biểu khoảng thời gian rất ngắn hạn, ít khi đại biểu trở lại phòng họp hoặc được đại biểu tạo điều kiện chủ động để phóng viên phỏng vấn.

Giải thích về việc này, Văn Phòng Quốc Hội cho biết, do phòng báo chí của nhà Quốc Hội đáp ứng khoảng 300 chỗ ngồi, trong khi số lượng phóng viên ghi danh hành nghề là 500 người nên phải chấp nhận khó khăn thôi (?!).

Lần đầu tiên, phóng viên các báo, đài tại Việt Nam đã phải cùng nhau ký vào một bản kiến nghị gởi ban tổ chức đề nghị tạo điều kiện hơn cho báo chí trong quá trình tác nghiệp, đặc biệt là việc tiếp cận đại biểu trong giờ giải lao. (Tr.N)

10-21- 2014 4:10:19 PM

No comments:

Post a Comment