Wednesday, October 22, 2014

Các đại biểu quốc hội hối thúc một “kịch bản thoát Trung“

Đăng Bởi  - 

Nguồn ảnh: Thestar
Nguồn ảnh: Thestar
Những diễn biến trên biển Đông tiếp tục được nhiều đại biểu Quốc hội mổ xẻ trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại các tổ ngày 21.10. Chuyện sân bay trên đảo Gạc Ma, chuyện giàn khoan Hải Dương 981… được móc nối để hối thúc một "kịch bản thoát Trung".
Chính phủ cần nói rõ "sắp tới cần tính thế nào"?
Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) đề nghị xem xét thấu đáo vấn đề an ninh quốc phòng. Sau vụ giàn khoan Hải Dương 981, cần cảnh giác vì Trung Quốc còn sản xuất cả lố giàn khoan (982, 983, 984…). Những giàn khoan này đi đâu? Có lang thang trên vùng biển Việt Nam? Sân bay ở Gạc Ma, Trung Quốc cũng đã xây xong, sắp tới họ sẽ tuyên bố vùng nhận diện biển Đông... 
Ông Niễn đặt ra hàng loạt tình huống để cảnh báo, cần có những dự báo, tính toán sớm để điều chỉnh diễn biến thực tế; đồng thời kêu gọi xem lại toàn diện vấn đề giao thương, đưa hàng Trung Quốc vào nội địa Việt Nam để có hướng xử lý phù hợp.
“Việc buôn bán với Trung Quốc cũng cần tính toán để không bị lệ thuộc vào một thị trường, vì hiện ta đang nhập nhiều mặt hàng, nhiên liệu, vật tư từ nước họ, nên cần tính toán sớm để điều chỉnh. Khi nào họ làm căng sẽ bất lợi cho nền kinh tế của chúng ta” - ông Niễn nói.
Đại biểu Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) kêu gọi gấp rút đối phó với việc Trung Quốc mở rộng các hoạt động xây dựng trên các đảo đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa.
“Qua vụ giàn khoan cần rút ra điều gì đó chứ không nên chỉ nói theo phong trào, lúc việc xảy ra mới rầm rộ lên tiếng, sau đó lại để mọi việc chìm vào im ắng. Dã tâm của Trung Quốc là không từ bỏ tư tưởng độc chiếm biển Đông nên cần đánh giá các động thái còn phức tạp hơn nữa. Cách chủ yếu để hóa giải tình hình là phải tạo ra được sức mạnh đoàn kết dân tộc” - ông Mạnh phát biểu.
Ông cũng kêu gọi xây dựng một "kịch bản thoát Trung", tính toán bài học phát triển của Việt Nam trong bối cảnh phức tạp hiện nay.
Đại biểu Hà Minh Huệ cũng cảnh báo: “Đừng ảo tưởng Trung Quốc bỏ qua tham vọng độc chiếm biển Đông. Họ đã xây dựng căn cứ quân sự trên đảo Gạc Ma. Chúng ta đang bị Trung Quốc qua mặt. Trong khi chúng ta mang thuyền ra ngăn giàn khoan thì họ ung dung xây dựng đảo nhân tạo, căn cứ quân sự tại Gạc Ma”. 
Ông Huệ đòi hỏi báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội cần quan tâm hơn đến nội dung này, đề ra chiến lược cụ thể trả lời cho câu hỏi “sắp tới cần tính thế nào?”.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) nhận định, năm nay nếu không xảy ra vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam dẫn đến những làn sóng bất bình, phản đối trong dư luận rồi chuyển thành hành vi quá khích, đập phá doanh nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai… tăng trưởng kinh tế của cả nước chắc chắn phải đạt mức 6,2%.
Cùng đoàn TP.HCM, đại biểu Trương Trọng Nghĩa thì phê báo cáo của Chính phủ chưa nêu giải pháp làm sao lành mạnh hóa quan hệ kinh tế Việt Nam với Trung Quốc, cụ thể là đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ hợp tác kinh tế, để tránh lệ thuộc quá lớn vào bất cứ một nền kinh tế nào. Do đó một kịch bản thoát Trung là cần thiết.
Lòng dân không yên tâm nên đi đâu cũng phải chi tiền
Ông Trương Trọng Nghĩa trình bày thêm lo lắng về câu chuyện phòng chống tham nhũng. Cho rằng vấn đề này sẽ được mổ xẻ thêm trong các báo cáo khác, nhưng bản thân ông rất băn khoăn về việc “tham nhũng mỗi năm không biết đã ngốn hết bao nhiêu phần trăm GDP?”.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nhận xét, công tác phòng chống tham nhũng chưa mang hiệu quả thiết thực, biện pháp đưa ra không hiệu quả. Nguyên nhân chính theo ông Thuyền là do mất lòng tin của dân.
“Lòng dân không yên tâm nên đi đâu cũng phải chi tiền. Có bộ trưởng lên truyền hình nói cán bộ của tôi không yêu cầu nhưng dân vẫn đưa tiền. Vậy lỗi là do dân?” - ông Thuyền phân tích từ một biểu hiện, việc thi cử kiểu gì vẫn phải “chạy”, vì người nào cũng biết rằng không chạy khó mà đậu, bản thân không chạy thì người khác cũng chạy nên đành phải… “chạy đua vũ trang”.
Ông Thuyền nhấn mạnh, không lấy lại được lòng tin của người dân thì rất khó chống tham nhũng. Ở cơ sở, các cơ quan đưa ra giải pháp rất ít, khó có thể trông chờ.
“Giờ chỉ người nào không có cơ hội tham nhũng mới phát biểu về tham nhũng thôi. Tham nhũng thành thói quen, như hoạt động hàng ngày. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra hiệu quả không cao” - đại biểu bức xúc.
Khuyến cáo việc đẩy mạnh hoạt động chống tham nhũng, ông Thuyền cho rằng cần phải sửa luật hình sự, thêm một số tội về tham nhũng; hạn chế giao dịch tiền mặt, quy định chứng minh nguồn gốc tiền, tài sản với những giao dịch lớn. Kê khai tài sản sao cũng phải thực chất, không nên triển khai tràn lan, người không có cơ hội tham nhũng cũng quy định phải kê khai thì không để làm gì.
Theo P.Thảo/Dân Trí

No comments:

Post a Comment