Sunday, June 1, 2014

Ngư dân làm thuê trên tàu Trung Quốc trở về quê

Đăng Bởi  - 

 Bà con ngư dân phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) thu hoạch hải sản sau chuyến vươn khơi, bám biển. Ảnh: An Bình
Bà con ngư dân phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) thu hoạch hải sản sau chuyến vươn khơi, bám biển. Ảnh: An Bình
Đến nay, đã có hàng trăm lao động là người Thanh Hóa đang làm việc trên các tàu cá Trung Quốc đã về quê hương, nhiều nhất là từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương- 981 trong vùng biển, thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ông Nguyễn Hải Năm, phó chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (địa phương có rất đông lao động là ngư dân đi làm thuê trái phép trên tàu cá Trung Quốc) cho hay, trong tổng số 186 lao động của xã đi làm thuê bên Trung Quốc (chủ yếu làm thuê cho tàu cá), đến nay đã có 126 người trở về nhà.
Anh Nguyễn Văn Thắng, ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết: “Nhiều năm qua, ngư dân chúng tôi đi làm thuê cho các chủ tàu cá ở Ngư Lộc có thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng/lao động/tháng. Năm ngoái, nghe một số “cò” lao động rủ rê, nói bên Trung Quốc đi làm thuê trên tàu cá của họ có thu nhập tới 7 đến 8 triệu đồng/tháng, vậy là tôi và nhiều ngư dân địa phương đi theo. Tuy nhiên, thực tế không phải như các “cò” nói, mà là hứa lèo”.
Anh Thắng cho hay, đi làm thuê cho tàu cá Trung Quốc bị bóc lột sức lao động rất ghê, làm việc quần quật, nhưng thu nhập chỉ cao hơn chút đỉnh so với làm ở quê nhà.
“Bên cạnh đó, thời gian gần đây cảnh sát bên nước họ kiểm tra gắt gao, sách nhiễu liên tục... Do vậy, những ngày qua, nhiều ngư dân Ngư Lộc làm thuê cho tàu cá Trung Quốc đã trở về quê, tìm hướng mưu sinh tại địa phương”, anh Thắng nói.
UBND xã Ngư Lộc cũng cho hay, thời gian qua, chính quyền địa phương đã tuyên truyền đến các gia đình, vận động người thân đang làm thuê trái phép trên các tàu cá Trung Quốc trở về địa phương, tổ chức đánh bắt hải sản cùng ngư dân địa phương trong các tổ đoàn kết trên biển. Xã kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đưa lao động đi làm việc trái phép trên các tàu cá Trung Quốc.
Đồng thời, UBND các xã, phường ven biển phối hợp với các đơn vị liên quan yêu cầu các chủ tàu cá xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh trên biển theo các định mức hiện hành của Nhà nước, để trả công lao động tương xứng với kết quả của người lao động đặc thù trên biển.
Các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tuyến biển, nhằm ngăn chặn kịp thời các đối tượng môi giới, đưa người đi làm việc trái pháp luật trên tàu cá Trung Quốc.
Để giải quyết vấn đề nêu trên, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn vay, kinh phí cho ngư dân đóng mới tàu thuyền, để bà con vươn khơi, bám biển; hoặc tạo việc làm cho ngư dân thông qua xuất khẩu lao động, chuyển đổi nghề…

 Ngư dân xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đóng mới tàu thuyền để ra khơi, bám biển. Ảnh: An Bình.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, đến tháng 10.2013 có 276 người làm thuê trái phép cho các chủ tàu cá Trung Quốc.
Tin,ảnh: An Bình

No comments:

Post a Comment