Sunday, June 1, 2014

Báo chí nước ngoài: Trung Quốc có thể ngày càng bị cô lập, mất điểm

Tờ Liên hiệp buổi sáng Singapore vừa trích đăng bài của BBC có tựa đề Trung Quốc mất điểm vì quá cứng rắn. Bài viết này đã chỉ trích những hành động trong thời gian vừa qua của Trung Quốc là bôi nhọ hình ảnh chính mình. 

Nội dung bài viết như sau:

Nếu nói Hội nghị An ninh châu Á – hay còn gọi đối thoại Shangrila là một đấu trường để các nước thể hiện hình ảnh của mình thì trong cuộc đối thoại này, Trung Quốc đã không tạo dựng được hình ảnh và kiếm điểm cho mình.

Trong ngày thứ hai của Đối thoại Shangrila tổ chức tại Singapore (31/5), Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuk Hagel đã có bài phát biểu chỉ trích Trung Quốc thông qua các hành động “bạo lực, đe dọa và uy hiếp” để xâm phạm tôn nghiêm lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước khác, gây ra tình trạng bất ổn trong khu vực.


Lời phát biểu của ông Chuck Hagel và bài diễn thuyết của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm thứ 6 (30/5) đã nhắc lại quan điểm của hai nước Mỹ - Nhật trong mấy tháng vừa qua, chỉ trích Trung Quốc là bên châm ngòi cho những rắc rối.

Đương nhiên, lời phê bình của ông Chuck Hagel đã khiến phía Trung Quốc hết sức khó chịu.

Khi bài phát biểu của ông Chuck Hagel vừa kết thúc, các phóng viên nước ngoài đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Thiếu tướng Diêu Vân Trúc của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc lập tức chất vấn lập trường của Mỹ trong vấn đề đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Trước đó, theo tin của báo giới Trung Quốc, đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự đối thoại Shangrila năm nay đã có sự chuẩn bị kĩ lưỡng để đối phó với những lời chỉ trích của các bên, không cho Nhật Bản và Mỹ lũng đoạn trong quyền phát ngôn.

Tuy nhiên, các đáp trả của đoàn đại biểu Trung Quốc đã không thuyết phục được những người tham gia, một số nhà lãnh đạo các nước thậm chí còn tỏ ra phản cảm trước thái độ này.

Sau khi ông Diêu Vân Trúc chất vấn, một số học giả và bình luận viên có mặt trong cuộc hội nghị đã lập tức post bài và những lời bình luận trên trang mạng xã hội Twitter của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế IISS – đơn vị tổ chức Hội nghị An ninh Châu Á thường niên này, đồng thời chỉ trích giọng điệu của Trung Quốc “dồn ép người khác”, thái độ cứng rắn quá mức.

Một đại biểu tham dự hội nghị viết: “Phản ứng của bà Diêu Vân Trúc quá đường đột”. Một đại biểu khác nói: “Chủ tọa chưa nói xong, bà Diêu Vân Trúc đã ngắt lời ông ấy”.

Trong thời gian họp báo sau đó, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Trung Quốc Vương Quán Trung cũng phản bác lời phát biểu của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ. Ông Mark Fitzpatrick – giám đốc Chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) đã trả lời phỏng vấn hãng truyền thông BBC và chỉ ra rằng, giọng điệu trong bài phát biểu của đoàn đại biểu Trung Quốc năm nay cứng rắn hơn trước đây. Ông Mark Fitzpatrick thẳng thắn nói: “Diễn đàn này là nơi để đại diện các bên đối thoại, giao lưu với nước khác, bình tĩnh đưa ra lập trường của mình, nhưng thái độ của Trung Quốc quá “rắn mặt”, khiến các đại biểu tham dự hội nghị có cảm giác rằng quốc gia này đang tìm đủ mọi cách để biện hộ cho mình, đồng thời đã minh chứng cho điều lo lắng của các bên rằng Trung Quốc sẽ áp dụng hành động đơn phương là hoàn toàn có cơ sở”.

Một đại diện của đoàn đại biểu Indonesia cho biết, bầu không khí trong cuộc đối thoại năm nay căng thẳng hơn so với các năm trước. Trước bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, đại biểu Indonesia nói: “Tôi tin rằng năm nay các nước Đông Nam Á sẽ hoan nghênh Nhật Bản thể hiện vai trò quan trọng hơn trong khu vực”. Vị đại biểu này cũng thừa nhận, trong vấn đề tranh chấp chủ quyền, thậm chí những biểu hiện trong cuộc hội nghị năm nay, Trung Quốc đã gây cho các nước ấn tượng quá rắn mặt. “Trung Quốc luôn thích đưa ra những bằng chứng lịch sử để chứng minh quyền sở hữu lãnh thổ của mình, nhưng các quốc gia khác cũng có bằng chứng lịch sử để chứng minh. Trung Quốc kêu gọi nước khác tôn trọng quan điểm của họ, nhưng họ cũng buộc phải tôn trọng lập trường của người khác. Nếu Trung Quốc không có sự cải thiện trong hình ảnh và hành động, chắc chắn sẽ ngày càng bị cô lập”.

Chủ nhật, 01/6/2014 15:26 GMT+7
Thành Nam

No comments:

Post a Comment