(Dân trí) - Trung Quốc liên tục đưa ra các lý lẽ bao biện cho hành vi hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 ở vùng biển Việt Nam, cũng như việc điều 80 tàu bảo vệ. Tuy nhiên, cả về lý và tình, đây chỉ là những lý sự cùn của kẻ tự cho mình ở thế mạnh.
Việc hạ đặt giàn khoan “Haiyang Shiyou-981” khiến Trung Quốc ngày càng tự đánh mất hình ảnh và niềm tin của cộng đồng quốc tế.
Tham vọng của Trung Quốc tại các vùng biển là rất mạnh mẽ và không dễ gì từ bỏ. Khi đưa ra chiến lược biển cách đây 4 năm, Trung Quốc đã xác định rất rõ 3 mặt trận có thể xoay chuyển luân phiên cho nhau. Đó là với Nhật Bản ở Hoa Đông, với Philippines và Việt Nam ở Biển Đông.
Tất cả những hành động này của Trung Quốc không ngoài mục đích mở rộng lãnh hải phục vụ cho ba mục tiêu lớn, gồm phát triển kinh tế, nâng cao vị thế địa chính trị và tăng cường năng lực quân sự.
Về kinh tế, trong tổng số 5.000 tỷ USD giá trị thương mại tạo ra ở Biển Đông mỗi năm, Trung Quốc chiếm gần một nửa. Biển Đông cũng là nơi chiếm tới 60% tổng lượng dầu mỏ trung chuyển của thế giới. Vì vậy, Trung Quốc muốn chiếm làm của riêng toàn bộ tuyến thông thương đường biển quan trọng này để vừa phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, thỏa mãn cơn khát năng lượng trong thế kỷ 21, đồng thời tạo thành sức mạnh mặc cả trong quan hệ kinh tế với các nước và tổ chức trên thế giới, kể cả Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) hay thậm chí cả Nga sau này. Trung Quốc đang nóng lòng tiến đến mục tiêu soán ngôi đầu tàu kinh tế của Mỹ trong vài năm tới.
Về địa chính trị, bằng việc triển khai chiến lược lấn chiếm dần các vùng biển, Trung Quốc đang dần hiện thực hóa yêu sách về “đường lưỡi bò”, hay còn được gọi là “đường đứt khúc 9 đoạn” ở Biển Đông. Việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 chỉ là bước đi đầu tiên trong chiến lược “chuỗi ngọc trai” đã được Trung Quốc lên kế hoạch lâu nay năm nhằm dựng lên vòng cung “các lãnh thổ di động trên biển”, tạo cho nước này một “thế trận địa chính trị hùng mạnh” ít quốc gia trên thế giới có thể so bì.
Về quân sự, hiện tại Trung Quốc chưa đảm bảo được lối ra và tuyến đường đi an toàn cho các tàu ngầm hạt nhân cũng như hệ thống các tàu quân sự, tàu sân bay. Các tàu ngầm hạt nhân hiện nay của Trung Quốc thuộc thế hệ cũ, tạo tiếng ồn khá lớn khi di chuyển. Trong khi đó, thềm lục địa của nước này lại có cấu tạo nhô lên khá cao trên diện rộng. Vì thế, nếu không mở rộng diện tích vùng biển kiểm soát vượt xa bên ngoài điểm gãy lục địa, các tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc sẽ dễ dàng bị đối phương phát hiện và theo dõi do không đạt được độ lặn sâu tối thiểu 200 m dưới mặt nước biển. Đó là chưa kể, Trung Quốc hiện cũng đang rất “khát” các vùng biển sâu để “có sân luyện tập” cho tàu sân bay đầu tiên của nước này mang tên Liêu Ninh, cũng như các tàu sân bay khác đang trong quá trình chế tạo.
Để thực hiện các tham vọng trên, Trung Quốc quyết đẩy mạnh các hành động gây hấn và lấn chiếm bất chấp đạo lý cũng như luật pháp quốc tế. Nhưng khi hành động được dẫn dắt bởi những tham vọng mù quáng, một nước - dù đang trên đường trở thành cường quốc - cũng rất dễ mắc phải sai lầm, nhất là khi những lý lẽ đưa ra hoàn toàn không đủ sức thuyết phục nếu không muốn nói chỉ là những lý sự cùn.
Thứ nhất, theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tàu thuyền và tài sản của các nước có quyền qua lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước khác nhưng không có quyền khai thác hay tiến hành hoạt động vơ vét tài nguyên trong khu vực này nếu không xin phép và nhận được sự đồng ý rõ ràng của nước sở tại. Việc Trung Quốc thả trôi giàn khoan Hải Dương-981 rồi sau đó tìm cách đặt vị trí cố định giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành động vi phạm trắng trợn công ước.
Thứ hai, Trung Quốc không ngừng khẳng định vị trí hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 nằm trong vùng biển thuộc chủ quyền lãnh hải của nước này vì chỉ cách đảo Hải Nam 194 km. Tuy nhiên, khi đưa ra những lý lẽ này, các nhà cầm quyền với những cái đầu nóng ở Bắc Kinh đã cố tình lờ đi một thực tế rằng vị trí hạ đặt giàn khoan chỉ cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 119 hải lý, ít hơn nhiều so với khoảng cách từ Hải Nam.
Thứ ba, cũng theo UNCLOS, bất kỳ đảo đá nào nhằm nhô lên trên mặt biển khi thủy triều dâng cao đều có thể tạo ra các vùng lãnh hải nằm trong phạm vi 12 hải lý tính từ bờ của đảo đá đó. Địa điểm do Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương-981 nằm cách đảo Tri Tôn 18,5 hải lý về phía Nam. Do đó, vị trí này sẽ mãi mãi “không nằm bên trong các vùng nước của Trung Quốc”.
Thứ tư, trước nay Trung Quốc luôn ngăn cản các nước, trong đó có Việt Nam, và các tập đoàn kinh doanh quốc tế tiến hành các hoạt động tìm kiếm, khai thác năng lượng tại các khu vực mà Trung Quốc cho rằng đang có tranh chấp trên biển. Tuy nhiên, bản thân nước này lại thường xuyên và hiện đang làm một việc tương tự, thậm chí còn gia tăng mức độ hung hăng khi cử tới 80 tàu các loại, gồm cả 7 tàu chiến hải quân, hộ tống việc hạ đặt giàn khoan. Đáng lên án hơn, khu vực hạ đặt giàn khoan không phải nằm trong vùng biển tranh chấp, mà là thuộc chủ quyền lãnh hải của Việt Nam.
Thứ năm, sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama công khai tuyên bố bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật Bản đang kiểm soát theo Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật, đồng thời tăng cường hợp tác quân sự với Philippines, Trung Quốc quyết định chĩa mũi nhọn vào Việt Nam. Trung Quốc cho rằng chỉ cần đặt cố định được một giàn khoan thì sau này có thể nhân rộng hoạt động ra hàng chục vị trí khác nằm dọc theo “đường chín đoạn” đã được nước tuyên bố áp đặt một cách phi lý.
Nhưng khi thực hiện các hành động trên, Trung Quốc quên mất những điểm mấu chốt có tính chất quyết định cục diện an ninh trong khu vực là Biển Đông không phải là “ao nhà” của họ. Luật pháp quốc tế không phải là một trò đùa và dân tộc Việt Nam với hơn 90 triệu dân đang một lòng hướng về quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bằng mọi giá.
Việc Bắc Kinh đơn phương hành động dựa trên những lập luận coi thường luật pháp quốc tế, xem nhẹ chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia khác, tự mâu thuẫn với chính những hành động cũng như tuyên bố của mình trước đây chỉ càng làm cho thế giới nhìn thấy rõ hơn bộ mặt giả dối của một quốc gia luôn khẳng định đang trỗi dậy hòa bình nhưng trên thực tế lại là nhân tố gây bất ổn nguy hiểm trong khu vực và trên thế giới.
Đức Vũ
No comments:
Post a Comment