Tuesday, April 1, 2014

Dưa hấu 'làm nóng' Quốc hội

02/04/2014 02:35
Câu hỏi đặt ra nhiều nhất với Bộ trưởng Bộ Công thương trong hơn 3 giờ trả lời chất vấn tại Thường vụ Quốc hội hôm qua là vấn đề thương lái thu mua nông sản trái phép, gây nhiễu loạn thị trường, làm thiệt hại cho bà con nông dân...

Dưa hấu 'làm nóng' Quốc hội

Tình hình dưa hấu ứ đọng tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh khiến các đại biểu Quốc hội bức xúc - Ảnh: Xuân Sang

Khi nào khắc phục tình trạng ứ đọng?
 
Ai phải chịu trách nhiệm khi để nông dân hàng chục năm qua hễ được mùa là rớt giá, thậm chí nuốt nước mắt chấp nhận đổ bỏ những nông sản mình cực nhọc sản xuất được, trong khi người tiêu dùng phải mua giá đắt hơn rất nhiều so với giá sản xuất?
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội)
Dẫn ví dụ vẫn còn nóng hổi tính thời sự về hàng ngàn xe chở dưa hấu ùn ứ tại cửa khẩu biên giới (Tân Thanh - Lạng Sơn), ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) chất vấn Bộ trưởng “khi nào khắc phục được tình trạng trên?”.
“Tình hình dưa hấu ứ đọng tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh diễn ra nhiều năm nay, không riêng gì 2014. Vì dưa hấu chúng ta chủ yếu xuất sang Trung Quốc”, ông Vũ Huy Hoàng đáp. Lý do ùn ứ được Bộ trưởng lý giải ngoài chuyện thấy được mùa và mấy đợt trước xuất được giá, một số địa phương muốn để bà con đẩy nhanh tiêu thụ sản phẩm trong khi chưa có mối tiêu thụ chắc chắn, còn nguyên nhân căn bản khác là cơ sở hạ tầng ở cửa khẩu Tân Thanh không thể đáp ứng một lúc việc thông quan cho số lượng dưa lớn như đợt cao điểm từ 20 - 26.3 vừa qua. “Một ngày chỉ thông quan được 300 xe nhưng có thời điểm lên tới 1.800 xe thì không thể nào không ứ đọng”, Bộ trưởng giãi bày. “Để giải quyết tình trạng ùn ứ này, chúng tôi đã chỉ đạo phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc với bạn (Trung Quốc - pv) để kéo dài đến 9 giờ tối thay vì đóng cửa khẩu lúc 5 giờ chiều và làm việc thêm cả ngày thứ bảy, chủ nhật”, Bộ trưởng cho biết.
Được mời giải trình thêm, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát cho hay Bộ đang cố gắng khuyến khích hình thức liên kết giữa nông dân và các doanh nghiệp, gắn kết với các cơ sở chế biến tiêu thụ, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. “Nhiều loại nông sản nông dân sản xuất có tính chất tự phát nên tiêu thụ chưa bám sát nhu cầu thị trường, dẫn tới giá cả không ổn định, thu nhập của bà con không ổn định, một trong các ví dụ điển hình là sản xuất và tiêu thụ dưa hấu vừa qua”, ông Phát đơn cử.
 
Chúng tôi cũng đã cố gắng tìm đầu ra, ngoài xúc tiến thương mại, đã tham gia đàm phán ký kết rất nhiều hiệp định với các đối tác để tiêu thụ nông sản cho người dân...
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng
Chưa hài lòng với phần giải trình trên, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) “truy”: Ai phải chịu trách nhiệm khi để nông dân hàng chục năm qua hễ được mùa là rớt giá, thậm chí nuốt nước mắt chấp nhận đổ bỏ những nông sản mình cực nhọc sản xuất được, trong khi người tiêu dùng phải mua giá đắt hơn rất nhiều so với giá sản xuất?
“Chúng tôi cũng đã cố gắng tìm đầu ra, ngoài xúc tiến thương mại, đã tham gia đàm phán ký kết rất nhiều hiệp định với các đối tác để tiêu thụ nông sản cho người dân…”, Bộ trưởng giãi bày, và thừa nhận “mặc dù có cố gắng nhưng chúng tôi chưa đáp ứng hết yêu cầu trong tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân”.
Công khai giá điện để dân giám sát
Nhiều câu hỏi liên quan đến tình trạng cung ứng điện, minh bạch giá điện cũng được các ĐBQH đặt ra với Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.
Trả lời ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) về “giải pháp công khai minh bạch khi tăng giá điện, nhất là các thông số đầu vào”, Bộ trưởng cho biết Bộ Công thương và EVN đang nghiên cứu và sẽ ban hành đề án công khai giá điện. Trong tháng 4 sẽ ban hành những quy định về công khai giá điện, công bố rộng rãi để nhân dân biết, giám sát.
ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) chất vấn trách nhiệm chậm sửa đổi Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng lý giải nguyên nhân chậm một phần do phải thay mới toàn bộ nghị định, thay vì chỉ dự kiến sửa đổi một số vấn đề như thời gian đầu. Tháng 11.2013, Bộ đã trình Chính phủ dự thảo nghị định mới và Chính phủ đã yêu cầu 26 bộ, ngành có ý kiến chính thức. Đến nay 26 thành viên Chính phủ đã có ý kiến đầy đủ về nghị định mới, chỉ còn 2 trong đó số còn phân vân về quỹ bình ổn giá và thời gian điều chỉnh giá. Sau khi giải trình 2 vấn đề còn lại trong tuần này, nghị định mới sẽ sớm được ban hành. Bộ cũng đã chuẩn bị thông tư hướng dẫn khi nghị định mới có hiệu lực.
5 tháng nhận 2.000 cuộc gọi về y đức
Tại phiên chất vấn của Ủy ban TVQH chiều qua, trước hàng loạt câu hỏi về y đức, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận đây là vấn đề nóng bỏng, khiến người dân bức xúc nhất hiện nay. Bộ Y tế đã thành lập đường dây nóng 24/24, đã cấp 1.200 điện thoại di động cho giám đốc các bệnh viện để lắng nghe ý kiến người bệnh, và trong 5 tháng qua đã nhận được 6.700 cuộc gọi phản ánh, với khoảng 2.000 cuộc về y đức. Trong đó 40% cuộc gọi phản ánh thái độ của nhân viên y tế; 20% phàn nàn về viện phí, thái độ đòi hỏi; 20% phản ánh về quy trình gây phiền hà, chất lượng dịch vụ kém... “Nhiều trường hợp ở tỉnh không xử lý, khi gọi về bộ chúng tôi đã xác minh và xử lý rất nghiêm minh, phản ánh của bà con là đúng”, Bộ trưởng Tiến nói.
Chốt lại phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đánh giá ngành y tế đang tồn tại hàng loạt vấn đề cần phải giải quyết, trong đó có quá tải và y đức. “Chúng ta không thể để bệnh viện quá tải nhưng vẫn đòi y đức, cũng không thể để bệnh viện tốt rồi mà vẫn có hiện tượng tham tiền hơn cứu người. Các hiện tượng y đức vừa qua không phải do thiếu thốn mà là do đạo đức. Tuy nhiên một mình bộ trưởng y tế không giải quyết được mà phải có sự tham gia các bộ ngành địa phương, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc giải quyết”, ông nói.
Thái Sơn

No comments:

Post a Comment