Infonet-01/04/14 06:21
"Trung Quốc là 1 quốc gia thành viên công ước, đã đặt bút ký phê chuẩn UNCLOS thì phải có nghĩa vụ tuân thủ Công ước này, đó là nguyên tắc"- TS Trần Công Trục nhấn mạnh.
LTS: Hôm qua ngày 30/3, Philippines đã chính thức chuyển gần 4.000 trang hồ sơ vụ vụ kiện Trung Quốc giải thích sai Công ước Luật Biển 1982 tới tòa án quốc tế ở La Hague. Bấy lâu nay Trung Quốc đã ỷ thế nước lớn vi phạm nhiều nguyên tắc được quy định tại Công ước Luật Biển 1982. Điều này đang đặt ra những câu hỏi, liệu Trung Quốc có "đủ mạnh" sửa đổi Công ước 1982 để thắng vụ kiện này hay không? Dưới đây là bài viết của TS Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ.
Việc vẽ ra đường lưỡi bò phi lý, Trung Quốc đã bất chấp các nguyên tắc của Công ước Luật Biển 1982 |
Forbes ngày 26/3/2014 đăng bài bình luận của ông Lý Quang Diệu, cựu Thủ tướng Singapore nhận định: Trung Quốc - một quốc gia đang trỗi dậy- tìm cách "viết lại luật biển" để khẳng định biên giới biển trong Biển Đông mà nước này yêu sách.
Ông Lý Quang Diệu, cựu Thủ tướng của một nước có chuyên gia Luật biển đã từng đảm đương trọng trách của Hội nghị của LHQ về Luật Biển lần thứ 3, đã rất có lý khi đưa ra nhận định này.
Bởi vì, hiện còn không ít quan điểm, nhận thức rất mơ hồ về UNCLOS, đặc biệt thể hiện qua vụ kiện của Philippines. Những quan điểm này cho rằng “đường lưỡi bò” của Trung Quốc có từ năm 1946 trong khi UNCLOS ra đời năm 1982, cho nên “lưỡi bò” không chịu sự điều chỉnh của UNCLOS; Trung Quốc cũng không nói đường lưỡi bò của họ là dựa vào điều khoản nào của luật pháp quốc tế, của UNCLOS, nên việc Tòa án Quốc tế về Luật Biển có thụ lý vụ kiện này không còn phải chờ…
Đầu tiên cần phải nói rõ, không có chuyện đường lưỡi bò có trước UNCLSO thì Trung Quốc không chịu sự ràng buộc nào của UNCLOS ở Biển Đông. Trung Quốc là 1 quốc gia thành viên công ước, đã đặt bút ký phê chuẩn UNCLOS thì phải có nghĩa vụ tuân thủ Công ước này, đó là nguyên tắc; mọi văn bản luật pháp của quốc gia thành viên ban hành trước mà trái với Công ước đều không có hiệu lực pháp lý.
Nếu không như thế thì Tây Ba Nha và Bồ Đào Nha sẽ có quyền đòi chia đôi Đại dương quốc tế cho mình theo con đường được vạch ra theo Sắc chỉ Inter Coetera ngày 4 tháng 5 năm 1493 của Giáo hoàng Alecxandere VI; còn nữa, liệu những quốc gia trước khi Công ước có hiệu lực đã quy định lãnh hải của họ có chiều rộng đến 200 hải lý hay dưới 12 hải lý thì cũng cứ giữ nguyên? Nếu cứ như thế thì bao nhiêu trí tuệ, tinh hoa và nỗ lực không ngừng của cộng đồng quốc tế để có được một Công ước như ngày nay là vô nghĩa?
Để biện luận cho yêu sách của mình, Trung Quốc sử dụng khái niệm “chủ quyền lịch sử” vào phạm vi biển nằm trong đường “lưỡi bò”; cố tình “xào xáo” lẫn lộn khái niệm chủ quyền lãnh thổ đối với các quần đảo và khái niệm chủ quyền ,quyền chủ quyền và quyền tài phan đối với các vùng biển và thềm lục địa.Thế mà, hiện nay vẫn có khá nhiều người đã bị mê hoặc bởi “món ăn tổng hợp” này (?!)
Tuy nhiên, không phải ai cũng bị mê hoặc bởi “món ăn hổ lốn” này. Nhiều học giả, chính khách quốc tế đã nhận rõ bản chất lập luận mập mờ, lẫn lộn của Trung Quốc. Chẳng hạn, ông Lý Quang Diệu cho rằng ông không tin Trung Quốc sẽ trình bày rõ yêu sách của mình vốn chủ yếu dựa trên sự “hiện diện lịch sử”. Mặc dù, Trung Quốc đang tăng cường khẳng định vị thế của mình bằng cách tuyên bố có "chủ quyền lịch sử" với Biển Đông, "và các tranh chấp phát sinh từ yêu sách dựa trên các nguyên tắc khác nhau, nên không có khả năng giải quyết”.
Ông Lý Quang Diệu còn dẫn ra một sự kiện lịch sử mà Trung Quốc thường dựa vào để biện minh cho yêu sách đầy tham vọng của mình: “Trung Quốc đang lục tìm trong quá khứ. Hơn 6 thế kỷ trước, hoàng đế nhà Minh đã phái 1 hạm đội lớn các tàu buôn để khám phá và mở ra hoạt động giao thương với phần còn lại của thế giới, đại thái giám Trịnh Hòa (1371-1433) đã được lựa chọn làm Đô đốc chỉ huy cuộc thám hiểm.
Trịnh Hòa sẽ được Trung Quốc đem ra làm "bằng chứng khẳng định chủ quyền" ở Biển Đông? Điều đó sẽ đồng nghĩa với việc luật pháp quốc tế, UNCLOS vốn kết tinh bao nhiêu tinh hoa trí tuệ và nỗ lực không ngừng của nhân loại sẽ bị Trung Quốc vô hiệu hóa? |
Trịnh Hòa sinh ra và lớn lên trong một cộng đồng người Hồi Giáo ở khu vực Côn Minh, thủ phủ Vân Nam ngày nay. Ông bị nhà Minh bắt và đưa đến Nam Kinh khoảng năm 1381, nơi ông bị thiến và đưa vào phụ vụ một hoàng tử, sau này là vua Vĩnh Lạc của nhà Minh.
Trong suốt 3 thập kỷ (1405 - 1433), Trịnh Hòa đã chỉ huy 5 chuyến thám hiểm về phía Tây với quy mô và phạm vi lớn chưa từng có. Hạm đội Trịnh Hòa từng kéo qua Biển Đông, Ấn Độ Dương và vịnh Ba Tư, thậm chí tiến xa hơi tới bờ biển phía Đông châu Phi với con tàu dài hơn 400 mét…”
Lý Quang Diệu nhận định, nếu yêu sách dựa trên quan điểm lịch sử của Trung Quốc được xác định làm căn cứ để đòi "chủ quyền" với các vùng biển và đại dương, người Trung Quốc sẽ nói rằng 600 năm trước tàu của họ đi qua Biển Đông mà không bị thách thức…” và, xin bổ sung thêm, với cách lập luận này có lẽ sẽ có nhiều cường quốc hàng hải quốc tế cũng viện dẫn nhiều cuộc viễn dương đã từng diễn ra, thậm chí trước cả thời điểm “xuất dương” của viên “đại thái giám” Trịnh Hòa, để đòi chủ quyền các vùng biển, đại dương mà họ đã từng đặt chân đến. Thử hỏi thế giới sẽ như thế nào và UNCLOS có còn được tôn trọng hay không?..."”
Ông Lý Quang Diệu, một chính trị gia có ảnh hưởng lớn ở Singgapore |
Có thể nói rằng, Trung Quốc chẳng dựa trên bất cứ căn cứ nào của Công ước Luật biển năm 1982 để bảo vệ cho yêu sách “đường lưỡi bò” khi họ lần đầu tiên chính thức công bố với quốc tê trong một Công hàm họ gửi cho tổ chức LHQ năm đề ngày 7/5/2009; thời điểm này hiển nhiên xẩy ra sau khi UNCLOS có hiệu lực đến những 27 năm! Ngay cả chính phủ Mỹ cũng đã phải lên tiếng công khai phản đối đường lưỡi bò. Vì vậy việc chính phủ Philippines khởi kiện Trung Quốc áp dụng, giải thích sai UNCLOS trong yêu sách đường lưỡi bò ở Biển Đông, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông, trong đó có Philippines, là hoàn toàn hợp pháp, hợp lý và là giải pháp hòa bình, tiến bộ, văn minh nhất.
No comments:
Post a Comment