(Baodatviet) - Tăng thuế nhập khẩu xăng dầu chỉ có Nhà nước và doanh nghiệp được lợi, còn người tiêu dùng chẳng được gì.
PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài Chính) nói thẳng với Đất Việt khi đề cập đến động thái tăng thuế nhập khẩu của liên bộ trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tiếp tục lao dốc.
PV: - Trong khi giá dầu thế giới đang tiếp tục lao dốc thì ngày 6/12, liên bộ Công thương-Tài chính đã quyết định tăng thuế nhập khẩu xăng dầu, trong đó có loại tăng đến 10% và điều này khiến giá xăng dầu trong nước có mức giảm giá thấp hơn. Điều kỳ lạ là chính các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đề nghị tăng thuế. Điển hình là ngay trước thời điểm giảm giá ngày 6/12, PVOil đã có văn bản đề nghị liên bộ tăng thuế nhập khẩu lên 5-7%. Ông có thể lý giải động thái này của doanh nghiệp xăng dầu? Vì sao họ lại đề nghị tăng thuế trong khi theo nguyên tắc thị trường, giá cao sẽ bớt sức cạnh tranh?
PGS.TS Ngô Trí Long: - Giá dầu thế giới vẫn đang hạ, nếu vẫn giữ mức thuế ấy thì chắc chắn giá trong nước phải hạ. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp muốn tăng thuế là vì họ đã nhập lô trước với giá tương đối cao trong khi mức thuế lại thấp, giờ tiếp tục hạ giá xăng dầu xuống thì doanh nghiệp không được lời là mấy. Do đó, quan điểm của doanh nghiệp là phải giữ nguyên giá xăng dầu đồng thời tăng thuế nhập khẩu lên để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp.
PV: - Lý do xin tăng thuế nhập khẩu xăng dầu, theo văn bản của PVOil là giá thế giới liên tục giảm, trong khi doanh nghiệp phải dự trữ đủ 30 ngày theo quy định, đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Ông bình luận như thế nào về vấn đề này? Sự hợp lý và bất hợp lý trong lập luận của các doanh nghiệp xăng dầu ra sao? Thực chất trong khoảng thời gian này doanh nghiệp lợi hay thiệt khi giá thị trường lên xuống từng giờ?
PGS.TS Ngô Trí Long: - Sự bất hợp lý là doanh nghiệp chỉ nghĩ lợi ích cá nhân của họ. Nếu tăng thuế thì Nhà nước và doanh nghiệp được lợi, còn người tiêu dùng chẳng được gì. Trong khi đó, nền kinh tế phải hài hoà lợi ích của ba nhà: nhà nước, nhà doanh nghiệp và người tiêu dùng (Nhà nước được thuế, doanh nghiệp được lợi nhuận, còn người tiêu dùng được hưởng mức giá theo sự biến động của giá cả thế giới) chứ không phải như bây giờ, giá thế giới hạ mà người tiêu dùng Việt Nam lại phải chịu giá cao.
Theo quy định mới, doanh nghiệp không phải dự trữ 30 ngày nữa mà chỉ dự trữ 15 ngày. Đáng lý dự trữ quốc gia phải để riêng, nhưng hiện nay quốc gia không có đủ năng lực dự trữ cho nên phải bắt cả doanh nghiệp dự trữ. Trong bối cảnh giá dầu hạ, họ vin vào cái cớ này để đòi tăng thuế.
Trong khi giá xăng dầu thế giới hạ thì người tiêu dùng Việt Nam lại phải chịu giá cao. |
PV: - PVOil dự kiến kết quả kinh doanh cả năm 2014 của tổng công ty này sẽ không có lãi và thực tế DN đã lỗ từ tháng 8/2014. Tương tự, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác như Công ty TNHH một thành viên lọc hóa dầu Bình Sơn - đơn vị quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Công ty TNHH một thành viên dầu khí TP HCM (Saigon Petro), Công ty xăng dầu khu vực II (Petrolimex Sài Gòn), Tổng công ty xăng dầu khu vực IV... cũng đồng loạt kêu lỗ hoặc kinh doanh không có lãi. Trong khi đó, giá xăng của Việt Nam hiện tại đang cao hơn Mỹ khoảng 5.000 đồng/lít. Điều này có coi là nghịch lý hay không và vì sao?
PGS.TS Ngô Trí Long: - Cách đây mấy ngày giá dầu thô tại Mỹ đã xuống khoảng 14.500 đồng, bây giờ còn thấp hơn nữa, vào khoảng 14.300 đồng/lít. Vừa rồi Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu nói rằng các doanh nghiệp xăng dầu đang lỗ, đó là vì ông ấy bảo vệ các doanh nghiệp.
Thực ra, doanh nghiệp xăng dầu luôn tiền hậu bất nhất, hễ chuẩn bị có chủ trương gì của Nhà nước bất lợi cho họ thì họ báo lỗ, nhưng kết quả kiểm toán cuối năm không bao giờ lỗ, lên sàn chứng khoán họ cũng toàn báo lãi. Tôi cho rằng, để làm rõ điều này, cơ quan kiểm toán cần kiểm toán các doanh nghiệp khi họ đang hoạt động, chứ không phải chỉ kiểm toán tài chính cuối năm. Việt Nam chưa làm cái này nhưng hoàn toàn có thể làm được.
Điều rất nghịch lý là khi doanh nghiệp dự trữ đã được Nhà nước trừ hết cho rồi, nhưng giờ họ lại cố gắng tìm đủ mọi cớ để nguỵ biện. Cho nên đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, những thông tin do các doanh nghiệp đưa ra chưa hẳn đã đáng tin cậy vì mục tiêu của doanh nghiệp là lợi nhuận, có lợi nhuận mới tồn tại, mà lợi nhuận thu được thông qua giá.
PV: - Có ý kiến cho rằng vì xăng dầu ở Việt Nam hiện nay đang ở thế độc quyền, chưa có cuộc cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp xăng dầu nên họ chẳng cần phải giảm giá làm gì. Ông có đồng tình với ý kiến này và vì sao?
PGS.TS Ngô Trí Long: - Nói trên thị trường xăng dầu còn độc quyền là không đúng. Độc quyền là chỉ có một, nhưng trên thị trường Việt Nam có trên 23 đầu mối xăng dầu. Trên thị trường xăng dầu Việt Nam hiện nay có hiện tượng độc quyền nhóm, nói cách khác còn có doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường.
Hiện nay, độc quyền nhóm được Luật Cạnh tranh quy định: một doanh nghiệp chiếm 30% thị phần trên thị trường liên quan; hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan; ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên; bốn doanh nghiệp chiếm có tổng thị phần từ 75% trở lên.
Hiện nay, một mình ông lớn Petrolimex chiếm 47,8% thị phần trên thị trường xăng dầu. Ba doanh nghiệp Petrolimex, PVOil, SaigonPetro chiếm trên 70% thị phần. Thực tế, trên thị trường xăng dầu Việt Nam chưa có cạnh tranh thực sự mà vẫn còn những doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường.
Cho nên trong độc quyền nhóm không bao giờ để doanh nghiệp tự định giá dù là biên độ rất thấp, nếu không doanh nghiệp đó sẽ lợi dụng biên độ và tần suất cho phép để tăng giá, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 84 là bình cũ rượu mới, vẫn mang tư duy phi thị trường. Nghị định 84 quy định 3 mức điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu. Theo đó, trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi 0-7% so với giá liền kề trước đó, doanh nghiệp được tự định giá, phạm vi 7-12% doanh nghiệ và Nhà nước cùng tham gia, trên 12% thì Nhà nước toàn quyền.
Còn Nghị định 83 lại thu hẹp biên độ xuống: trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi 0-3% so với giá liền kề trước đó thì doanh nghiệp tự quyết định, phạm vi 3-7% thì doanh nghiệp và Nhà nước cùng tham gia, trên 7% là Nhà nước toàn quyền.
Như vậy là phi thị trường, không có loại cơ chế nào, thị trường nào ở biên độ này thì doanh nghiệp tự định giá, biên độ kia thì Nhà nước và doanh nghiệp cùng tham gia và trên mức đó thì Nhà nước toàn quyền quyết định.
Luật giá của các nước có nền kinh tế thị trường và Luật giá của Việt Nam chỉ rất rõ rằng, đối với thị trường độc quyền và thị trường còn có doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường thì giá do Nhà nước định (mức giá cụ thể, khung giá, giá trần - tối đa, giá sàn - tối thiểu).
Đối với thị trường cạnh tranh, giá do thị trường quyết định, Nhà nước chỉ sử dụng các cộng cụ và biện pháp gián tiếp như tài chính, tín dụng, thương mại... để quản lý và khắc phục những khuyết tật thị trường khi giá cả có sự biến động để bình ổn giá.
Thứ Tư, 17/12/2014 07:07
- Thành Luân
No comments:
Post a Comment