(Baodatviet) - Tình hình Bắc Cực đang ngày càng nóng lên khi các bên liên quan công bố chiến lược của mình và không ngại khi phải dùng đến ‘biện pháp mạnh’.
Đan Mạch và cuộc đua giành chủ quyền Bắc Cực
Cuộc chiến chủ quyền tại Bắc Cực đang được hâm nóng khi Đan Mạch vừa chính thức đệ đơn lên Liên hiệp quốc (LHQ) xin đăng ký vùng ngoại Cực cách 200 hải lý là khu kinh tế của đất nước.
Copenhagen đã trích dẫn các dữ liệu khoa học và khẳng định Greenland - vùng đất tự trị thuộc Đan Mạch, nằm trên đỉnh đầu thềm lục địa kết nối với cấu trúc ở dưới đáy Bắc Băng Dương.
Đặc biệt, đơn yêu cầu của Đan Mạch gửi LHQ về phân định thềm lục địa đã mâu thuẫn với kỳ vọng Bắc Cực của Nga. Moskva xuất phát từ thực tế là sườn núi Lomonosov ngầm dưới nước chính là phần nối tiếp của lục địa Á-Âu. Đan Mạch thì khẳng định rằng sườn núi đó là phần mở rộng của Greenland - mà họ giữ chủ quyền.
Nga đã đăng ký mở rộng ranh giới thềm lục địa Bắc Cực, nghĩa là có quyền ưu tiên thăm dò và khai thác trong năm nay. Tuy nhiên, hồ sơ bị gác lại do chưa đủ thông tin. Moskva sửa soạn bổ sung nộp hồ sơ mới vào mùa xuân năm 2015. Nga rất cẩn trọng trong việc thu thập và lựa chọn bằng chứng cụ thể như vậy, ông Sergey Pryamikov một chuyên viên về Bắc Cực cho biết.
“Chúng tôi đang làm tất cả để hồ sơ đăng ký của ta được phê duyệt. Đối chiếu tương ứng với những nhận xét của Ủy ban LHQ về ranh giới bên ngoài thềm lục địa, chúng tôi đã tiến hành đo vẽ, chụp ảnh trắc địa học, khảo sát địa chấn, tập hợp các mẫu đất và các loài giống khác trên đáy biển. Không chỉ toàn bộ những gì Ủy ban đòi hỏi mà tất cả những gì tự chúng tôi thấy có ích cho quyết định tích cực dành cho hồ sơ của Nga thì chúng tôi đều đã làm đủ”.
Theo hãng tin AP, việc xem xét hồ sơ có thể mất đến 15 năm. Có thể xảy ra khả năng là các lập luận của mỗi nước đều được Ủy ban LHQ thấy là hợp lý. Và khi đó họ phải cùng nhau giải quyết tranh chấp.
Các chuyên viên loại trừ khả năng kịch bản quân sự, tuy nhiên mỗi quốc gia đều cố tăng cường hiện diện của quân đội nước mình tại Bắc Cực. Ngay từ năm 2009, Đan Mạch công bố về việc thành lập ban chỉ huy quân sự Bắc Cực đặc biệt và lực lượng phản ứng nhanh.
Canada tập trận tại Bắc Cực năm 2012 |
Canada sẵn sàng dùng vũ lực
Tình hình Bắc Cực đã thực sự nóng khi Canada tuyên bố không ngại dùng vũ lực để đối phó với Nga với tham vọng mở rộng hoạt động quân sự tại đây.
Thông tin này được hãng tin The Canadian Press dẫn lời Thủ tướng Canada Stephen Harper nhấn mạnh các lực lượng nước này không được lơi lỏng phòng vệ và cần phải sẵn sàng trả đũa trước bất kỳ hành động xâm phạm chủ quyền nào.
Phát biểu trên được đưa ra sau khi ông Harper kết thúc chuyến thị sát vùng lãnh thổ phía bắc của Canada và theo dõi cuộc tập trận thường niên Nanook 2014, diễn ra ngoài khơi đảo Baffin thuộc cực Bắc nước này.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Canada John Baird cũng nhấn mạnh chính quyền Ottawa đang đặc biệt lo ngại về động thái đẩy mạnh hoạt động quân sự của Nga tại Bắc cực, “sẵn sàng dùng vũ lực bảo vệ chủ quyền”.
“Đối với chúng tôi, đây là ưu tiên chiến lược. Trước những hoạt động quân sự hóa khu vực đang diễn ra, chúng tôi muốn giảm nguy cơ xung đột, nhưng rõ ràng là chúng tôi sẽ buộc phải bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình”, ông Baird tuyên bố.
Chiến lược của Mỹ tại Bắc Cực
Cùng với Đan Mạch và Canada, Mỹ cũng quyết không chịu khoanh tay ngồi nhìn Nga ‘độc chiếm’ Bắc Cực. Phát biểu tại một hội nghị an ninh ở Canada hồi đầu năm 2014, ông Hagel, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ công bố lần đầu chiến lược Bắc Cực của Mỹ.
Theo ông Hagel cảnh báo Mỹ phải gia tăng chủ quyền ở khu vực này ngay cả khi Nga và những nước khác đang tuyên bố và mở rộng việc sử dụng khu vực này vào lưu thông và tập luyện quân sự.
Ông Hagel nói Mỹ sẽ gia tăng hạ tầng cơ sở và năng lực của quân đội để bảo vệ chủ quyền của Mỹ xung quanh Alaska ở Bắc Cực, trong khi theo đuổi các biện pháp bảo đảm an toàn cho việc tự do lưu thông hàng hải. Một phần của chiến lược mới của Mỹ sẽ là gia tăng quan hệ quân sự với các nước ở Bắc Cực.
Để thực hiện tuyên bố của mình, Mỹ cũng đang gia tăng sự hiện diện quân sự ở Alaska với 27.000 lính tại bang này. Ông Hagel cho biết quân đội đã triển khai các máy bay vận tải C-130 có càng đáp trên băng tuyết và các tàu ngầm hạt nhân hoạt động ở vùng cực Bắc.
Tuần dương hạm tên lửa chạy bằng năng lượng hạt nhân Piotr Đại đế của Hạm đội Phương Bắc của Nga |
Nga có gì để khẳng định sức mạnh tại Bắc Cực
Để khẳng định vị thế của mình trước sức 'tứ phía' tại Bắc Cực, bắt đầu từ ngày 1/12/2014, Bộ tư lệnh Bắc Cực của Nga đã chính thức đi vào hoạt động. Quyết định này được Tổng thống Putin công bố trong cuộc gặp với các quan chức quân sự cấp cao của Nga hôm 25/11.
Theo cơ quan báo chí của Điện Kremlin, bộ tư lệnh mới sẽ lãnh đạo toàn bộ lực lượng vũ trang của Nga tại Bắc Cực, đồng thời cải thiện cơ cấu quân sự tại đó.
Tuy nhiên cơ quan này lại không công bố chi tiết những trang bị Nga đầu tư tại đây. Nhưng căn cứ vào kế hoạch “Bảo vệ lợi ích quốc gia của Nga ở Bắc Cực” được Nga đưa ra hồi tháng 7/2014, Nga quyết định thiết lập Bộ tư lệnh Bắc Cực với 6 doanh trại quân đội mới.
Để thực hiện kế hoạch này, Nga quyết định thành lập hệ thống căn cứ Hải quân đồng thời thay máu toàn bộ tiêm kích hạm trên TSB Kuznetsov. Theo thông tin được Tổng công ty chế tạo máy bay Nga RSK MiG cho biết, đến cuối năm 2014 sẽ chuyển giao cho Hải quân Nga 10 tiêm kích trên hạm MiG-29K/KUB.
Hợp đồng giữa Bộ Quốc phòng Nga và RSK MiG cung cấp tiêm kích MiG-29K được ký kết hồi năm 2012, theo nội dung hợp đồng, nhà sản xuất RSK MiG sẽ chuyển giao cho Quân đội Nga 20 MiG-29K một chỗ ngồi và 4 MiG-29KUB hai chỗ ngồi.
Tất cả các máy bay MiG-29K/KUB của Nga sẽ được biên chế cho Trung đoàn không quân trên hạm 279 của Hải quân Nga triển khai trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov đang biên chế tại Hạm đội Phương Bắc (Hạm đội Phương Bắc hoạt động tại các vùng biển Barrel và Na Uy, Bắc Cực, Đại Tây Dương, chịu trách nhiệm phòng thủ cho nước Nga ở phía Tây Bắc).
Hạm đội Phương Bắc nổi tiếng với những phương tiện hạt nhân. Khoảng 2 phần 3 lực lượng hạt nhân của Hải quân Nga trong biên chế của hạm đội này. Được biết trong biên chế của tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov hiện có 10 tiêm kích hạm hạng nặng Su-33 và 2 cường kích Su-25ITG. Vào năm 2015, Su-33 sẽ hết thời hạn phục vụ. Các máy bay mới MiG-29K/KUB sẽ thay thế chúng trong biên chế Trung đoàn 279.
Không chỉ tăng cường lực lượng tiêm kích hạm, ngày 22/4, Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố thành lập hệ thống căn cứ thống nhất cho tàu nổi và tàu ngầm thế hệ mới ở khu vực Bắc Cực. Tuyên bố này được ông Putin đưa ra tại phiên họp của Hội đồng an ninh về thực hiện chính sách nhà nước ở Bắc Cực vì lợi ích an ninh quốc gia.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Tướng Sergei Shoigu cho biết, sự phát triển cơ sở hạ tầng ở Bắc Cực sẽ là một trong những ưu tiên của Bộ Quốc phòng trong năm nay. Trong năm 2014, theo kế hoạch, các đơn vị quân đội Nga ở Bắc Cực sẽ hoàn tất việc hình thành và bắt đầu đi vào hoạt động.
Việc Bộ tư lệnh Bắc Cực được thành lập và khẩn trương đi vào hoạt động được các chuyên gia nhận định là để Nga tăng khả năng đối phó với sự tranh giành và sẵn sàng đối đầu với Nga của phương Tây.
Ngọc Hòa
No comments:
Post a Comment