Người Nga đang tranh thủ vét hàng hóa trước năm mới - Ảnh: Itar-Tass
Cuộc thăm dò do báo điện tử gazeta.ru thực hiện cho thấy đa số các doanh nghiệp nhập khẩu của Nga và thị trường đều tỏ ra bi quan về tương lai sắp tới của nền kinh tế.
Quyết định táo bạo nâng lãi suất lên 17% của Ngân hàng trung ương Nga ngày 16-12 không tạo ra được hiệu quả mong muốn: thị trường cuống cuồng bán tháo đồng rúp để mua USD và đồng euro, đẩy tỉ giá lên mức kỷ lục hơn 100 rúp/1 euro và 80 rúp/1 USD.
Những nạn nhân đầu tiên phá sản do tỉ giá là các nhà nhập khẩu đang vay nợ bằng ngoại tệ, theo sau là các công ty vay bằng đồng rúp.
Người Nga lên cơn sốt tìm mua hàng hóa với tỉ giá cũ, một số nhà cung cấp đang trong trạng thái bị sốc đến nỗi không kịp điều chỉnh giá hoặc chẳng buồn trả lời điện thoại khách hàng.
Kim ngạch mua bán tăng đều những ngày này do người dân đổ đi mua đồ dùng dự trữ, lo sợ đồng rúp sẽ mất giá hơn nữa.
“Đồng rúp rớt giá còn nhanh hơn tốc độ chúng tôi viết cái tin này” |
Tờ Vedomosti của Nga hài hước
|
Sức mua mặt hàng điện máy tăng từ hồi tháng 10, giám đốc Công ty Enter Katerina Belousova cho biết, tuy nhiên bà không dám dự đoán tình hình vào tháng sau. Với tốc độ tăng chóng mặt của giá cả hiện nay, không ai nói được người tiêu dùng sẽ phản ứng ra sao.
Giá cả các cửa hàng trên mạng tại Nga trong một tuần đã tăng 35%, đến ngày hôm qua con số này là 50%.
Từ đầu tháng 12, Apple và Samsung cũng phải điều chỉnh giá sản phẩm niêm yết bằng đồng rúp tại Nga.
“Điều chắc chắn là giá cả sẽ tăng thêm không dưới 15% nữa sau năm mới” - một nhà bán lẻ tại Nga khẳng định với gazeta.ru.
Các công ty nhỏ của Nga đang gặp không ít khó khăn, hàng hóa dự trữ tạm thời đáp ứng được nhu cầu nhưng tiếp theo thì không ai nói chắc. Nhóm hàng hóa thông dụng nhất trong đó có một số mẫu điện thoại, máy tính… đang dần biến mất khỏi các quầy hàng.
Hàng hóa đắt đỏ khiến người mua không hứng thú, trong khi đó hàng nội địa của Nga lại không có thể thay thế.
“Vấn đề nằm ở giá: các nhà sản xuất của Nga thà bán sản phẩm tốt của mình ra nước ngoài với giá cao hơn thay vì thị trường trong nước” - ông Azamat Yusupov, giám đốc La Maree, công ty cung cấp hải sản và chuyên về nhà hàng, cho biết.
Chủ tịch HĐQT công ty sữa “SoyusMoloko” Andrei Danilenko nhận xét với 40% sản lượng sữa tại Nga là nhập khẩu, việc đồng rúp mất giá sẽ khiến không ít nhà nhập khẩu rời thị trường. Nhưng theo ông Danilenko vẫn có cơ hội “sống sót” nếu doanh nghiệp tập trung cho phân khúc hàng hóa rẻ.
Cơ hội cho doanh nghiệp Nga?
Tỏ ra lạc quan hơn, một số chuyên gia nhìn nhận tình hình trước mắt là cơ hội cho doanh nghiệp Nga chiếm lĩnh lại thị phần từ các công ty nước ngoài.
“Đồng rúp mất giá - điều này cũng giống như cấm vận, chỉ khác là nó văn minh và mang tính thị trường hơn. Doanh nghiệp nào có thể dịch chuyển từ hàng nhập khẩu sang hàng hóa sản xuất trong nước sẽ sống sót qua giai đoạn này”, giám đốc Trung tâm nghiên cứu ngoại thương RAN Aleksander Knobel khẳng định.
|
17/12/2014 17:08
MINH TRUNG
No comments:
Post a Comment