Aru Pande
VOA-18.12.2014
Tháng giêng năm tới, một vị tổng thống Hoa Kỳ đã phải đối phó với nhiều thử thách trong nước và toàn cầu trong năm nay, cũng sẽ phải đối phó với một khối đa số đảng viên Cộng hòa ở cả hai viện Quốc hội.
Cử tri đã nói lên bằng lá phiếu của mình ngày 4 tháng 11, đẩy đảng của tổng thống ra khỏi thế đa số tại Thượng viện và giao toàn quyền kiểm soát Quốc hội cho đảng Cộng hòa.
Vào ngày hôm sau cuộc bầu cử giữa kỳ, Tổng thống Obama đã đứng trước đoàn ký giả ở Toà Bạch Ốc, giải đáp các câu hỏi về cảm tưởng của một nhà lãnh đạo ở thế yếu mà Mỹ gọi là “vịt què” và về việc liệu ông có thay đổi điều gì trong hai năm cuối tại chức hay không.
“Mục tiêu số 1 của tôi – bởi lẽ tôi sẽ không ra tranh cử nữa, tôi không có tên trên lá phiếu, tôi không có thêm khát vọng chính trị nào – mục tiêu số 1 của tôi chỉ là làm tất cả những gì có thể được cho dân chúng Mỹ trong hai năm cuối này.”
Một trong những việc ông có thể làm là tiếp tục củng cố nền kinh tế và giới trung lưu của Hoa Kỳ.
Cựu giới chức trong chính quyền Obama, ông Carmel Martin hiện làm việc cho Trung tâm Tiến bộ Mỹ:
“Ông đã đưa chúng ta trở lại từ mê lộ về mặt Cuộc Đại Suy thoái. Chúng ta đã có trên 50 tháng tăng trưởng công ăn việc làm, 10 triệu công việc mới trong khu vực tư nhân và tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất từ sáu năm nay. Do đó tôi trông đợi rằng ông sẽ tiếp tục tập trung vào nền kinh tế.”
Tuy nhiên, bất chấp tiến bộ về kinh tế, tổng thống bước vào năm 2015 với điểm ủng hộ ở gần mức thấp kỷ lục.
Giáo sư sử học Allan Lichtman của trường Đại học American có nhận định:
“Đã không có một sự xuống dốc to lớn trong nền kinh tế. Đã không có vụ tai tiếng nào khủng khiếp. Đã qua một thời kỳ tương đối tử tế, thế nhưng dân chúng vẫn không lấy làm hài lòng. Đôi khi tôi nghĩ dân chúng Mỹ trông đợi quá nhiều ở tổng thống của họ.”
Dù sao khi nói về di sản của tổng thống, ông Lichtman cho rằng điểm ủng hộ không có ý nghĩa bao nhiêu.
Ông nói giữa một bầu không khí chính trị ngày càng phân cực hơn, có phần chắc Tổng thống Obama sẽ dành năm 2015 và 2016 để sử dụng quyền hành pháp vượt qua Quốc hội và tìm cách để lại dấu ấn về chính sách đối ngoại của mình.
“Ông vốn đã đưa được Trung Quốc đến chỗ ký một hình thức thoả thuận về biến đổi khí hậu, điều mà từ trước tới nay họ hòan toàn không muốn làm. Đó là một sự khai thông lớn. Sẽ là một thắng lợi phi thường nếu ông có thể đạt được một thoả thuận hạt nhân khả tín với Iran. Sự kiện ấy gần như có thể sánh với thoả thuận mà ông Jimmy Carter đã đạt được ở Camp David giữa Israel và Ai Cập.”
Các nhà phân tích nói hai năm vẫn còn là thời gian đủ để một vị tổng thống để lại một ảnh hưởng lâu dài, và không nên đánh giá thấp khả năng của ông Barack Obama có thể làm như vậy, nhất là ảnh hưởng đối với toàn cầu.
No comments:
Post a Comment