Monday, December 15, 2014

Vạch trần toan tính của Trung Quốc từ chiêu xây thuỷ điện

(Baodatviet) - "Đây là một cuộc mặc cả, thuận mua vừa bán. Một khi các nước đã mời Trung Quốc vào nhà rồi mà khách trở mặt thì rất khó xoay trở".

Khoảng 1 thập kỷ kể từ khi xây dựng đập Tam Hiệp, đập thuỷ điện lớn nhất thế giới trên sông Dương Tử, cho đến nay Trung Quốc không chỉ phát triển mạng lưới thuỷ điện khổng lồ trên toàn quốc mà còn mở rộng đầu tư vào các dự án ở khắp các khu vực trên thế giới từ châu Phi đến Đông Nam Á, Mỹ Latinh...
Trung Quốc lợi cả trước mắt lẫn lâu dài
Theo PGS Nguyễn Huy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, năm nay lần đầu tiên đầu tư ra hải ngoại của Trung Quốc vượt FDI từ nước ngoài vào thị trường nội địa. Trung Quốc muốn tìm kiếm lợi nhuận và chuyển lao động, dây chuyền sản xuất sang các nước. Việc Trung Quốc đầu tư mở rộng xây dựng các nhà máy thuỷ điện ra các khu vực trên thế giới cũng không nằm ngoài mục đích trên.
"Trung Quốc cung cấp cho các nước cái mà họ thiếu, đó chính là tài chính. Cái gọi là tài trợ của Trung Quốc thực ra là cho vay vốn với lãi suất thấp. Đổi lại, họ được rất nhiều. Khi Trung Quốc đã trúng thầu thì họ sẽ đảm nhận việc cung cấp thiết bị, máy móc, họ lãi nhất là ở cái này. Ngoài ra, đã đầu tư vào thuỷ điện phải sử dụng một lượng lớn chuyên gia kỹ thuật, công nhân phục vụ cho việc xây dựng, Trung Quốc sẽ xuất khẩu luôn cả lao động. Ngoài ra, cá biệt họ có thể có mục đích chính trị. Ví dụ như các dự án trên sông Mekong".
Đập thủy điện tại sông Zangmu ở Tây Tạng
Đập thủy điện tại sông Zangmu ở Tây Tạng, Trung Quốc
Đồng quan điểm với ông Quý, Ths Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới cho rằng, Trung Quốc đang trong quá trình thay đổi cấu trúc nền kinh tế và những tư liệu sản xuất như sắt thép, xi măng... bị dư thừa rất nhiều. Việc Trung Quốc đầu tư vào các dự án thuỷ điện hay lĩnh vực khác ở nước ngoài chính là đã làm một công đôi việc: tạo dấu ấn của Trung Quốc ở các nước, tiêu thụ hết những mặt hàng ế ẩm nói trên.
"Khi Trung Quốc cho nước ngoài vay ODA với lãi suất tương đối rồi thì họ chẳng cần ràng buộc gì nhiều mà chỉ cần tiêu thụ hết đống hàng ế kia. Còn với nước nào mà Trung Quốc thấy cần chi phối thì họ có thể cho vay với lãi suất rất thấp kèm theo những ràng buộc, thậm chí nếu như Trung Quốc thấy có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống chính trị để nay mai kiếm lợi nhiều hơn thì họ sẵn sàng cho luôn. Bên trong những dự án Trung Quốc đưa vào các nước nhìn bên ngoài có thể thấy rất rộng rãi, thoải mái nhưng thực chất bên trong có thể đã có sự mặc cả. Mọi thứ cuối cùng đều phải đem lại lợi ích cho Trung Quốc", ông Sơn chỉ rõ.
Đối với những công trình thuỷ điện trong nước của Trung Quốc, hai vị chuyên gia đều cho rằng, chúng có tác động lớn đến các nước xung quanh. Riêng tại thượng nguồn sông Mekong, Trung Quốc dự kiến làm 11 đập, trong đó đã xây xong 6 thủy điện, có dự án rất lớn như: Mãn Loan 1.500 MW, Tiểu Loan 4.200 MW và đặc biệt đã có dự án cực lớn là Nọa Trác Độ 5.860 MW...
Mới đây nhất, vào tháng 11/2014, Trung Quốc đã chính thức vận hành nhà máy thủy điện lớn nhất Tây Tạng, thuộc vùng núi Himalaya, nằm trên sông Yarlung Zangbo (phía Ấn Độ gọi là Brahmaputra). Trạm thủy điện Zangmu nằm ở độ cao 3.300m so với mực nước biển. Công trình này đã tiêu tốn 9,6 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,6 tỷ USD), dự kiến sẽ cao 116m khi chính thức hoàn thành và có tổng công suất lên đến 510.000KW.  
"Những đập thuỷ điện này làm thay đổi toàn bộ hệ thống sinh thái dọc theo các con sông lớn. Một khi dòng nước thay đổi sẽ kéo theo tất cả những thứ khác như môi trường, giao thông, bố trí dân cư... cũng thay đổi theo. Các nước sẽ phụ thuộc vào nguồn nước của Trung Quốc", PGS Nguyễn Huy Quý nhìn nhận.
Chủ nhà phải tự tính toán
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc cho rằng, các nước nhận đầu tư của Trung Quốc nếu ở mức vừa phải thì sẽ có lợi nhưng nếu quá mức cần thiết thì nguy cơ phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc rất rõ ràng. Một nhà máy thuỷ điện do Trung Quốc đầu tư thì sẽ phải dùng kỹ thuật, máy móc của Trung Quốc, chuyên gia, công nhân của Trung Quốc và về sau này cũng phải nhập phụ tùng thay thế từ Trung Quốc. Ngay cả ngành xây dựng thuỷ điện của nước sở tại cũng khó mà cạnh tranh được với Trung Quốc.
"Công nghiệp địa phương ở các nước châu Phi đã không thể ngóc đầu lên được do sự cạnh tranh của Trung Quốc, bài học đó đã có từ lâu. Đặc biệt, ngoài việc cho các nước vay với lãi suất thấp, Trung Quốc còn viện trợ không hoàn lại. Nhưng khác với Mỹ và các phương Tây kiểm tra chặt chẽ xem tiền của họ có được sử dụng đúng mục đích hay không và yêu cầu báo cáo minh bạch, Trung Quốc không bao giờ kiểm tra, họ chỉ trao tay và hoàn toàn để nước sở tại muốn làm gì thì làm. Sự lỏng lẻo của Trung Quốc khiến một bộ phận lãnh đạo các nước rất thích vì nó tạo điều kiện cho người ta tham nhũng", PGS Nguyễn Huy Quý phân tích. 
Trong thời đại toàn cầu hoá, tất cả các nền kinh tế đều phụ thuộc vào nhau, phải dựa vào nhau để phát triển, tuy nhiên, theo ông Quý, với các nước yếu kém về mặt nhân lực, kỹ thuật và vốn, khi hợp tác với Trung Quốc đành phải chấp nhận một số thiệt thòi và cái giá phải trả khi nhận đầu tư của Trung Quốc. Về lâu dài, họ sẽ bị lệ thuộc vào Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Bùi Ngọc Sơn thẳng thắn, các nước bắt buộc phải tự nhận thức được những thứ Trung Quốc muốn ở họ có hại cho đất nước hay không để ngăn chặn. 
"Trung Quốc có thể cho vay vốn với lãi suất thấp nhưng lại yêu cầu một mảnh đất ở một vị trí quan trọng gây nguy hại cho quốc gia sở tại. Nếu trong điều khoản ký kết nước đó không nhận ra thì sau này họ phải lãnh hậu quả về an ninh, kinh tế, môi trường. Các nước phải tự biết mình cần gì, Trung Quốc cần gì, từ đó đưa ra quyết định nhận hay không nhận đầu tư của Trung Quốc. Đây là một cuộc mặc cả, thuận mua vừa bán. Chẳng ai cho không cái gì, nhất là Trung Quốc càng không có chuyện đó. Ngay cả một số dự án của các tổ chức tài chính quốc tế lớn khi thực hiện ở châu Phi cũng vấp phải chỉ trích rằng họ chỉ muốn giữ việc cho các nhóm  tư vấn của mình còn chẳng quan tâm gì đến lợi ích của các nước đó, Trung Quốc cũng có thể như thế".
Ông Sơn cũng khẳng định, các dự án Trung Quốc đầu tư ra ngoài đều nằm trong chiến lược mở rộng tầm ảnh hưởng của nước này. Đó là chuyện đôi bên cùng có lợi, còn thiệt hay không là do sự mặc cả của nước sở tại, kém cỏi, tham nhũng thì để phụ thuộc.
Thứ Hai, 15/12/2014 07:50
Thành Luân

No comments:

Post a Comment