Monday, December 1, 2014

Trung Quốc: Quân đội phục vụ đất nước hay cho Đảng Cộng sản?

 Li Wenlong 2 Tháng Mười Hai , 2014

Quân đội Trung Quốc hét to trong cuộc diễu hành tại Bắc Kinh ngày 7/7/2014. Một cuộc tranh luận đang nổ ra bên trong lực lượng quân đội Trung Quốc về việc liệu nó phục vụ Đảng Cộng sản Trung Quốc hay phục vụ quốc gia (Ảnh Internet)

Cuộc tranh luận đang diễn ra trong nội bộ Đảng Cộng Sản Trung Quốc, quân đội và người dân Trung Quốc về vai trò thực sự của quân đội.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây của Đài Truyền hình Phượng Hoàng (Hồng Kông), Thiếu tướng La Viên của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã kể ra những thách thức mà quân đội Trung Quốc phải đối mặt khi sự kỳ vọng của người dân thay đổi. Người dân cho rằng quân đội nên tránh xa khỏi chủ nghĩa Mao và ý thức hệ cộng sản, hạ thấp giọng điệu hung hăng đối với các quốc gia khác và ngừng dính mắc vào các cuộc xung đột trong nội bộ Đảng.
Điểm chốt yếu đằng sau những mong muốn thay đổi là người dân Trung Quốc muốn quân đội phục vụ cho đất nước chứ không phải cho Đảng Cộng Sản.
Những lời kêu gọi quốc gia hóa quân đội không chỉ đến từ người dân Trung Quốc.
Trên một ấn phẩm của Nhật báo Phương Đông (Hồng Kông), bình luận viên Peter Vương cho hay, môi trường địa chính trị toàn cầu thay đổi đang khiến các tướng lĩnh quân đội có suy nghĩ độc lập hơn. Kết quả là, các sỹ quan cao cấp ấy đã không thể tiếp tục trung thành với Đảng và các lãnh đạo mà không cần phải hỏi tại sao như họ đã và đang làm như vậy. Ông Vương cũng phỏng đoán, các quan chức cấp cao bên trong PLA có thể cũng đã thảo luận về vấn đề này.
—————————————————–

Bằng chứng xung đột về tư tưởng trong nội bộ quân đội thường được thấy trên các ấn bản của nó

—————————————————–
Gần đây, Đảng đã chống lại các quan điểm kêu gọi quốc gia hóa.
Trong bài phát biểu tại cuộc họp công tác chính trị ở tỉnh Phúc Kiến diễn ra từ ngày 30/10 đến 2/11, Chủ tịch Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã nhắc lại các nguyên tắc của Đảng lãnh đạo quân đội.
Ngày 3/11, một ngày sau buổi bế mạc của hội nghị Cổ Điền, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ – thời báoHoàn Cầu đã xuất bản một bài xã luận của Thiếu tướng La Viên với tựa đề “Quốc gia hóa quân đội sẽ dẫn đến sự đổ vỡ của Đảng và Nhà nước”.

“Quyền lực có được từ nòng súng”

Động thái phản đối của Đảng không có gì là ngạc nhiên.
Tuyên bố kinh điển về vai trò của quân đội đối với chính quyền Trung Quốc thường được trích dẫn qua một câu nói của Mao Trạch Đông: “Quyền lực có được từ nòng súng”. Theo đó, việc kêu gọi quốc gia hóa quân đội sẽ đe dọa trực tiếp đến quyền lực của Đảng.
Bằng chứng xung đột về tư tưởng trong nội bộ quân đội thường được thấy trên các ấn bản của nó, trong đó Đảng trình bày những luận điểm chống lại tư tưởng quốc gia hóa.
Hôm 13/10, trang nhất của cổng thông tin điện tử của quân đội Trung Quốc, được bảo trợ bởi Nhật báo PLA, đăng tải một bài viết trong đó cảnh báo về “chiến tranh về ý thức hệ phức tạp và nguy hiểm hơn bao giờ hết” và cáo buộc “các thế lực thù địch phương Tây” đang “cố gắng gây nhầm lẫn trong lực lượng bằng việc ủng hộ quốc gia hóa quân đội” và “giải phóng quân đội khỏi sự kiểm soát của Đảng và cuộc tranh giành quyền lực chính trị”.
Ngày 27/10, một bài xã luận tiếp tục được đăng trên trang nhất kêu gọi “tầm quan trọng của việc tuân theo mệnh lệnh của Đảng trong mọi điều kiện”.
Bài xã luận được tổng hợp từ hai bài đăng trên tạp chí hồi tháng 8, gồm một bài đăng ngày 6/8, trong đó tạp chí quân đội ĐCSTQ cảnh báo “thế lực thù địch” đang cố gắng dùng “việc quốc gia hóa quân đội” để làm lung lay quân đội, và bài viết ngày 11/8 trong đó Nhật báo PLA trích dẫn lời của Tổng cục Chính trị PLA kêu gọi quân đội “kiên quyết ngăn chặn tự do chính trị”.

Quan điểm quốc tế về việc quốc gia hóa quân đội

Các luận điểm về việc quốc gia hóa quân đội được xuất bản hầu hết trên các tạp chí truyền thông nước ngoài.
Trưởng ban biên tập của tạp chí Triển vọng Trung Quốc (Mỹ), ông Trần Khuê Đức đã chỉ ra, trong thế kỷ 21, ĐCSTQ là cơ quan cầm quyền duy nhất trên thế giới công khai phản đối quốc gia hóa quân đội.
Ông Trần chỉ ra, ngay cả ở Trung Quốc, lập trường như vậy là vi phạm hiến pháp, trong đó quy định: “Các lực lượng vũ trang của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thuộc về nhân dân”.
Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) trích dẫn bình luận của Trưởng ban biên tập của tạp chí Phòng thủ Quốc tế Châu Á-Thái Bình Dương (Đài Loan), ông Trịnh Cát Văn: “Quốc gia hóa quân đội là là một tiêu chí quan trọng trong việc [nhận định] nền dân chủ của một quốc gia”.
“Nếu quân đội không thể tránh khỏi các cuộc đấu đá chính trị và để phục tùng cho một vài cá nhân hay một đảng phái, sẽ dẫn tới việc phát sinh nhiều rào cản và những vấn đề không thể tưởng tượng nổi khi đất nước hướng đến dân chủ và hiện đại hóa”.
Tào Tư Nguyên, một học giả nổi tiếng Trung Quốc đã đăng trên blog tại Đại lục một bài tổng kết nghiên cứu hiến pháp của 110 quốc gia, trong đó 84 nước quy định quân đội thuộc về nhà nước. Tại những quốc gia còn lại, nhà nước không chính thức kiểm soát toàn bộ quân đội, mặc dù hiến pháp không ghi rõ ràng về vấn đề này. Bởi vậy, việc quốc gia hóa quân đội là tiêu chuẩn toàn cầu, ông Tào kết luận.

Cuộc khủng hoảng trong nội bộ Đảng

Ngày 03/11, tại hội nghị công tác chính trị quân sự, các quan chức của PLA đã lên tiếng khẳng định sẽ trung thành tuyệt đối với Chủ tịch Tập Cận Bình. Sự kiện đánh dấu lần thứ 15 trong năm khi một số quan chức quân đội cấp cao công khai tuyên thệ trung thành lãnh đạo chế độ, vốn được coi là điều hiếm hoi trong lịch sử tồn tại của Đảng. Các nhà phân tích xem nó như dấu hiệu về cuộc khủng hoảng lớn trong nội bộ Đảng.
Quay trở lại tháng 7, Thượng tướng Lưu Á Châu đã viết trên tạp chí nổi tiếng Khứ Sự của Đảng rằng, PLA được tiếp tục giữ lại bởi sự phục tùng mù quáng, điều vốn dẫn đến sự sụp đổ của triều đại nhà Thanh.
Ông cũng đi xa hơn trong việc dự đoán chế độ sẽ “phải chịu số phận tồi tệ hơn triều đại nhà Thanh”. Một cuộc chiến quy mô lớn và kéo dài sẽ nổ ra bên trong đất nước hoặc dọc biên giới”.
Bài viết của Li Wenlong, xuất bản lần đầu trên Đài Tiếng nói Hy Vọng. Xem bài gốc tại đây.
Quan điểm được thể hiện trong bài viết này là ý kiến của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Ban biên tập Đại Kỷ Nguyên.

No comments:

Post a Comment