SÀI GÒN 30-11 (NV) - Công nhân tại các xí nghiệp sản xuất xuất khẩu bị bóc lột sức lao động bất chấp luật lệ nhưng lại không được hệ thống công đoàn và nhà cầm quyền CSVN bảo vệ.
Công nhân công ty Top One (quận Gò Vấp, Sài Gòn) đình công hồi cuối tháng 10-2014 phản đối chế độ lương bổng và bữa ăn tồi tệ.(Hình: Lao Động)
Theo một bài viết có tựa đề “Kiệt sức vì tăng ca” báo Lao Động ngày 30/11/2014 mô tả nhiều trường hợp công nhân các hãng xưởng ở Sài Gòn bị chủ nhân ép phải làm việc quá sức, bên trên số giờ làm theo luật lệ lao động của Việt Nam quy định, và không được trả tiền công tương xứng. Không những bị bắt làm quá sức quá nhiều giờ trong ngày, bữa cơm cung cấp của họ cũng rất tồi tệ, không đủ tái tạo sức lao động.
Tờ Lao Động dẫn trường hợp công nhân của công ty Ngọc Minh Tâm ở Hóc Môn ép công nhân “tăng ca ngày đêm”, có khi đến hai, ba giờ sáng, đến nỗi họ phải mang theo quần áo ngủ vài giờ ngay tại chỗ làm để kịp giờ làm sáng sớm hôm sau.
Cuối tháng 10 vừa qua, gần 1,000 công nhân công ty Top One ở Gò Vấp đã đình công vì “bắt tăng ca quá nhiều” tức từ 90 giờ đến 130 giờ/tháng suốt gần một năm qua trong khi “chất lượng bữa ăn quá kém”. Từ Thứ Hai đến Thứ Bảy, công nhân công ty này bị “tăng ca” hầu như liên tục từ 7 giờ sáng tới 21 giờ hay 22 giờ đêm mới được nghỉ.
Một trường hợp khác, báo Lao Động kể rằng “Theo trình bày của công nhân Công ty TNHH T.V (huyện Hóc Môn, Sài Gòn). Khi tuyển công nhân, công ty thỏa thuận thời gian làm việc mỗi ngày từ 7 giờ 30 đến 16 giờ 30 (tăng ca 4 buổi/tuần), hưởng lương thời gian (từ 2.9 – 3.2 triệu đồng/người/tháng, tùy tay nghề). Nếu tăng ca, công nhân được 1 suất ăn chiều và được trả phụ trội. Thế nhưng khi làm việc, Cty đã đề ra định mức và liên tục nâng lên khiến công nhân làm không kịp, buộc phải ở lại làm thêm mà không được tính tiền tăng ca.”
Tờ Lao Động dẫn lời công nhân tên Ngân: “Chúng tôi phải làm việc cật lực, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, chuyện công nhân bị ngất xỉu xảy ra như cơm bữa. Thực tình vì cuộc sống quá khó khăn, lương cơ bản ít ỏi, chúng tôi muốn tăng ca để kiếm thêm nhưng làm để mà sống, để mà ăn chứ đâu phải làm để mà chết.”
Một tuần trước đó, ngày 22/11/2014 báo Lao Động có bài viết “Rớt nước mắt với bữa ăn của công nhân”. Trong bài viết này, tờ báo thật lại một số trường hợp cho thấy “Để giảm chi phí, nhiều chủ doanh nghiệp đã không ngại ngần cắt xén bữa ăn của công nhân khiến bữa ăn của công nhân vốn đã nghèo nàn nay lại càng thêm tệ hại.”
Tờ báo dẫn lại con số thống kê của Sở Lao Động thành phố Sài Gòn cho thấy trong số gần 70 vụ đình công từ đầu năm 2014 đến nay tại địa phương, “có 28 cuộc nguyên nhân liên quan đến chất lượng bữa ăn, riêng trong tháng 10.2014, trên địa bàn thành phố đã có hai cuộc ngừng việc mà nguyên nhân vì chất lượng bữa ăn quá kém.”
Tờ báo kể lại theo lời công nhân hãng Top One ở Gò Vấp cho biết “mang tiếng là bữa ăn của công nhân có giá 15,000 đồng nhưng công nhân phải thường xuyên ăn cơm với cá thịt đã ôi thiu, rau dưa dập nát. Ăn uống kém chất lượng nhưng công nhân phải tăng ca liên tục 6 ngày trong tuần, ngày nào cũng tăng ca liên tục đến 21-22h, có khi hàng gấp phải làm thâu đêm suốt sáng.” (TN)
11-30- 2014 4:21:53 PM
No comments:
Post a Comment