Việt Hà, phóng viên RFA 2014-12-01
Thanh niên nam và nữ mặc đồng phục y tá (đặc biệt hấp dẫn) trong một chiến dịch phát bao cao su phòng chống AIDS vào Ngày Thế giới phòng chống AIDS trên các tàu điện ngầm ở thành phố Vũ Hán, của Trung Quốc, ngày 01/12/2014. AFP
Nhân ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS, 1 tháng 12 năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới công bố báo cáo mới cho thấy một số vùng trên thế giới vẫn còn tồn tại những cách biệt trong việc người dân được tiếp cận các dịch vụ điều trị và phòng chống HIV/AIDS. Nhân dịp này, Việt Hà phỏng vấn bác sĩ Yng Ru Lo, điều phối viên văn phòng các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục, bệnh viêm gan và HIV, thuộc Tổ chức Y tế Thế giới, khu vực châu Á Tây Thái Bình Dương. Trước hết nói về tình hình phòng chống và điều trị HIV/AIDS ở khu vực châu Á Thái Bình Dương trong năm qua, bác sĩ Lo cho biết:
BS. Ying Ru Lo: Hôm nay chúng ta đã đạt được những tiến bộ trong năm 2014 so với năm trước đó nhưng khi nhìn vào các số liệu thống kê, tôi thấy rằng chúng ta vẫn có những khủng hoảng. Chúng ta có những khủng hoảng vì HIV/AIDS vẫn là một khủng hoảng đối với những nhóm người có nguy cơ nhiễm bệnh cao, đặc biệt ở khu vực châu Á Thái Bình Dương. Hãy lấy ví dụ ở Manila, Philipine, 9 trong 10 trường hợp nhiễm HIV/AIDs là đàn ông có tình dục đồng giới hay như ở Bangkok, Thái Lan, cứ 3 người đàn ông có tình dục đồng giới thì có 1 người dương tính với HIV, phần lớn các trường hợp có HIV/AIDS ở Trung Quốc là ở đàn ông có tình dục đồng giới. Đây là điều mà chúng tôi cũng thấy ở nhiều vùng khác trên thế giới thậm chí vùng hạ Sahara nơi mà bây giờ chúng tôi cũng đã có số liệu thống kê. Chúng tôi không thấy nhiều đầu tư cho những nhóm người có nguy cơ cao này trong dân số. Những nhóm có nguy cơ cao quan trọng này bao gồm đàn ông có tình dục đồng giới, người chuyển giới, người tiêm thuốc gây nghiện và người hoạt động trong công nghiệp tình dục. Hò tiếp tục bị coi là vi phạm pháp luật, bị truy tố, bị phân biệt và vì vậy họ phải ẩn mình và do đó họ không tiếp cận được những dịch vụ bảo vệ và điều trị bệnh cho mình.
HIV/AIDS vẫn là một khủng hoảng đối với những nhóm người có nguy cơ nhiễm bệnh cao, đặc biệt ở khu vực châu Á TBD. Hãy lấy ví dụ ở Manila, Philipine, 9 trong 10 trường hợp nhiễm HIV/AIDs là đàn ông có tình dục đồng giới hay như ở Bangkok, Thái Lan, cứ 3 người đàn ông có tình dục đồng giới thì có 1 người dương tính với HIVBS. Ying Ru Lo
Việt Hà: Theo báo cáo mới đây của WHO, chỉ có khoảng 1/3 trong số những người nhiễm HIV/AIDS ở các nước có thu nhập thấp và trung bình được tiếp cận với thuốc điều trị ART. Vậy ngoài nguyên nhân phân biệt như bác sĩ đã nói, còn nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng này?
BS. Ying Ru Lo: phân biệt và quy định của luật pháp đã khiến những nhóm người quan trọng này trong dân số không được tiếp cận với điều trị HIV/AIDS vì theo luật ở đây họ đã vi phạm luật pháp. Cũng như ở nhiều vùng khác trên thế giới, nhứng nhóm người này ở châu Á bị đẩy vào việc phải che giấu mình, và không tiếp cận các dịch vụ điều trị. Điều này là đáng tiếc ở châu Á vì còn nhiều điều phải làm với HIV/AIDS. Hãy để tôi bắt đầu bằng những tin tốt, ví dụ vào giữa những năm 1990, Campuchia phải đối mặt với dịch HIV gia tăng có thể nói là nhanh nhất ở châu Á và bây giờ những người nhiễm mới HIV ở nước này đã giảm hơn 20 lần và họ đang trên đường để xóa bỏ những ca nhiễm mới HIV ở châu Á. Tuy nhiên vẫn phải nói là những nhóm người nhiễm HIV/AIDS chính ở châu Á vẫn là những người đàn ông có tình dục đồng giới, người hoạt động trong công nghiệp tình dục và người tiêm thuốc gây nghiện. Càng nhiều những người nhiễm ở những nhóm người này thì càng khó để đề cập đến vấn đề này. Một nguyên nhân nữa phải nói đến là đầu tư cho những người này ở châu Á là rất thấp. Những nỗ lực trên toàn thế giới phối hợp với các nhóm xã hội dân sự như đối với những người nghiện thuốc chẳng hạn vẫn còn hạn chế. Nếu chúng ta tiếp tục phối hợp với các nhóm dân sự, với các nhóm hoạt động cho người có tình dục đồng giới, như chúng ta đã làm trong suốt 30 năm qua thì những nỗ lực này có thể được gia tăng ở châu Á.
Việt Hà: Bác sĩ có nói đến Campuchia là nước đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc phòng chống và điều trị HIV/AIDS mặc dù nước này nằm trong số các nước có thu nhập thấp. Bài học nào mà các nước khác trong khu vực có thể học được từ Campuchia?
BS. Ying Ru Lo: Campuchia có lãnh đạo tốt và có sự cam kết về chính trị cao đối với HIV/AIDS. Họ rất sáng tạo trong điều trị và phòng chống HiV/AIDS. Họ áp dụng chương trình chung chống HIV/AIDS đối với những người hoạt động trong công nghiệp tình dục vốn được bắt đầu từ Thái Lan nhưng Campuchia đã áp dụng theo cách để ngăn chặn và kiểm soát HIV trong công nghiệp tình dục. Khi các dịch vụ điều trị sẵn có, họ phân quyền về tận các phường xã để đạt được mức độ bao phủ điều trị cao.
Việt Hà: Trong hướng dẫn mới của WHO, những người có nguy cơ bị nhiễm HIV được khuyên nên sử dụng thuốc ART để phòng chống nhiễm virut do phơi nhiễm. Liệu các nước ở khu vực châu Á Thái Bình Dương có gặp khó khăn nào trong việc thực hiện hướng dẫn này khi mà họ vẫn còn những khủng hoảng như bác sĩ vừa đề cập?
BS. Ying Ru Lo: tôi vẫn còn nhớ rất rõ khi tôi tham gia vào WHO ở châu Á vào năm 1998, một trong những điều quan trọng nhất là làm sao đưa điều trị đến cho mọi người. Vào lúc đó có rất ít người ở châu Á tiếp cận được thuốc điều trị ART, bây giờ thì có gần 11,6 triệu người tiếp cận với ART. Tin tốt mà bây giờ chúng ta biết được là ART không chỉ tốt trong điều trị người đã nhiễm HIV mà còn có tác dụng ngăn chặn với những người âm tính với virut HIV. Nói ví dụ tôi là bác sĩ điều trị và bị phơi nhiễm với HIV và tôi có thể dùng ART trong một thời gian quy định nhất định và nó có tác dụng ngăn chặn việc nhiễm HIV ở mức độ cao. Điều tương tự cũng áp dụng đối với những người có tình dục không được bảo vệ hoặc do tai nạn trong quan hệ tình dục như bao cao su bị thủng. Người bị phơi nhiễm có thể dùng điều trị này ngay sau phơi nhiễm. Thuốc ART cũng có thể áp dụng cho những người trước khi bị phơi nhiễm. Ví dụ như theo hướng dẫn mới của WHO, những người có nguy cơ cao như đàn ông có tình dục đồng giới mà không sử dụng bao cao su thì có thể sử dụng thuốc trước và sau phơi nhiễm.
Việt Hà: với phương pháp này, hiệu quả của việc ngăn chặn bệnh là thế nào?
BS. Ying Ru Lo: không phương pháp ngăn chặn nào có tỷ lệ tuyệt đối. Nó phụ thuộc vào sản phẩm mà người ta dùng. Ví dụ người ta dùng bao cao su để bảo vệ liên tục giữa một người âm tính với HIV với một người dương tính với HIV thì tỷ lệ bảo vệ là trên 80%. Nếu dùng ART trước phơi nhiễm trong trường hợp quan hệ tình dục giữa một người âm tính và một người dương tính với HIV, nó phụ thuộc vào việc người đó tuân thủ liều dùng thế nào, tức là nếu người đó không bỏ liều nào thì tỷ lệ bảo vệ có thể là 70, 80 hay 90%.
Không phương pháp ngăn chặn nào có tỷ lệ tuyệt đối. Nó phụ thuộc vào sản phẩm mà người ta dùng. Ví dụ người ta dùng bao cao su để bảo vệ liên tục giữa một người âm tính với HIV với một người dương tính với HIV thì tỷ lệ bảo vệ là trên 80%BS. Ying Ru Lo
Việt Hà: Mục tiêu mà WHO đặt ra cho khu vực châu Á Thái Bình Dương trong việc phòng chống HIV/AIDS sắp tới là gì và đâu là những thách thức mà các nước phải đối mặt trong việc đạt được mục tiêu đề ra?
BS. Ying Ru Lo: con số mục tiêu được đưa ra là đến 90% người nhiễm được điều trị chậm nhất đến năm 2030. Thách thức mà chúng ta đang đối mặt là nguồn quỹ cho HIV đang giảm xuống, bao gồm các đầu tư cho HIV ở những nhóm người có nguy cơ cao nhiễm HIV ở châu Á, châu Âu, Mỹ latin,… có nhiều phân biệt đối với các nhóm người này vì quy định luật. Cũng bởi vậy mà không có đủ đầu tư trong các dịch vụ điều trị cho các nhóm người này. Đó là điều mà chúng ta đang phải đối mặt. Tại châu Á chúng tôi đang làm việc với các nhóm xã hội dân sự, những nhóm người nhiễm HIV, và với cách làm việc phối hợp này chúng tôi hy vọng có thể làm giảm những phân biệt đối xử dành cho những nhóm người có nguy cơ cao vốn rất cần có sự can thiệp.
Việt Hà: Bác sĩ nói đến việc đầu tư cho HIV/AIDS trong khu vực đang giảm xuống. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
BS. Ying Ru Lo: đó là một câu hỏi quan trọng. Theo tôi đó là một tổng hợp của nhiều yếu tố. ở vùng châu Á Thái Bình Dương, nhiều nước đang trở thành các nước có thu nhập trung bình và những nước từ thu nhập trung bình thấp lên thu nhập trung bình cao hơn, và vì vậy những nhà tài trợ miễn cưỡng hơn trong việc tiếp tục đầu tư vào nỗ lực này. Mặt khác những khó khăn và khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng ảnh hưởng đến đầu tư trong lĩnh vực này. Đó là lý do chính. Thêm một lý do nữa là HIV/AIDS đã ở trong chương trình phòng chống một thời gian dài và các nhà tài trợ có xu hướng nhìn vào những thách thức mới. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh là chúng ta đã đặt ra một mục tiêu lớn và đạt được những tiến bộ nhưng nếu chúng ta vẫn muốn tiếp tục duy trì những gì đã đạt được thì chúng ta cần phải làm mới những tập trung và đầu tư vào phòng chống HIV/AIDS vượt qua năm 2015. Đối với khu vực châu Á Thái Bình Dương, chúng ta cần tập trung hơn vào những nhóm người có nguy cơ cao và đảm bảo môi trường nhân quyền cho họ để đảm bảo có sự tiếp cận đầy đủ đối với các dịch vụ điều trị cho những người cần điều trị.
Việt Hà: Xin cảm ơn bác sĩ đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.
No comments:
Post a Comment