Monday, December 1, 2014

Thực chất sự 'trỗi dậy hòa bình' của Trung Quốc...

(Baodatviet) - Bộ Quốc phòng Trung Quốc lên tiếng không có kế hoạch lập căn cứ quân sự ở nước ngoài, họ đang thực bụng hay lừa phỉnh?

Thời gian vừa qua, Trung Quốc bị nhiều cáo buộc từ nước ngoài, đặc biệt từ Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ... về việc Bắc Kinh đang tích cực xây dựng các căn cứ quân sự ở nước ngoài.
Cụ thể, Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc đang gia tăng sức ảnh hưởng của mình trên vùng biển Ấn Độ Dương. Mục đích của Trung Quốc là thực hiện chiến lược "dải ngọc trai" nhằm kiểm soát sự phát triển của Ấn Độ và thực hiện tham vọng khống chế vùng biển then chốt của tuyến hàng hải Đông - Tây.
Đáp lại những cáo buộc này, ngày 28/11, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, người phát ngôn Geng Yansheng đã phủ nhận hoàn toàn những cáo buộc của các nước. Ông Geng nói: "Hiện tại, Trung Quốc không có kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự ở nước ngoài."
Trước câu hỏi trong điều kiện nào Bắc Kinh sẽ điều động tàu chiến và binh lính ra ngoài lãnh thổ, ông Geng trả lời: "Trung Quốc sẽ làm như vậy nếu thấy cần thiết và an ninh của quốc gia bị đe dọa. Ngoài ra, Bắc Kinh không đe dọa bất kỳ quốc gia nào."
Tuy nhiên, thực tế đang chứng minh ngược những gì Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói. Bắc Kinh đang theo đuổi một chiến lược dài hơi nhằm thao túng các điểm trọng yếu về địa chính trị thông qua các dự án đầu tư về cơ sở vật chất tại quốc gia bản địa đó.
Ấn Độ đã dẫn chứng ra một số điểm nóng mà thế giới cần chú ý. Tháng 1/2013, Pakistan đã chấp nhận chuyển quyền kiểm soát cảng Gwadar ở biển Arab từ một công ty của Singapore cho công ty quốc doanh của Trung Quốc mang tên Overseas Port Holdings Limited.
Cảng Gwadar tại Pakistan đang thuộc sự quản lý của một công ty quốc doanh Trung Quốc
Cảng Gwadar tại Pakistan đang thuộc sự quản lý của một công ty quốc doanh Trung Quốc
Ấn Độ nhấn mạnh công ty quốc doanh này là cánh tay vươn dài để Bắc Kinh thâu tóm cơ sở vật chất chiến lược ở vùng biển quan trọng này nhằm kiểm soát đường hàng hải và năng lượng. Nó cũng là bàn đạp để Trung Quốc có thêm những thỏa thuận xây dựng căn cứ hải quân tại biển Arab. Mối quan hệ ngày càng nồng thắm giữa Trung Quốc và Pakistan khiến Trung Quốc dễ dàng đạt được điều đó.
Năm 2012, Trung Quốc đầu tư cho Sri Lanka vay 450 triệu USD xây dựng một cảng nước sâu ở Hambantota, phía nam quốc gia này. Năm 2013, Trung Quốc cho vay thêm 500 triệu USD để xây dựng cảng biển ở thủ đô Colombo.
Tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản đã liệt kê danh sách một loạt các nước mà Trung Quốc có cổ phần hoặc đầu tư chính (thực tế là kiểm soát) ở các cảng biển quan trọng, thậm chí là chiến lược. Bao gồm: Seychelles, Mauritius, Maldives, Sri Lanka, Bangladesh, Campuchia... Và Bắc Kinh có khả năng cao đạt được đàm phán với chính quyền sở tại về việc xây dựng căn cứ hải quân trong tương lai.
Những động thái đó được tờ Yomiuri Shimbun phân tích, trong tương lai gần, Bắc Kinh dễ dàng thành lập một chuỗi căn cứ quân sự bao vây Ấn Độ và kiểm soát tuyến hàng hải từ Đông sang Tây, thông qua Ấn Độ Dương.
Chưa dừng ở Ấn Độ Dương, tờ Japan Business Press có bài đăng về việc mục đích thực sự của việc xây dựng cảng nước sâu lớn nhất Đông Bắc Á trên lãnh thổ của Nga ở vùng Biển Nhật Bản. Với Nga, đây đơn thuần là lợi ích kinh tế khi họ có thể dễ dàng vận chuyển dầu khí từ vùng Siberia tới Đông Á. Nhưng với Trung Quốc, ngoài việc gia tăng giá trị hàng hóa, Bắc Kinh đang chuẩn bị xây dựng một quân cảng ở đây, có khả năng đánh tập hậu Nhật Bản từ phía Bắc.
Tàu ngầm Type 039 của Trung Quốc thăm Sri Lanka làm dấy lên lo ngại về một căn cứ tàu ngầm trong tương lai
Tàu ngầm Type 039 của Trung Quốc thăm Sri Lanka làm dấy lên lo ngại về một căn cứ tàu ngầm trong tương lai
Chiến lược thâu tóm cơ sở vật chất nhằm kiểm soát kinh tế toàn cầu và xây dựng thế lực quân sự của Bắc Kinh không chỉ dừng lại ở các tuyến hàng hải, mà còn áp dụng với những tuyến đường sắt.
Những năm gần đây, đường sắt Trung Quốc nổi lên như một hiện tượng trên thế giới. Họ liên tiếp đạt được các hợp đồng trị giá nhiều tỷ USD ở các nước thuộc top đầu tàu kinh tế của mỗi khu vực, như Nigeria của châu Phi, Nga của châu Âu, Mexico của Mỹ Latinh...
Tờ Railyway đã từng có bài viết về việc những tuyến đường sắt của Bắc Kinh là "giấy thông hành" để chi phối kinh tế nước ngoài. Từ việc chi phối huyết mạch giao thông kinh tế, Bắc Kinh có thể triển khai tới việc chi phối huyết mạch quốc phòng, quân sự.
Cụm từ “chuỗi ngọc trai” được sử dụng lần đầu tiên trong một tài liệu của Lầu Năm Góc vào năm 2004, có ý chỉ một mạng lưới căn cứ hải không quân trên khắp thế giới.
Trung Quốc luôn cố chứng tỏ rằng việc nước này trở thành nền kinh tế số 1 trên thế giới trong tương lai sẽ không đe doạ đến quyền lợi của bất cứ quốc gia hay khu vực nào. Tuy nhiên, sau những lời lừa phỉnh đó, tham vọng và những gì Trung Quốc đang thực hiện ở Biển Đông, Hoa Đông hay biên giới với Ấn Độ đủ để hiểu sự "trỗi dậy hòa bình" của họ thực chất là gì.
  • Đỗ Phong (Tổng hợp)
Thứ Hai, 01/12/2014 07:16

No comments:

Post a Comment