PHNOM PENH (NV) .- Ông Nguon Koeun, một thiếu tướng cảnh sát của Campuchia vừa cho biết sẽ đáp ứng yêu cầu của Việt Nam, trục xuất những người thiểu số đang lánh nạn ở Campuchia.
Một khu tái định cư cho những người thiểu số bị mất nhà, mất đất vì các dự án thủy điện ở Tây Nguyên. Phần lớn những khu tái định cư này bị bỏ hoang vì chất lượng quá tồi tệ, dân chúng không chịu ở. (Hình: Lao Động)
Việt Nam đã gửi một danh sách ghi tên 16 người thiểu số, cư trú tại Tây Nguyên, tháng trước đã chạy sang Campuchia lánh nạn và đề nghị Campuchia bắt giữ, trục xuất những người thiểu số này. Báo chí Campuchia cho biết, cả 16 người đang tạm trú tại vùng Lumphat, thuộc tỉnh Ratanakkiri. Một tỉnh nằm ở phía Bắc Campuchia.
Tuy tuyên bố sẽ thực hiện yêu cầu của Việt Nam, song tướng Koeun phủ nhận thông tin cho rằng, cảnh sát Campuchia đã bắt giữ 16 người thiểu số này.
Trước thông tin vừa kể, bà Vivian Tan, một nhân viên của Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) tại Campuchia, cho biết, UNHCR đang làm việc với chính quyền Campuchia để xác định 16 người mà Việt Nam đề nghị Campuchia trục xuất có hội đủ điều kiện để được xem là người tỵ nạn hay không.
Theo bà Tan, UNHCR đã khuyến cáo Campuchia khoan trục xuất những người này vì có thể họ sẽ gặp nguy hiểm khi bị trả về Việt Nam. Tướng Sok Phal, nhân vật đứng đầu Văn phòng Di trú của Bộ Nội vụ Campuchia, vừa khẳng định, chỉ chính phủ Campuchia mới quyết định 16 người thiểu số vừa kể có phải là người tỵ nạn hay không.
Xưa nay, Campuchia vẫn là nơi mà nhiều người thiểu số ở Tây Nguyên chạy sang lánh nạn khi bị chế độ Hà Nội đàn áp vì không chịu từ bỏ niềm tin tôn giáo của họ và tranh đấu đòi quyền sống.
Các nghiên cứu của một số chuyên gia khoa học xã hội tại Việt Nam nhiều lần khẳng định, những sắc tộc bản địa ở Tây Nguyên không còn không gian sinh tồn riêng và rất nghèo khổ vì bị tước đoạt đất đai. Nam ngoái, một báo cáo của Ủy ban Dân tộc thuộc nhà cầm quyền CSVN xác nhận, tại Tây Nguyên hiện có hơn 20,000 gia đình thiếu cả đất để ở lẫn đất canh tác.
Người thiểu số ở Tây Nguyên đã nổi dậy hai lần. Ngoài lần đầu tiên vào năm 2001 và sau đó có hàng ngàn người vượt biên sang Cambodia xin tị nạn chính trị, họ còn đồng loạt nổi dậy thêm một lần nữa vào tháng 4 năm 2004.
Hiệp hội người thiểu số Việt Nam tại Hoa Kỳ đã nhiều lần lên tiếng tố cáo về việc nhà cầm quyền CSVN đang giam giữ từ vài trăm đến hàng ngàn người thiểu số tham gia các cuộc nổi dậy này. Đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp để những tù nhân đó không “chết dần, chết mòn” trong tù.
Tuy chế độ Hà Nội đã đề ra nhiều chính sách, kế hoạch để ngăn chặn, hóa giải bất ổn song các chuyên gia nhận định, những chính sách, kế hoạch đó “chồng chéo, phân tán, không phù hợp với đặc điểm của từng sắc tộc”. Nguồn lực đầu tư phát triển từ các chính sách, kế hoạch mang tầm vóc quốc gia khi xuống đến các địa phương chỉ còn là những công việc “vụn vặt” để lấy “thành tích”.
Năm ngoái, Bộ Công an CSVN đã dùng các vụ nổi loạn của người thiểu số ở vùng Tây Bắc Việt Nam và Tây Nguyên để vận động Ủy ban Thường vụ của Quốc hội gia tăng đầu tư cho cảnh sát cơ động – lực lượng vũ trang của công an, chuyên thực hiện nhiệm vụ trấn áp.
Ngoài trang bị cá nhân, hơn hẳn quân nhân, năm ngoái, cảnh sát cơ động được trang bị thêm cả B.40, xe bọc thép. Qua “Pháp lệnh Cảnh sát cơ động”, Ủy ban Thường vụ của Quốc hội CSVN còn cho phép lực lượng này mua phi cơ, tàu thủy và “nổ súng trấn áp bạo loạn, tụ tập đông người phá rối an ninh”. (G.Đ)
12-01-2014 1:06:14 PM
No comments:
Post a Comment