Ông Nguyễn Văn Hiện, chủ nhiệm Ủy Ban Tư Pháp Quốc Hội, nhận định, tham nhũng vẫn xảy ra ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương. Ðặc biệt nghiêm trọng là tham nhũng trong lĩnh vực tài chính công, ngân hàng, tín dụng đã gây thất thoát rất lớn tài sản nhà nước.
Phiên xử bà Huỳnh Thị Huyền Như (nhân vật thứ hai tính từ bên phải), gây thiệt hại cho công quỹ khoảng 4,000 tỉ. (Hình: Dân Việt)
Ông Hiện đưa ra một số vụ án gần đây để chứng minh cho nhận định của ông: Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như gây thất thoát khoảng 4,000 tỉ. Vụ án Dương Chí Dũng gây thiệt hại 370 tỉ đồng riêng trong việc mua ụ nổi 38M...
Ông Hiện cho rằng, việc đình chỉ điều tra nhiều vụ án và bị can, cũng như việc miễn trách nhiệm hình sự có dấu hiệu tiêu cực, áp dụng chưa đúng quy định pháp luật. Việc thay đổi sang tội danh nhẹ hơn vẫn còn xảy ra.
Chủ nhiệm Ủy Ban Tư Pháp Quốc Hội Việt Nam nói thêm, nhiều vụ tham nhũng có dấu hiệu rất rõ ràng nhưng chỉ kỷ luật với lý do kẻ phạm tội đã khắc phục hậu quả khiến dân chúng bất bình. Việc thu hồi, xử lý tài sản trong các vụ tham nhũng vẫn chỉ đạt tỷ lệ rất thấp.
Thời gian vừa qua, Bộ Công An trực tiếp điều tra một số vụ tham nhũng, gây tổng thiệt hại lên tới 2,550 tỉ nhưng chỉ thu hồi được 909 tỉ. Các vụ tham nhũng khác do cơ quan điều tra cấp dưới thực hiện cũng chỉ thu hồi được 1,500 tỉ, chưa đến một phần ba số thiệt hại do các vụ tham nhũng này gây ra là 6,740 tỉ.
Báo cáo trước Quốc Hội, ông Huỳnh Phong Tranh, tổng thanh tra chính phủ, thú nhận, tình trạng tham nhũng “phức tạp” và “càng ngày càng tinh vi, khó phát giác do các viên chức tham nhũng có chức vụ, hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích.” Tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán gây thất thoát lớn tài sản nhà nước cũng chưa thể ngăn chặn.
Ðáng lưu ý là theo ông Tranh, sự bất bình của dân chúng đối với hệ thống công quyền đang gia tăng, thể hiện rất rõ qua số lượt khiếu nại. Chín tháng vừa qua, hệ thống công quyền đã tiếp khoảng 371,000 lượt khiếu nại, tố cáo, gửi kiến nghị, trong đó có 4,732 đoàn người.
Căn bệnh trầm kha khiến tham nhũng vẫn hoành hành tại Việt Nam được xác định là kỷ cương lỏng lẻo. Việc kiểm soát thông qua giám sát, thanh tra, điều tra chưa tương xứng với yêu cầu. Chưa có giải pháp hữu hiệu để thanh lọc, loại bỏ hoặc trừng trị các viên chức tham nhũng, thậm chí còn bao che, dung túng (G.Ð.)
10-20- 2014 3:35:02 PM
No comments:
Post a Comment