Tuesday, October 21, 2014

Hồng Kông chưa phá vỡ bế tắc

Đặc khu trưởng Hồng Kông Lương Chấn Anh tuyên bố vẫn có cách để ủy ban phụ trách lựa chọn ứng viên cho cuộc bầu cử năm 2017 “dân chủ hơn”

5 quan chức chính quyền và 5 thủ lĩnh sinh viên ở Hồng Kông đã có cuộc gặp đầu tiên hôm 21-10 trong nỗ lực tìm giải pháp cho cuộc biểu tình đòi cải cách bầu cử kéo dài hơn 3 tuần qua.

Cuộc gặp diễn ra tại Học viện Y khoa dưới sự chủ trì của ông Trịnh Quốc Hán, Hiệu trưởng Trường ĐH Lĩnh Nam. Theo yêu cầu của các thủ lĩnh sinh viên, cuộc đàm phán được phát sóng trực tiếp. Một số màn hình lớn được dựng ngoài trời để đám đông biểu tình có thể theo dõi nội dung trao đổi giữa hai bên.

Tại cuộc đối thoại kéo dài 2 giờ, hai bên đã trao đổi quan điểm và thảo luận về cải cách Luật Cơ bản của Hồng Kông, trong đó có cách thức bầu lãnh đạo Đặc khu hành chính này vào năm 2017. Tuy nhiên, cuộc gặp không mang lại kết quả đột phá nào do hai bên vẫn còn khoảng cách khá xa về lập trường.

Đại diện sinh viên (trái) và chính quyền Hồng Kông (phải) gặp nhau hôm 21-10 Ảnh: Reuters
 Đại diện sinh viên (trái) và chính quyền Hồng Kông (phải) gặp nhau hôm 21-10 Ảnh: Reuters

 Chu Vĩnh Khang, Tổng Thư ký Hiệp hội Sinh viên Hồng Kông (HKFS), cho rằng một ủy ban đề cử không công bằng sẽ chỉ làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo ở Hồng Kông, tiếp tục phục vụ lợi ích của các tập đoàn kinh doanh và tước đoạt quyền lợi chính trị của hàng triệu người đang sống trong cảnh nghèo.

Đáp lại, theo báo South China Morning Post, Tổng Thư ký quản trị Lâm Trịnh Nguyệt Nga tái khẳng định Hồng Kông là Đặc khu hành chính thuộc Trung Quốc chứ không phải là quốc gia độc lập, đồng thời nhấn mạnh rằng sự phát triển của chính quyền nơi này phải tuân thủ pháp luật, phù hợp với Luật Cơ bản và không thể tự quyết định.

Cho dù hai bên không tìm được tiếng nói chung, bà Lâm vẫn đánh giá cuộc đối thoại là tích cực, đồng thời bày tỏ hy vọng nó sẽ tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, các thủ lĩnh sinh viên vẫn chưa quyết định có tiến hành vòng đối thoại thứ hai với chính quyền hay không.

Kết quả trên đúng như những gì giới phân tích nhận định trước cuộc gặp. “Không có nhiều hy vọng họ sẽ đạt được thỏa thuận nào đó bởi cả hai bên có những kỳ vọng khác nhau về cuộc đối thoại” - ông James Sung, nhà phân tích chính trị tại Trường ĐH TP Hồng Kông, cho biết.

Trong khi đó, theo đài BBC, những người biểu tình cũng biết rõ cơ hội họ có được những gì mình muốn gần như bằng không nhưng vẫn tiếp tục ở lại đường phố để cho nhà chức trách thấy đây là cuộc chiến lâu dài.

Một nguồn tin chính quyền Hồng Kông cũng thừa nhận việc cố gắng giải tán người biểu tình bằng vũ lực là không thực tế, đồng thời dự báo làn sóng biểu tình đòi cải cách bầu cử có thể tiếp tục trong ít nhất 1 tháng nữa.

Trước thềm cuộc gặp, Đặc khu trưởng Hồng Kông Lương Chấn Anh tuyên bố vẫn có cách để ủy ban phụ trách việc lựa chọn ứng viên cho cuộc bầu cử lãnh đạo Hồng Kông năm 2017 trở nên “dân chủ hơn”. Theo Reuters, phát biểu này là dấu hiệu đầu tiên cho thấy chính quyền Hồng Kông có thể nhượng bộ những người biểu tình đang phong tỏa các con đường.

Người biểu tình đòi hỏi cuộc bầu cử nói trên diễn ra hoàn toàn tự do sau khi chính phủ Trung Quốc chỉ cho phép cử tri đặc khu bỏ phiếu bầu lãnh đạo trong số 2-3 ứng viên được một ủy ban thân Bắc Kinh đề cử trước.

Hôm 20-10, ông Lương vẫn giữ lập trường cứng rắn khi cho rằng người nghèo và tầng lớp lao động sẽ có tiếng nói thống trị trong chính trị nếu chính quyền chấp nhận đòi hỏi cải cách bầu cử của người biểu tình.

“Nếu mọi chuyện chỉ là một trò chơi về con số thì rõ ràng bạn đang nói về phân nửa người dân Hồng Kông đang có thu nhập chưa đến 1.800 USD/tháng. Kết cục là bạn sẽ có một kiểu chính sách và chính trị hậu thuẫn những người này” - ông phát biểu với một số phóng viên phương Tây.

Nhà lãnh đạo Hồng Kông cũng cảnh báo về những nguy cơ của chủ nghĩa dân túy, đồng thời biện hộ cần có một hệ thống bầu cử bảo vệ thiểu số. Những tuyên bố trên có thể vấp phải sự công kích của phe đối lập, đồng thời làm tăng thêm bầu không khí căng thẳng trong cuộc đối đầu trên đường phố.

Những người chỉ trích cho rằng hệ thống chính trị ở Hồng Kông lâu nay vẫn thiên vị người giàu, dẫn đến sự chênh lệch giàu nghèo lớn nhất châu Á hiện nay. Theo Reuters, nhiều người Hồng Kông hiện không đủ khả năng mua nhà.

Thứ Ba, 23:17  21/10/2014
Hoàng Phương
Theo NLĐO

No comments:

Post a Comment