ĐĂNG KHOA - Thứ Tư, ngày 22/10/2014 - 07:35
(PL)- Trung Quốc cần phải xử lý thách thức cơ bản là vấn nạn tham nhũng.
Chính trị, kinh tế và an ninh là ba thách thức chính của Trung Quốc (TQ) trong thập niên tới. Ba thách thức này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến TQ và tác động đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương và toàn thế giới.
Nguyên Thủ tướng Úc Kevin Rudd (ảnh) (*) nhận định như trên trong bài viết đăng trên trang web CNBC của Mỹ hôm 15-10 (giờ địa phương).
Chủ tịch Tập Cận Bình có tham vọng thực hiện “giấc mơ TQ” với hai nội dung chính gồm tăng thu nhập bình quân bằng thu nhập các nước phát triển và khôi phục các giá trị cao quý của TQ.
Hai thời hạn để thực hiện là kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản TQ vào năm 2021 và kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 2049.
Nguyên Thủ tướng Kevin Rudd ghi nhận để đạt được mục tiêu này, đảng Cộng sản TQ với vai trò trung tâm cần phải xử lý thách thức cơ bản là vấn nạn tham nhũng.
Cuối tháng 7, báo chí Trung Quốc bắt đầu công khai tin ông Chu Vĩnh Khang, nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, bị điều tra vì nghi ngờ vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Ảnh: REUTERS
TQ đã phát động chiến dịch truy quét tham nhũng lớn nhất lịch sử và kết quả sẽ ảnh hưởng đến tương lai đảng Cộng sản TQ. Dĩ nhiên tương lai của đảng sẽ tác động đến chương trình cải cách kinh tế.
Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII của đảng hồi tháng 11-2013 đã đưa ra các mục tiêu cải cách kinh tế như sau:
l Chấp nhận thị trường là một nhân tố quyết định mô hình kinh tế tương lai chứ không chỉ tăng trưởng nhờ đầu tư công và các ngành xuất khẩu cần nhiều nhân công.
l Thúc đẩy tiêu dùng nội địa, tạo công ăn việc làm mới trong dịch vụ, đặc biệt ở các TP hạng II.
l Cải cách các công ty nhà nước, tạo cạnh tranh lành mạnh giữa kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân, thúc đẩy kinh tế tư nhân tiếp cận thị trường vốn.
Nguyên Thủ tướng Kevin Rudd lưu ý kinh tế châu Âu, Mỹ và Nhật vẫn mong manh. Do đó nếu TQ cải cách kinh tế thất bại, thế giới sẽ lãnh hậu quả nặng nề.
Cuối cùng, về an ninh khu vực, ông nhận định vấn đề chính khu vực và thế giới đang đối phó là nguy cơ xảy ra xung đột giữa TQ và các nước trong khu vực do leo thang chính trị, ngoại giao và quân sự.
Theo ông, các tranh chấp hàng hải ở biển Hoa Đông và biển Đông là nhân tố quan trọng dẫn đến bất ổn về chiến lược. Thực tế hiện diện quân sự ở biển Hoa Đông và biển Đông càng làm gia tăng quan ngại về rủi ro xung đột.
Ngoài ba thách thức chính này, một yếu tố nữa từ TQ có thể ảnh hưởng là môi trường và biến đổi khí hậu nếu TQ không kiểm soát hiệu quả. TQ đang là nước sản xuất khí thải lớn nhất thế giới.
Căng thẳng giữa hai nước mạnh TQ và Nhật trên biển Hoa Đông sẽ có nhiều khả năng chuyển biến giảm vì hai bên đều nhận thức và đánh giá được lợi ích của hai bên sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu xung đột xảy ra. Tuy nhiên, tình hình trên biển Đông có khác. Đây là nơi xảy ra tranh chấp giữa nước mạnh TQ và các nước ASEAN yếu hơn. Nguyên Thủ tướng Úc Kevin Rudd nhận định một khi xảy ra xung đột thì dù quy mô lớn hay nhỏ cũng sẽ làm xói mòn lòng tin kinh tế đối với khu vực.
16% là GDP của TQ trong GDP toàn cầu. Dự báo đến năm 2030, GDP của TQ sẽ tăng 28%. Nếu cải cách kinh tế không thành công, các vấn đề tăng trưởng kinh tế, việc làm, thu nhập ở TQ sẽ giảm đáng kể. Từ đó tăng trưởng, thương mại, đầu tư và lưu thông vốn trên toàn cầu cũng sẽ giảm sút.
|
ĐĂNG KHOA
No comments:
Post a Comment