Monday, October 27, 2014

Phi công cho phi cơ đáp lộn phi đạo

HÀ NỘI 26-10 (NV) - Kiểm soát không lưu hai lần ra lệnh cho phi công đáp xuống đầu 02 của phi đạo nhưng khi hạ cánh, phi công lại cho phi cơ đáp xuống… đầu 20 của phi đạo. 


Hành khách đang lên phi cơ của hãng máy bay VietJet Air. (Hình: Tuổi Trẻ)

Đó là scandal mới nhất trong lĩnh vực hàng không tại Việt Nam. Scandal này xảy ra hôm 16 tháng 10-2014 tại phi trường Cam Ranh nhưng đến cuối tuần qua mới được công bố.

Vào thời điểm phi cơ vừa kể hạ cánh, phía sau không có phi cơ nào khác và trên phi đạo mà phi công đáp lộn không có phi cơ nào đang chờ cất cánh nhưng Cục Hàng không Việt Nam thừa nhận, chuyện đáp lộn, không theo đúng huấn lệnh của kiểm soát viên không lưu vẫn “uy hiếp an ninh hàng không.”

Cả hai phi công liên quan tới scandal vừa kể làm việc cho VietJet Air và họ đã bị cấm bay. Cục Hàng không Việt Nam cho biết đang điều tra vụ này. Càng ngày càng nhiều scandal trong lĩnh vực hàng không ở Việt Nam. Những scandal này khiến người ta lo ngại vì thảm họa hàng không có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Hồi thượng tuần tháng 8, từng xảy ra chuyện hai phi cơ suýt đâm vào nhau khi đang bay phía trên Sài Gòn. Ngày 7 tháng 8, chuyến bay HVN 1203 của Vietnam Airlines bay từ Hà Nội vào Cần Thơ. Khi bay ngang khu vực thông báo bay Sài Gòn, kiểm soát không lưu ra lệnh cho phi công điều khiển chuyến bay này giảm độ cao xuống 32.000 feet để tránh một phi cơ đang bay ngược chiều.

Thay vì phải thực hiện ngay lệnh vừa kể thì phi công điều khiển chuyến bay của HVN 1203 của Vietnam Airlines cho phi cơ chuyển sang chế độ “giảm độ cao không xác định”.  Do đó, độ cao của chiếc phi cơ thực hiện chuyến bay HVN 1203 của Vietnam Airlines hạ xuống độ cao 30.000 feet, cắt ngang đường bay của một phi cơ thuộc hãng VietJet.

May mắn là hệ thống cảnh báo va chạm của cả hai phi cơ cùng tự động kích hoạt và đưa ra các khuyến cáo để cả hai phi cơ tránh va vào nhau nên thảm họa không xảy ra.

Sau khi điều tra, Cục Hàng không Việt Nam xác định, hai phi công điều khiển chuyến bay HVN 1203 của Vietnam Airlines đã “nhầm lẫn” khi sử dụng đồng hồ giảm độ cao. Sự “nhầm lẫn” này vi phạm tiêu chuẩn phân cách tối thiểu giữa các máy bay, uy hiếp cao về an toàn bay. Cả hai bị thu hồi bằng lái vô thời hạn song được hứa hẹn là nếu được huấn luyện lại, hội đủ điều kiện thì sẽ được cấp lại bằng lái.

Đáng chú ý là Cục Hàng không Việt Nam không cung cấp tên hai phi công, đồng thời yêu cầu thanh tra hàng không xử phạt hành chính hai phi công này (?).

Trước sự kiện vừa kể chỉ hai ngày, hôm 5 tháng 8 từng xảy ra chuyện phi công điều khiển một phi cơ cũng của Vietnam Airlines vi phạm độ cao an toàn tối thiểu khi tiếp cận để hạ cánh tại phi trường Đà Nẵng. Trước nữa, vào ngày 27 tháng 7, một phi công điều khiển một phi cơ của hãng Jetstar Pacific đã không lấy độ cao đúng huấn lệnh của kiểm soát không lưu.

Rồi ngày 20 tháng 7, một phi công điều khiển một phi cơ của Vietnam Airlines cho phi cơ vào nhầm phi đạo.

Theo một thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, sáu tháng đầu năm 2014, trong lĩnh vực hàng không tại Việt Nam đã xảy ra 173 sự kiện bất thường đe dọa an toàn hàng không, tăng 32 vụ so với cùng kỳ năm 2013.

Chẳng riêng phi công mà ngay cả lực lượng kiểm soát không lưu của Việt Nam cũng phạm vô số sai lầm, đe dọa an toàn hàng không. Chỉ trong vòng một tháng, từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 7, hệ thống kiểm soát không lưu của Việt Nam phạm ba lỗi không thể tưởng tượng.

Hôm 23 tháng 7, một phi cơ của hãng Jetstar Pacific phải lượn hai vòng trên phi trường Vinh vì phi công bị mất liên lạc với Đài kiểm soát không lưu. Sau đó, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, sở dĩ liên lạc giữa phi công với Đài Kiểm soát không lưu của phi trường Vinh bị gián đoạn là do Kiểm soát viên không lưu bấm… nhầm nút tắt liên lạc với phi cơ.

Vào ngày 27 tháng 6, trong khi một phi cơ của Vietnam Airlines vừa hạ cánh xuống phi trường Đà Nẵng và đang chạy từ phi đạo vào bãi đậu thì một kiểm soát viên không lưu ra lệnh cho một phi cơ khác của  Jetstar Pacific cất cánh ngay trên phi đạo đó.

Trong vòng 4 giây, các phi công của cả hai phi cơ phát giác kiểm soát viên không lưu nhầm lẫn và báo lại cho đài kiểm soát không lưu Đà Nẵng, yêu cầu hủy lệnh cất cánh. Nhờ vậy tai nạn thảm khốc do hai phi cơ đâm vào nhau ngay trên phi đạo đã không xảy ra.

Hôm 19 tháng 6, khoảng 200 hành khách của hãng hàng không có tên VietJet Air, lên phi cơ ở Hà Nội để đi Đà Lạt đã được chở đến Nha Trang. Còn 200 hành khách lẽ ra phải lên phi cơ để đến Nha Trang thì vẫn phải ngồi chờ ở Hà Nội. (G.Đ)

10-26-2014 10:43:20 AM

No comments:

Post a Comment