Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì (trái) bắt tay Phó Thủ tướng Chính phủ Việt kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hà Nội vào ngày 27 Tháng 10 năm 2014. AFP
Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok 2014-10-27
Nhân vật ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì, vào ngày 27 tháng 10 lại sang Việt Nam. Đây là chuyến sang Hà Nội lần thứ hai của ông này từ khi Bắc Kinh đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào khu đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, vi phạm Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982.
Suốt thời gian qua Hà Nội cũng có những nổ lực ngoại giao được nói nhằm bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là vùng biển của Việt Nam trước sự lấn lướt của Trung Quốc. Mức độ thảnh công của các hoạt động ngoại giao đó ra sao?
Hoạt động ngoại giao
Chuyến sang Việt Nam lần này của Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì được cho biết nhằm tham gia cuộc họp lần thứ 7 của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Trung Quốc- Việt Nam. Cuộc họp được đồng chủ trì bởi bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và một nội dung chính của cuộc gặp lần này cũng là thảo luận về hợp tác song phương Việt- Trung.
Nhiều người tại Việt Nam đều nhớ rất rõ chuyến đến Hà Nội của ông Dương Khiết Trì vào hai ngày 17 và 18 tháng 6 vừa qua khi mà quan hệ Trung- Việt trở nên căng thẳng do vụ giàn khoan Hải Dương 981. Ngay sau khi ông Dương Khiết Trì về lại Bắc Kinh, truyền thông Trung Quốc lúc bấy giờ loan tin là chuyến đi Hà Nội của ông Dương Khiết Trì nhằm ‘khuyến dụ đứa con hoang đàng trở về’.
Chuyến sang Việt Nam lần này của Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì được cho biết nhằm tham gia cuộc họp lần thứ 7 của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Trung Quốc- Việt Nam
Chính các quan chức Việt Nam thừa nhận sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam thì Hà Nội đã có mấy chục lần đề nghị được tiếp xúc ngoại giao nhưng Bắc Kinh từ chối, kể cả việc gặp tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng như tin tức nước ngoài loan đi.
Đến cuối tháng 8, đặc sứ của tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam là ông Lê Hồng Anh, ủy viên bộ chính trị mới được Bắc Kinh tiếp. Kết quả chuyến đi là hai phía thống nhất ba nội dung quan trọng có chức năng chỉ đạo quan hệ song phương Việt- Trung, trong đó có điểm ‘duy trì đại cục quan hệ Việt- Trung và hòa bình, ổn định trên Biển Đông’.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh vào trung tuần tháng 9 sang Quảng Tây tham dự hội chợ triển lãm Trung Quốc- ASEAN và thượng đỉnh đầu tư- thương mại ASEAN- Trung Quốc lần thứ 11. Hà Nội cho biết chuyến đi này nhằm ‘thể hiện chính sách nhất quán của Việt Nam là coi trọng quan hệ láng giềng với Trung Quốc, thúc đẩy hợp tác, duy trì tiếp xúc giữa lãnh đạo hai nước, khôi phục các mặt hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại’.
Cũng trong khuôn khổ quan hệ Việt- Trung, vào trung tuần tháng 10 vừa qua, một đoàn 13 vị tướng lĩnh Việt Nam do bộ trưởng quốc phòng đại tướng Phùng Quang Thanh dẫn đầu sang thăm Trung Quốc. Khi phát biểu với báo giới bên lề kỳ họp quốc hội khóa 8 sau chuyến đi, ông Phùng Quang Thanh nói rằng kết quả chuyến đi là hai phía thống nhất giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, hai bộ quốc phòng cũng lập đường dây nóng để giải quyết vấn đề khi có sự kiện xảy ra. Ông này dùng từ ‘bạn’ để chỉ Trung Quốc
Diễn tiến trên thực địa
Trong khi các cấp lãnh đạo của hai phía gặp gỡ nhau tại Hà Nội, Bắc Kinh cũng như những nơi khác như thế, thì ngư dân Việt Nam làm ăn tại khu vực quần đảo Hoàng Sa tiếp tục bị tàu phía Trung Quốc xua đuổi, đánh đập, cướp phá.
Tin mới nhất cho biết tàu cá BĐ 95393 TS là vào trưa ngày 26 tháng 10 bị ‘tàu lạ’ đâm chìm tại tọa độ 17 độ vĩ bắc, 108,40 độ kinh đông. Trước đó một tháng vào ngày 27 tháng 9 tàu QNg96017-TS của ngư dân Nguyễn Ngọc Khánh ngụ tại xã An Vĩnh, đảo Lý Sơn bị tàu số hiệu 46106 đến tấn công. Chủ tàu kể lại là tàu 46106 thả ca nô và sáu người xuống truy đuổi, rồi nhày sang tàu Việt Nam dùng hung khí uy hiếp, chặt phá dụng cụ hành nghề và đổ toàn bộ rau chân vịt khai thác được xuống biển.
Trước sự xâm lấn, xâm lược trắng trợn của Trung Quốc vừa rồi, với cách đối phó về ngoại giao của mình không nhạy bén, không dứt khoát, không rõ ràng và có vẻ hời hợt; vẫn đối phó theo kiểu ‘anh em’ mà không coi là ‘kẻ thù, vẫn ‘tình anh em, tình đồng chí’; rồi vẫn cứ vuốt ve, nhún nhường, nhịn nhụcĐại tá Bùi Văn Bồng
Trước đó nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt cá tại khu vực Hoàng Sa cũng gặp những trường hợp tương tự.
Phía Trung Quốc vào ngày 7 tháng 10 vừa qua loan tin đã hoàn thành xây dựng đường băng dài 2000 mét trên đảo Phú Lâm, thuộc Hoàng Sa. Các nguồn tin nước ngoài trong thời gian qua cho biết Trung Quốc đang gấp rút tiến hành cải tạo và xây dựng những đá tại Trường Sa thành những căn cứ quân sự. Đảo Chữ Thập được tin nói nay được cải tạo trở thành một đảo nhân tạo lớn nhất tại quần đảo Trường Sa, lớn hơn đảo Ba Bình.
Vào trung tuần tháng 5, tổng giám đốc cơ quan an ninh quốc gia Đài Loan báo cáo tại cuộc họp của ủy ban ngoại giao- quốc phòng, Viện Lập pháp nước này là đô đốc Ngô Thắng Lợi, tư lệnh hải quân Trung Quốc đã dành một tuần lễ đi thị sát hoạt động cải tạo tại năm đảo đá thuộc Trường Sa. Đây là một hoạt động được nói là chưa có tiền lệ.
Tất cả đều cho thấy Bắc Kinh đang gấp rút thực hiện mưu đồ của họ tại khu vực Biển Đông là độc chiếm lấy vùng biển với tài nguyên phong phú và đường hàng hải quan trọng này.
Đánh giá hiệu quả
Chính quyền Hà Nội thỉ lên tiếng phản đối như lệ thường lâu nay qua lời của người phát ngôn bộ ngoại giao mà thôi.
Đại tá Bùi Văn Bồng, nguyên đại diện của Báo Nhân dân tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long có đánh giá:
Trước sự xâm lấn, xâm lược trắng trợn của Trung Quốc vừa rồi, với cách đối phó về ngoại giao của mình không nhạy bén, không dứt khoát, không rõ ràng và có vẻ hời hợt; vẫn đối phó theo kiểu ‘anh em’ mà không coi là ‘kẻ thù, vẫn ‘tình anh em, tình đồng chí’; rồi vẫn cứ vuốt ve, nhún nhường, nhịn nhục.
‘đung đưa, cân bằng’ mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Nếu không thay đổi mà vẫn thụ động với chính sách này thì làm sao có thể bảo vệ được mình; bởi vì chính chính sách đung đưa này làm cho đất nước ta vào một cuộc khủng hoảng tức vừa thất bại về kinh tế, vừa bị TQ đe dọa về chủ quyềnÔng Đặng Xương Hùng
Ông Đặng Xương Hùng, nguyên viên chức lãnh sự tại đại sứ quán Việt Nam ở Thụy Sĩ, nay đang tỵ nạn chính trị tại đó cho biết sự thất bại của chính sách ngoại giao mà ông cho rằng là ‘đung đưa’ của Hà Nội lâu nay:
“Đối với Trung Quốc thì Việt Nam luôn giữ chính sách 3 không: không tham gia liên minh quân sự với nước nào, không cho nước nào đặt căn cứ quân sự và không dựa vào nước này để chống nước kia. Cái ba không này lại nhằm vào hai nước quan trọng nhất trong mối quan hệ của mình đối với bên ngoài là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Điều này cũng muốn ‘đung đưa, cân bằng’ mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Nếu không thay đổi mà vẫn thụ động với chính sách này thì làm sao có thể bảo vệ được mình; bởi vì chính chính sách đung đưa này làm cho đất nước ta vào một cuộc khủng hoảng tức vừa thất bại về kinh tế, vừa bị Trung Quốc đe dọa về chủ quyền.”
Thiếu tướng Lê Mã Lương, anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên giám đốc Bảo tàng Quân đội Việt Nam, bày tỏ quan ngại của ông như sau:
Tôi vẫn có lo ngại rằng với tình tình như thế này, Trung Quốc sẽ tiếp tục lấn tới; nếu Việt Nam không có chiến lược lâu dài kể cả về mặt ngoại giao, kể cả về mặt quốc phòng; và không có một đối sách rõ ràng với Trung Quốc thì không cẩn thận rất dễ bị ‘cuốn theo’ Trung Quốc.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng từng có những phát biểu mạnh mẽ như ‘không đánh đổi chủ quyền để lấy hữu nghị viễn vông’; tuy nhiên giữa nói và làm của những vị lãnh đạo Việt Nam còn một khoảng cách quá lớn. Hà Nội không cho người dân biểu tình bày tỏ lòng yêu nước chống Trung Quốc gây hấn, xâm lược; chưa khởi kiện Trung Quốc về những vi phạm trắng trợn đối với chủ quyền lãnh hải của Việt Nam; và không biết niềm tin của những quốc gia đối tác khác đối với Hà Nội được đến đâu, khi mà Hà Nội vẫn kiên định với chính sách ngoại giao ba không như bấy lâu nay.
No comments:
Post a Comment