Đà Nẵng một thành phố xanh sạch của Việt Nam cũng đã bắt đầu có nạn kẹt xe. RFA
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam 2014-10-13
Cảnh sát giao thông, nếu xét về hình thức thì không có liên quan nào đến ảnh hưởng môi trường tại Việt Nam vì chuyên môn của họ không phải là cảnh sát môi trường hoặc giả là an ninh môi trường gì đó cũng như không thể nói họ gây ra ô nhiễm môi trường. Nhưng trên thực tế, nếu chịu khó quan sát, bất kì ai cũng có thể dễ dàng nhận ra nguyên nhân ô nhiễm môi trường ở các đường phố là do một phần không nhỏ của cảnh sát giao thông tạo ra. Và nạn tham nhũng, hối lộ trong ngành giao thông là nguyên nhân chính khiến cho bầu không khí trên đường trở nên ô nhiễm một cách tệ hại.
Sự ô nhiễm đến từ hai phía
Một người tham gia giao thông ở thành phố Sài Gòn, tên Hiệp, chia sẻ: “Giao thông ở thành phố cải thiện nhiều lắm từ ngày làm cầu vượt. Nhưng vấn đề ngập nước thì không thay đổi, cách đầy mấy ngày tôi cũng bị ngập nước 4 tiếng đồng hồ, cuối cùng thì phải chạy về nhưng xe chết máy hết. Cảnh sát giao thông thì vẫn vậy, cứ tuýt còi một cái là nhét một – hai xị (một trăm – hai trăm ngàn đồng) là đi, nói chung là dễ thở, cứ nhét tiền rồi đi, khỏi phải biên bản gì cả.”
Theo ông Hiệp, đường phố Sài Gòn nói riêng và các con đường trên cả nước nói chung hiện nay đã quá ô nhiễm, sự ô nhiễm này đến từ hai phía: người dân thiếu ý thức trách nhiệm cộng đồng và nhà nước quản lý lỏng lẻo, vộ trách nhiệm để cho cấp dưới lộng hành, trong đó, sự hối lộ, lột tiền người qua đường một cách không thương xót của cảnh sát giao thông lại là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường. Và môi trường trên đường cũng cần hiểu theo hai nghĩa, môi trường văn hóa và môi trường tự nhiên.
Bây giờ nếu phục hồi cho xe không nhả khói đen ra đường thì khi gặp công an giao thông vẫn bị phạt hàng loạt các tội khác, trong đó tội vận hành xe quá hạn sử dụng cũng không nhỏ. Làm như vậy chẳng khác nào tiền mất tật mang
Giải thích vấn đề vừa nêu, ông Hiệp nói rằng ông vốn là một tài xế chạy xe tải chở vật liệu xây dựng. Chiếc xe tải ông lái đã bị xịt khói đen hơn mười năm nay nhưng chủ của ông chưa bao giờ nghĩ đến chuyện phục hồi bộ máy của xe để tránh tình trạng xe nhả khói đen đầy đường. Vì theo ông Hiệp, nếu chủ của ông bỏ tiền ra phục hồi xe thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn rất buồn cười. Nghĩa là một khi chiếc xe đã phun khói đen, cũng là lúc máy móc bên trong đã bắt đầu hỏng hóc, tuổi vận hành của xe sắp hết hoặc đã hết, thậm chí hết từ lâu.
Bây giờ nếu phục hồi cho xe không nhả khói đen ra đường thì khi gặp công an giao thông vẫn bị phạt hàng loạt các tội khác, trong đó tội vận hành xe quá hạn sử dụng cũng không nhỏ. Làm như vậy chẳng khác nào tiền mất tật mang. Trong khi đó, số tiền vài chục triệu đồng để phục hồi xe nếu mang ra cho vay nóng, số tiền lãi vay nóng mỗi ngày có thể tạm đủ để giải quyết phần chung chi cho công an giao thông.
Cách nghĩ này không riêng gì chủ xe mà ông Hiệp đang lái thuê mà hầu hết giới chủ các xe tải, xe bus ở Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng đều thực hiện y hệt như chủ xe của ông Hiệp. Vì họ đã suy đi tính lại, thời buổi kinh tế khó khăn, nếu phải bỏ ra một số tiền quá lớn để làm cho xe khỏi xịt khói đen rồi sau đó vẫn phải chung chi cho công an giao thông thì tốt nhất là để nguyên vậy mà chạy, khi nào gặp công an giao thông, chỉ cần chung chi nhích lên một chút là coi như xong.
Nói đến đây, ông Hiệp đưa ra kết luận là chính ngành giao thông đã tiếp tay cho tài xế gây ô nhiễm môi trường. Và nhìn ở một góc độ khác, sự tiêu cực, nạn tham nhũng và trấn lột tiền nhà xe do các công an giao thông đứng đường đã gây nên hàng loạt các hệ lụy về môi trường, trong đó, môi trường tự nhiên bị hỏng một thì môi trường tâm lý, tinh thần của con người bị hỏng đến mười.
Một tài xế lái xe khác tên Trúc, hiện cư trú tại Tân Bình, Sài Gòn, chia sẻ thêm: “Nói chung ở trong nhà thì khỏe nhưng ra đường thì mệt, vì môi trường không có được trong lành, không những là khói bụi không thôi, mà như tiếng ồn chẳng hạn, cũng đủ làm mình ngợp người rồi. Bây giờ thì mình hình dung một điều thế này, nếu cảnh sát giao thông mà nó bắt thì thà được bị bắt còn hơn nó đánh chết, có nước nào mà cảnh sát giao thông cứ đánh chết người dân, đánh người vi phạm là chính thôi à, đúng là chuyện tức cười. Còn chuyện xe quá hạn thì chuyện đó bình thường, không có gì ngạc nhiên cả.”
Theo ông Trúc, vấn đề môi trường ở Việt Nam hiện taị là một vấn đề hết sức đen tối và tệ hại. Từ một người lao động ném rác bừa bãi trên đường cho đến tư tưởng của con người cũng đã bắt đầu bén mùi, quen với rác, xem rác như là thứ bạn bè quen thuộc, đương nhiên có và tồn tại một cách nghiễm nhiên trước mắt thiên hạ trong xã hội loài người. Nhưng nếu như rác rưởi, khói bụi là những thứ gây ô nhiễm bên ngoài thì chính cái hệ thống tư tưởng chủ đạo làm kim chỉ nam cho đất nước lại quyết định tư tưởng, tinh thần của xã hội ấy là một vườn hoa thơm tho hay là một bãi rác hôi hám, bụi bặm và ruồi nhặng.
Tất cả mọi con đường ở Việt Nam sẽ giảm đi ít nhất cũng được 80% ô nhiễm, khói bụi nếu như ngành giao thông, đặc biệt là những công an giao thông đứng đường từ bỏ thói quen hối lộ, bóc lột người đi đườngÔng Trúc
Ông Trúc cho rằng xã hội Việt Nam đã thành một bãi rác từ lâu bởi hệt thống cơ quan công quyền thiếu tư duy, thiếu năng lực, thiếu trách nhiệm nhưng lại thừa lòng tham cũng như sự gian manh. Cán bộ từ cao xuống thấp đều có thể là kẻ tham nhũng, hối lộ và ăn bẩn. Ngay cả những công an giao thông, những con người dù sao chăng nữa cũng là bộ mặt pháp luật của một chế độ chính trị được phơi bày trên đường phố nhưng lại tham nhũng, bóc lột vộ tội vạ, tiếp tay cho hàng loạt thứ tội ác môi trường, khiến cho bầu không khí ngày càng trở nên ngộp thở và tinh thần con người mỗi lúc một thêm mụ mị, u ám.
Ông Trúc khẳng định với chúng tôi là tất cả mọi con đường ở Việt Nam sẽ giảm đi ít nhất cũng được 80% ô nhiễm, khói bụi nếu như ngành giao thông, đặc biệt là những công an giao thông đứng đường từ bỏ thói quen hối lộ, bóc lột người đi đường. Không cần phải làm gì thêm, chỉ cần công an giao thông không hối lộ, không bóc lột người đi đường thì chỉ độ nửa tháng sau, đường phố cũng như đường Nam – Bắc Việt Nam sẽ tự sạch sẽ, bớt ô nhiễm và không nháo nhào như hiện nay nữa.
Nhưng ông Trúc cũng lắc đầu, chép miệng nói rằng đó chỉ là một ví dụ không tưởng, ví dụ cho đỡ buồn chứ nếu như ngành công an giao thông không hối lộ, không ăn bẩn, mãi lộ thì họ tồn tại để làm gì với đội ngũ quá đồ sộ nhưng nhu cầu về sự có mặt của họ trong nhân dân lại quá thấp.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
No comments:
Post a Comment