HÀ NỘI (NV) - Trong báo cáo mới nhất gửi Quốc Hội, chính quyền Việt Nam cho biết, năm tới, nợ nần của Việt Nam xấp xỉ mức 64% GDP, sắp vượt ngưỡng an toàn là 65% GDP.
Tuy phủ nhận trách nhiệm đối với chuyện nợ nần của các doanh nghiệp nhà nước nhưng những khoản nợ này vẫn tồn tại. (Hình: VnEconomy)
Theo khuyến cáo của nhiều tổ chức quốc tế, nếu nợ nần vượt quá mức 65% GDP thì an ninh tài chính quốc gia không còn an toàn.
Trước thông tin vừa kể, ông Phùng Quốc Hiển, chủ nhiệm Ủy Ban Tài Chính - Ngân Sách Quốc Hội, cho biết thêm, ngân sách Việt Nam đang ở giai đoạn “rất khó khăn”. Các khoản nợ phải trả đang ngày một lớn so với nguồn thu. Trong tài khóa năm tới, chính quyền trung ương dự trù sẽ dành khoảng 40% ngân sách để trả nợ, vượt xa giới hạn mà Quốc Hội đề ra là chỉ dùng 25% ngân sách để trả nợ.
Một lần nữa, ông Hiển lập lại nhận định mà Quốc Hội đã từng đề cập nhiều lần. Đó là thật ra, nợ nần của Việt Nam cao hơn mức mà chính phủ Việt Nam báo cáo rất nhiều. Cho đến nay, Việt Nam vẫn cả quyết, không thể xem những khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước là nợ của chính quyền. Các doanh nghiệp nhà nước tự vay và tự trả.
Nhiều chuyên gia kinh tế và Quốc Hội cả quyết đó là một kiểu ngụy biện. Chính quyền Việt Nam ngụy biện như thế để trấn an mọi người rằng, nợ nần của chính quyền chưa vượt quá mức 65% GDP.
Ông Trịnh Tiến Dũng, một chuyên gia kinh tế, khẳng định, chính quyền không thể phủ nhận nợ của các doanh nghiệp nhà nước là nợ của mình. Tại một cuộc hội thảo về nợ công, diễn ra hồi trung tuần Tháng Bảy, ông Dũng đưa ra nhiều dẫn chứng để bác bỏ lập luận, các doanh nghiệp nhà nước tự vay - tự trả nợ và nợ của các doanh nghiệp nhà nước không liên quan đến nợ nần của chính quyền.
Ví dụ rõ ràng nhất là trường hợp Vinashin. Năm 2009, tập đoàn nhà nước này phá sản và để lại khoản nợ 89,000 tỉ đồng, tương đương 52% GDP của năm 2009. Sau đó, chính quyền tổ chức chuyển nợ của Vinashin cho Vinalines và Petro Vietnam, bổ sung vốn, khoanh nợ,… Tuy Vinashin “tự vay” nhưng rõ ràng trả là do nhà cầm quyền trung ương, kể cả phát hành trái phiếu để bù đắp và vì thế khiến ngân sách thâm thủng.
Một vài chuyên gia kinh tế khác như các ông Phạm Thế Anh, Đinh Tuấn Minh, đã chứng minh, tổng các khoản nợ của hệ thống doanh nghiệp nhà nước đã vay mà không được chính quyền Việt Nam bảo lãnh, nên không được kể là nợ công, tương đương 40.9% GDP. Nếu tính đúng, tính đủ, cộng cả nợ nần chính thức lẫn nợ nần của hệ thống doanh nghiệp nhà nước, những khoản chưa thanh toán khi thực hiện các công trình hạ tầng, nợ nần của nhà cầm quyền CSVN hiện nay đã hơn 98% GDP.
Một điểm đáng chú ý khác là do suy thoái kinh tế kéo dài, con số doanh nghiệp phá sản, xin giải thể hoặc tạm ngưng hoạt động càng ngày càng lớn nên nguồn thu cho ngân sách càng ngày càng giảm thì chi tiêu lại càng lúc càng tăng.
Chính quyền Việt Nam vừa đề nghị được nâng mức bội chi trong năm tới lên 226,000 tỉ, tăng 20,000 ngàn tỉ so với năm 2014. Mức bội chi này tương đương 5% GDP và sẽ lên tới 7% GDP nếu cộng với 85,000 tỉ đồng trái phiếu mà chính phủ dự kiến sẽ phát hành trong năm tới. Nếu xem 680,000 tỉ trái phiếu đã từng phát hành là bội chi thì tỷ lệ bội chi của Việt Nam tương đương 18% GDP.
Tuy nợ nần tăng vọt, bội chi liên tục và mức độ càng ngày càng lớn nhưng theo thống kê, 72% chi tiêu của chính phủ Việt Nam là chi thường xuyên (chi để nuôi bộ máy viên chức đảng và chính quyền). Phần cho trả nợ và đầu tư – phát triển chỉ còn 28%.
Đã có rất nhiều viên chức trong cả chính quyền lẫn Quốc Hội cảnh báo về tình trạng chi cho đầu tư – phát triển càng ngày càng ít. Trong khi chi cho đầu tư – phát triển chính là cách nuôi dưỡng nguồn thu.
Đó cũng là lý do kinh tế Việt Nam rơi vào vòng luẩn quẩn và tình hình kinh tế - xã hội tại Việt Nam càng ngày càng bi đát. (G.Đ.)
10-17-2014 5:08:58 PM
Theo Người Việt
TRUYỀN ĐƠN TỐ CÁO.
ReplyDeleteNHÂN VẬT SỐ MỘT ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG NHẬN HỐI LỘ 100 LƯỢNG VÀNG ĐỂ DUNG TÚNG BAO CHE CHO NHỮNG TỘI ÁC CƯỚP CỦA - GIẾT NGƯỜI.
Hộp thư spam nay đã có 3802 số lần xem trang.