Nam Nguyên, phóng viên RFA 2014-09-19
Sau Thanh Long và chôm chôm, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ vừa quyết định cho phép nhập khẩu thêm hai loại trái cây tươi của Việt Nam là nhãn và vải. Cánh cửa thị trường đã mở nhưng liệu nhà vườn và doanh nghiệp Việt Nam có khả năng tận dụng cơ hội để xuất khẩu trái cây tươi vào thị trường khó tính bậc nhất thế giới này hay không?
Theo báo Thanh Niên Online, cũng như Thanh Long và chôm chôm đã vào thị trường Hoa Kỳ, trái vải và nhãn tươi của Việt Nam xuất vào thị trường này sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, bao gồm việc vải và nhãn phải trồng trên vùng đăng ký và được Cục Bảo vệ thực vật VN theo dõi nhằm đảm bảo không có bệnh; vải và nhãn phải được chiếu xạ để loại bỏ ký sinh trùng; mỗi lô hàng phải có chứng chỉ của Cục BVTV, xác định sản phẩm phù hợp với qui định. Ngoài ra các sản phẩm trên còn phải tuân thủ các qui định ngặt nghèo về dư lượng thuốc trừ sâu.
Sau 6 năm được cấp phép, doanh nghiệp Việt Nam nâng dần lượng xuất khẩu vào Mỹ hai loại trái cây tiên phong, nhưng kim ngạch 2013 cũng chỉ là 1.300 tấn Thanh Long và 300 tấn chôm chôm. Những số liệu này cho thấy Việt Nam đã không tận dụng được cơ hội xâm nhập thị trường Hoa Kỳ. Trong khi đó Trung Quốc vẫn là nơi tiêu thụ 77% tổng sản lượng Thanh Long của Việt Nam.
Phải cạnh tranh đưa đi xa như vậy thì bất lợi với trái cây Việt Nam chưa kể việc bảo quản. Bởi vì phải đi bằng máy bay nên sự cạnh tranh làm sao bằng trái cây Florida ở Mỹ hoặc là từ Mexico qua giá rất rẻ.
-TS Nguyễn Minh Châu
Điều này cũng có thể xảy ra với hai mặt hàng mới là nhãn và vải, cho dù để được xuất khẩu đi Mỹ Việt Nam sẽ phải tổ chức lại sản xuất theo tiêu chuẩn sạch. Nhận định về sự chững lại của mặt hàng Thanh Long và chôm chôm xuất khẩu vào Mỹ, TS Nguyễn Minh Châu chuyên gia về cây ăn trái từ TP.HCM nhận định:
“Tại vì đường đi qua Mỹ xa quá mà những mặt hàng đó thì ngay bản thân nước Mỹ cũng có thể sản xuất được; rồi Mexico kế bên cũng có thể sản xuất được. Cho nên việc phải cạnh tranh đưa đi xa như vậy thì bất lợi với trái cây Việt Nam chưa kể việc bảo quản. Bởi vì phải đi bằng máy bay nên sự cạnh tranh làm sao bằng trái cây Florida ở Mỹ hoặc là từ Mexico qua giá rất rẻ không có chuyện đi máy bay. Ngoài ra còn việc phải xử lý khâu ruồi đục quả thì lại đội giá thành lên một ít nữa, thành ra việc đưa trái cây vào Mỹ thì được rồi nhưng giá thành rất là lớn.”
Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit) kim ngạch xuất khẩu rau và trái cây năm 2014 có thể đạt 1,2 tỷ USD. Việc mở rộng thị trường sang Hoa Kỳ đối với một số đặc sản như thanh long, chôm chôm và tiếp theo là nhãn và vải là đầy triển vọng. Nhưng để trái cây Việt Nam xâm nhập thị trường Hoa Kỳ thì còn rất nhiều việc phải làm. Khi hội đủ tất cả các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, theo tính toán của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, mỗi năm Việt Nam có thể xuất khẩu sang Mỹ 1.200 tấn nhãn tươi và 600 tấn vải tươi, lần lượt chiếm 69% và 17% tổng lượng nhập khẩu trung bình đối với hai mặt hàng này tại Mỹ giai đoạn 2007-2010.
Trước khả năng đa dạng hóa thị trường cho trái cây Việt Nam bớt sự chi phối của thị trường dễ tính là Trung Quốc, Ông Đinh Văn Hương, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit) trụ sở ở TP.HCM nhận định:
“Nhãn, vải hiện nay nếu xuất dạng chế biến thì chúng tôi xuất nhiều rồi, đang tìm cách làm thế nào kéo dài được thời gian bảo quản dưới dạng tươi. Thí dụ kéo dài được 60 ngày thì khả năng xuất đi xa thì rất tốt, còn nếu chỉ dưới 45 ngày thì rất khó. Thường thường dễ làm trước khó làm sau, gần thì làm ngay thí dụ thị trường Nhật, Singapore, Mã Lai hay Trung Quốc thì chúng tôi làm trước. Nhưng mà không phải chúng tôi dừng lại, chúng tôi vẫn mong bán được nhiều hơn, hỗ trợ cho nông dân nhiều hơn. Như vậy phải nghiên cứu những giải pháp để tăng cường bảo quản sau thu hoạch để mà đẩy đi thị trường xa, nhất là dưới dạng tươi. Những mặt hàng có thời vụ thu hoạch ngắn như vải trong vòng một tháng phải thu hoạch hết nếu không bị hư, cho nên chỉ bán được cho thị trường gần thôi.”
Nhiều tiêu chuẩn phải tuân theo
Chưa nói tới việc trái vải và nhãn của Việt Nam khi vào Mỹ có cạnh tranh được với hàng Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan hay sản phẩm cây nhà lá vườn ở Mỹ không. Nhưng để các loại trái cây tươi này được vào Mỹ thì Bộ Nông nghiệp Việt Nam sẽ còn rất nhiều việc phải thực hiện trước khi “hộ chiếu” của nhãn và vải được đóng “visas” đi tới Hoa Kỳ.
Theo các báo điện tử Thanh Niên và Tuổi Trẻ, nếu vượt qua trở ngại thì đến tháng 11 này Việt Nam sẽ xuất thử lô nhãn tươi đầu tiên vào thị trường Hoa Kỳ. Trước thời điểm đó hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ phải phối hợp hoàn thiện bản đồ chiếu xạ cho từng loại quả khác nhau để công bố và áp dụng trên thực tế. Hiện đã có hai doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia chiếu xạ cho trái cây VN đi Mỹ.
Đối với vấn đề đăng ký vùng sản xuất, theo số liệu lưu trữ, diện tích trồng nhãn ở miền Nam khoảng 34.000 ha, trong đó đã có một số vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi diện tích nhãn tối thiểu 10 ha nếu đang áp dụng VietGAP thì được cấp mã số vùng trồng. Nông hộ trồng nhãn diện tích nhỏ có thể liên kết với nhau để có diện tích 10 ha hoặc lớn hơn để có thể có mã số vùng trồng dễ dàng truy xuất nguồn gốc và tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong khi đó cây vải có diện tích khoảng 24.000 ha riêng ở tỉnh Bắc Giang, sản lượng trung bình 75.000 tấn năm. Đặc sản vải thiều Lục Ngạn đã có sẵn 150 ha áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP.
Theo lời TS Nguyễn Minh Châu chuyên gia ngành trái cây, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, vải và nhãn của Việt Nam có những ưu thế nhất định. Vải là đặc sản ngon của miền Bắc nhưng mỗi năm một vụ, trong khi miền Nam có nhãn xuồng cơm vàng cũng khá ngon. Cùng với chôm chôm, nhãn ở đồng bằng sông Cửu Long có thể trồng và thu hoạch quanh năm. Đây là lợi thế cạnh tranh so với nhãn và chôm chôm Thái Lan.
Đối với nhà nước tôi thấy cần phải làm tốt hơn vai trò khâu nối, vai trò trung tâm của mình giữa nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông.
-TS Nguyễn Minh Châu
Về khả năng hai loại đặc sản nhãn và vải tươi được tiêu thụ tại thị trường Hoa Kỳ với giá cao, TS Nguyễn Minh Châu nhận định:
“Tôi thấy hai thứ đó thì vải sẽ có triển vọng lớn hơn nhãn. Vì thứ nhất giống vải của miền Bắc Việt Nam ngon, thứ hai sản lượng rất lớn. Thành ra vấn đề của mình bây giờ để làm sao diện tích được chứng nhận VietGAP phải lớn lên. Khi được chứng nhận rồi thì phía Bảo vệ thực vật Việt Nam mới mời các nhân viên Bảo vệ thực vật Mỹ đến rồi cho mã số. Từ đó mới đi được, hiện nay mới giới hạn sự cho phép giữa hai chính phủ.”
Câu chuyện trái cây Việt Nam đi Hoa Kỳ, thị trường khắt khe nhất về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ vẫn còn cần nhiều nỗ lực trước mắt, sau thanh long, chôm chôm sắp tới là nhãn, vải cùng sự hứa hẹn mở cửa thị trường cho vú sữa và xoài Việt Nam. TS Nguyễn Minh Châu góp ý với nông dân, doanh nghiệp và nhà nước Việt Nam:
“Bây giờ nông dân phải hợp tác trong sản xuất để có một số lượng lớn và đồng đều, phải có thương hiệu và vấn đề này từ nhiều người nhiều nhà như nhà nông, sau đó doanh nghiệp. Doanh nghiệp đóng gói phải sử dụng phương pháp cho đúng, chất lượng đúng thì chất lượng mỗi trái trong thùng mới tốt được. Còn nhà nước, chúng tôi thấy có nhiều mô hình trên thế giới trong đó cò việc xuất khẩu giao cho một đầu mối, thí dụ bên Israel giao cho hiệp hội trái cây; còn New Zealand một loại trái cây giao cho một công ty thôi. Chúng tôi thấy đây cũng là một ưu thế vì được giao như thế họ xây dựng chất lượng, họ không giảm giá để cạnh tranh với nhau. Còn ở Việt Nam doanh nghiệp cạnh tranh bằng giảm giá mà theo tôi giảm giá là giảm chất lượng. Còn đối với nhà nước tôi thấy cần phải làm tốt hơn vai trò khâu nối, vai trò trung tâm của mình giữa nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông.”
Việc Hoa Kỳ cho phép nhập khẩu các loại trái cây tươi của Việt Nam mở ra một hướng mới về đa dạng hóa thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam, cũng như một cơ hội để nhà nông tổ chức lại sản xuất theo hướng hiện đại, từ bỏ việc sản xuất bất cần tiêu chuẩn để bán cho Trung Quốc và chấp nhận mọi rủi ro tiềm ẩn.
Tuy nhiên làm thế nào để có thể xâm nhập thị trường Hoa Kỳ và thực hiện kinh doanh mang tính cạnh tranh hiệu quả lại là một câu chuyện khác của người Việt Nam.
No comments:
Post a Comment