Friday, September 19, 2014

Nhiều công nhân hãng xưởng phải ‘cầm thẻ lương’ để sống

VIỆT NAM (NV) - Rất nhiều công nhân hãng xưởng tại các khu công nghiệp, chế xuất ở Việt Nam đang phải sống “gắn bó” với các “trùm” cho vay nặng lãi bằng “dịch vụ cầm lương.” 


Công nhân hãng xưởng ở Việt Nam luôn túng thiếu trong cuộc sống do đồng lương “ bèo bọt.” (Hình: Dân Trí)

“Thẻ chủ nợ giữ, mã pin chủ nợ nắm, tiền trong tài khoản chủ nợ biết, mình chỉ biết đi làm và đi làm. Tới tháng thấy chị em hớn hở rút tiền, mình giả như không thấy để đỡ tủi thân. Ðã ba năm rồi không thấy “mặt” lương.

Báo Dân Trí kể về trường hợp bà Hương, công nhân một công ty điện tử KCN VSIP, tỉnh Bình Dương, cho biết: Ba năm trước, Hương và chồng ngược xuôi lo tiền đám cưới, đang loay hoay không biết xoay ở đâu ra tiền thì Hương được mách nước đi vay cầm thẻ ATM lấy 10 triệu đồng để lo một số việc ban đầu và mua vé
xe về quê.

Ðối với nhiều công nhân Việt Nam, số tiền trên là cả một gia tài, bằng hai, ba tháng lương cộng lại.

Theo lời Hương, vay cầm thẻ ATM rất dễ vì người cho vay cũng là người trong công ty, vì “mình làm việc ra sao, lương bao nhiêu người ta đều nắm rõ.” Chỉ cần đồng ý, người vay chỉ cần giao thẻ ATM, mã PIN (đã kiểm tra), số tài khoản, giấy căn cước cho chủ nợ. Mọi thông tin được chủ nợ ghi lại cẩn thận.

Lãi suất vay 1 triệu trả lãi 140,000 đồng/tháng. Vay số tiền từ 10 triệu trở lên mỗi tháng chỉ phải đóng lãi 1.3 triệu đồng.

Vẫn theo báo Dân Trí, anh Minh, công nhân công ty Ðức Bổn, ở KCX Tân Thuận, Sài Gòn cũng từng “cầm thẻ lương,” cho biết, “Tôi chỉ vay 1 triệu đồng, lãi suất tính 15,000 đồng/ngày nhưng cũng phải cầm thẻ ATM và mã PIN cho chủ nợ.”

Nhiều công nhân vay nợ cầm thẻ ATM như bà Hương, anh Minh khi được hỏi đều có chung tâm trạng “giao thẻ ATM cho chủ nợ khiến mình ngày đêm nơm nớp lo sợ.”

Những công nhân từng dính tới việc vay nợ cầm thẻ ATM cho biết, tới tháng khi công ty chuyển lương vào tài khoản nếu chủ nợ mà rút sạch tiền, hoặc rút hơn số tiền vay cũng chẳng dám làm gì. ”Vì người ta làm ăn là có đường dây, có bảo kê, mình ho he là tiêu.”

Tuy nhiên, thường các chủ nợ khá sòng phẳng, gốc lãi bao nhiêu họ rút bấy nhiêu, nhằm tạo uy tín để nhiều người còn vay tiếp.

“Cầm thẻ lương” được một lần là sẽ có lần thứ hai, thứ ba... nó như có bùa mê vậy. Nhiều người dính vào rồi dứt ra không được. Nguyên nhân chính là công nhân Việt Nam chưa bao giờ sống đủ bằng lương, cứ phải vay mượn, nhất là dân các tỉnh lẻ thì có thể vay được ai, ngoài các chủ nợ.

Ðể “cầm thẻ lương,” công nhân hiếm khi vay được trực tiếp từ chủ nợ mà hầu hết đều thông qua các “chân rết.” Những “chân rết” cắm ở các công ty có “vai vế” hoặc có uy tín ở đó đứng ra làm cầu nối, ăn chia hoa hồng.

Các “chân rết” này đóng vai trò quan trọng trong việc móc nối, tìm kiếm “con mồi.” Hơn nữa, đây cũng chính là kênh thẩm định thu nhập của người vay tốt nhất.

Tùy theo đường dây cho vay mà các “chân rết” được nhận thù lao theo dạng trả phần trăm theo số tiền lãi mà chủ thu được, hoặc “khoán một cục” với điều kiện mỗi tháng phải kiếm được khách hàng theo yêu cầu của chủ.

Trước đây, vay 1 triệu, công nhân phải trả từ 150,000 đến 200,000 đồng/tháng, nhưng nay do có quá nhiều nơi cạnh tranh nên lãi suất cũng giảm.

Hiện nay vào kỳ lương hàng tháng, các “trùm” mỗi người đều cầm một túi xách đầy thẻ ATM tại các cột rút tiền bằng thẻ ở những khu công nghiệp hay khu chế xuất để thu nợ. Việc này kéo dài vài giờ, thậm chí nửa ngày. Ðiều này chứng tỏ nhiều công nhân hãng xưởng đã bám vào dịch vụ cho vay nặng lãi này.

Bên cạnh những con nợ là công nhân gặp khó khăn phải “cầm thẻ lương” còn có những người ở vào thế “bắt buộc phải vay” như tổ chức cá độ, đánh bạc...Và một khi đã vào thì không thể nào thoát ra được. (Tr.N)
09-18- 2014 3:29:02 PM

1 comment:

  1. TRUYỀN ĐƠN TỐ CÁO.
    TỔNG BÍ THƯ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM NGUYỄN PHÚ TRỌNG NHẬN HỐI LỘ 100 LƯỢNG VÀNG ĐỂ DUNG TÚNG BAO CHE CHO NHỮNG TỘI ÁC CƯỚP CỦA - GIẾT NGƯỜI.
    Hộp thư spam nay đã có 3658 số lần xem trang.

    ReplyDelete