Với quyết định xây 1.000 siêu thị của UBND TP Hà Nội, nhiều bạn đọc cho rằng đây quả là sự hoang tưởng về quy hoạch và là hậu quả của căn bệnh “hoành tráng”
Nếu dự án trên thành hiện thực thì có lẽ chẳng nơi nào trên thế giới có mật độ siêu thị kinh khủng như Hà Nội. Tính bình quân mỗi quận, huyện tại đây có đến hơn 30 siêu thị. Hiện giờ với số ít siêu thị thế này mà rất nhiều nơi còn không bán được hàng, sức mua èo uột, nếu ồ ạt xây dựng thì chẳng biết bán cho ai.
Bạn đọc Nguyễn Tấn Trình bày tỏ: “Thật khủng khiếp. Nếu thành hiện thực chắc ở Hà Nội ra đường là gặp siêu thị. Vấn đề là trong dự án này lại không nói rõ căn cứ và nhu cầu cụ thể của người dân mà chỉ đưa ra con số hết sức mơ hồ. Hãy hình dung xây một cái siêu thị thì chi phí sẽ lớn như thế nào: đầu tư xây dựng, cung ứng nguồn hàng, nhân lực kinh doanh...”.
Xây dựng siêu thị phải tính đến sức mua của người dân Ảnh: Phương Nhung
Nhiều bạn đọc ngán ngẩm: Hãy hình dung quỹ đất dành cho dự án này đã thấy chóng mặt. Trong khi đất xây dựng trường học, các công trình phúc lợi công cộng ngày càng teo tóp thì lấy đâu ra đất xây đến 1.000 cái siêu thị. Đồng tình với ý kiến này, bạn đọc Trần Lâm sòng phẳng: “Đây là kinh doanh nên nếu các nhà quy hoạch của Hà Nội thấy điều này hiệu quả thì cứ thực hiện nhưng đừng động vào đất đai của người dân, đừng cố rút tiền ngân sách (tiền thuế của dân) ra mà làm. Bao nhiêu công trình hoành tráng được các nhà quy hoạch “viễn tưởng” thực hiện bây giờ đang chết dở đấy thôi. Chỉ tội người bị thu hồi đất phải rất khó nhọc để tiếp tục mưu sinh từ những khu tái định cư thiếu thốn mọi bề”.
Ý tưởng dẹp chợ truyền thống để xây siêu thị đã bị bạn đọc Ngọc Diệp thẳng thừng bác bỏ. Bạn đọc này dẫn chứng: Tại Hà Nội, cứ đến Trung tâm Thương mại Hàng Da, Chợ Mơ, Cửa Nam... thì sẽ biết kinh doanh như thế nào. Trước đây, các trung tâm thương mại này đều là các chợ truyền thống, bà con kinh doanh rất tốt. Từ khi phá chợ xây trung tâm thương mại thì vắng như chùa bà Đanh. “Chỉ ngại nhất là lấy đất xây siêu thị xong sau này siêu thị ế ẩm thì các bác lại đổ thừa lung tung rồi sử dụng vào mục đích khác thì tội người dân. Chuyện này từng xảy ra ở khối dự án rồi, thấy mà sợ” - bạn đọc này nói.
Liên tưởng đến những quy hoạch thiếu thực tế trước đây, nhiều bạn đọc chỉ rõ: “Thời gian trước, các địa phương cứ như “lên đồng” về việc quy hoạch khu công nghiệp. Tỉnh nhiều thì cả chục khu, tỉnh ít thì vài khu, đến nay nhìn lại thì mấy địa phương làm được hiệu quả. Nhiều tỉnh ồ ạt thu hồi đất để làm khu công nghiệp nhưng chỉ lèo tèo vài doanh nghiệp đến xây dựng nhà máy, đất bỏ hoang hóa trong khi người dân thiếu đất sản xuất. Đừng chạy theo phong trào mà thiếu thực tế, dân khổ”.
Thứ Sáu, 22:08 19/09/2014
Phạm Hồ
No comments:
Post a Comment