Friday, September 19, 2014

Nỗi lo sống bên miệng "hà bá"!

Cứ vào mùa mưa bão, nhiều hộ dân sống ven các tuyến kênh rạch tại TP.HCM luôn nơm nớp lo sợ hà bá bất thình lình hỏi thăm, nhẹ thì bị “nuốt” mất vườn, lối đi, tài sản, còn nặng có thể mất nhà, đe dọa tính mạng.

Nỗi lo sống bên miệng hà bá
Nhà bà Nguyễn Thị Nhánh (P.27, Q.Bình Thạnh) nứt tường vì sạt lở

PV NNVN đã có cuộc khảo sát một số điểm nóng ghi nhận cuộc sống hết sức chênh vênh của nhiều hộ dân tại một số khu vực có nguy cơ sạt lở cao…
LIỀU MÌNH GIỮ NHÀ

Chúng tôi có mặt tại tổ dân phố 4, đường Lê Văn Lương, xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè – nơi có hàng chục hộ dân đang bị tình trạng sạt lở trên sông Rạch Kiểng đe dọa trực tiếp.
Ngay khi nghe khách hỏi thăm, ông Lê Xung Kích, cựu chiến binh, tổ trưởng tổ dân phố 4 (ngụ số 527/82/6 Lê Văn Lương) bức xúc cho biết: “Bà con ở đây đang rất khổ sở với tình trạng sạt lở, bởi từ khi chính quyền bỏ công bỏ của ra làm kè và đường mới, thì đến nay đã có tới 6 lần đường ống dẫn nước sinh hoạt bị bể phải sửa chữa và 3 lần con đường mới làm bị hỏng vì sạt lở”.
Chỉ vào con đường lún sụt, ông Kích tiếp: “Giờ đi lại không được buộc bà con phải gửi xe gắn máy ở nhà người quen bên ngoài, đợi sửa xong đường rồi mới đi bình thường được, chú ạ!”.
Người dân ở đây cũng kể, có lần đường mới sửa xong hôm trước, hôm sau mặt đường lại nứt toác trở lại. Sạt lở luôn rình rập khiến sinh hoạt thường ngày bị đảo lộn, người dân luôn trong tình trạng bất an. Khổ nhất là những gia đình có trẻ nhỏ, luôn phải có người lớn túc trực, sơ sểnh là bọn nhỏ rớt nước lúc nào không hay.
Được biết, hơn 20 hộ dân ở đây hiện nằm trong khu vực giải tỏa bàn giao diện tích nhà, đất cho các đơn vị thi công xây dựng kè chống sạt lở. Nhưng đã gần 3 tháng trôi qua, kể từ thời điểm sạt lở nguy hiểm nhất xảy ra vào cuối tháng 6, người dân vẫn chưa nhận được thông báo giá cả đền bù nhà, đất bị thu hồi để có thể yên tâm “cân đo đong đếm” túi tiền rồi mua đất di dời sang chỗ ở mới.
Tại nhà chị Đoàn Thị Mai Hoa, một trong 4 hộ dân nằm ngay vị trí sạt lở nguy hiểm nhất, chúng tôi quan sát thấy ngôi nhà cấp 4 của chị rạn nứt, xiêu vẹo, chỉ chực đổ sập.
Do chồng bỏ đi từ lâu, một nách chị nuôi 2 con nhỏ nên khi thấy nhà nguy hiểm, chị bấm bụng gửi con gái lớn học lớp 10 sang ở với nhà ngoại, còn con trai nhỏ thì gửi sang nhà nội. Một mình chị ở lại giữ nhà và buôn bán, đêm đến nếu không mưa chị trải chiếu trước hiên nhà ngủ cho an toàn.
Còn khi trời mưa, vào nhà ngủ mà tâm trạng thấp thỏm, lo âu vì nếu lỡ xảy ra sạt lở thì có thể ngôi nhà sẽ bị cuốn xuống sông.
BẤT ĐỒNG VỀ ĐỀN BÙ GIẢI TỎA
Nếu như các hộ dân ở tổ 4, xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè đang khắc khoải chờ cơ quan chức năng áp giá đền bù, thì ngược lại, một số hộ dân ở phường 27, quận Bình Thạnh dù đã được thông báo giá đền bù nhưng lại bất chấp nguy hiểm để bám nhà do không đồng tình với mức giá bồi thường.
Trước đây, TP.HCM có nhiều giải pháp thi công xây dựng các bờ kè, tường bê tông cốt thép, cừ bê tông dự ứng lực và gần đây nhất là sử dụng kè nhựa UPVC để bảo vệ chống sạt lở hệ thống sông, kênh, rạch.
Thế nhưng các giải pháp tốn nhiều kinh phí, phải duy tu sửa chữa thường xuyên này hiệu quả chưa cao vì thiếu đồng bộ, và đa phần trong khi thực hiện thường chậm tiến độ do quá trình giải phóng mặt bằng cùng ngân sách vốn bị rót chậm do thiếu hụt. 
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Nhánh (ngụ tại 97 đường số 3, tổ 24, phường 27) cho biết: “Gia đình tôi mua căn nhà này từ năm 1991, có diện tích 75,2 mét vuông với giá 4 cây vàng. Hiện nay nhà tôi đã trở thành mặt tiền đường nhưng tiền đền bù thấp (khoảng 600 triệu đồng) và lại cấp đất tái định cư ở tận huyện Bình Chánh nên gia đình không chấp nhận”.
Bà Nhánh cũng cho biết thêm, vì thuộc khu quy hoạch nên căn nhà cấp 4 của gia đình dù ọp ẹp, xiêu vẹo, nứt vách, sụt nền do ảnh hưởng bởi sạt lở nhưng không thể sửa chữa vì sắp giải tỏa. Vài người con của bà lập gia đình và có con nhỏ do sợ nguy hiểm nên đã dọn ra ngoài thuê phòng trọ, còn lại bà và những người khác do điều kiện không cho phép nên buộc phải ở lại. 
Gần đó, hộ bà Nguyễn Thị Xuân Mai (số 6/A4) và hộ ông Ngô Hoàng Tuấn (số 125) cùng một số hộ khác tại khu vực này cũng không chấp nhận di dời vì cho rằng giá đền bù thấp.
Việc bất đồng về giá đền bù này đang tạo ra nhiều mối nguy hiểm cho người dân nơi đây. Và vô tình các hộ dân gián tiếp làm công trình trọng điểm của TP.HCM (đoạn 1.4 thuộc kè bảo vệ bờ sông Thanh Đa – Bình Quới) có nguy cơ “dậm chân tại chỗ” vì không có mặt bằng thi công.
Theo tìm hiểu của PV, từ tháng 2/2014 UBND TP.HCM đã ban hành đề án quy hoạch bố trí dân cư phòng tránh thiên tai giai đoạn 2014 - 2016. Theo đó, từ nay đến hết năm 2016 sẽ tiến hành di dời gần 1.300 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm ở các địa bàn như: Quận 2, Bình thạnh, Thủ Đức, Nhà Bè...
Và đến hết năm nay sẽ di dời 647 hộ, sang năm 2015 là 388 hộ và đến năm 2016 sẽ di dời hết 259 hộ dân còn lại ra khỏi các khu vực nguy hiểm.
Trước mắt, theo quan sát của PV, tại các khu vực sạt lở, Khu Quản lý đường thủy nội địa thuộc Sở GT-VT TP.HCM đã thi công khắc phục tạm thời, cắm biển cảnh báo sạt lở. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến sạt lở để cảnh báo nhân dân chủ động di dời phòng, tránh các thiệt hại có thể xảy ra.
Tuy nhiên, chính quyền cảnh báo cứ cảnh báo, người dân lại đưa ra nhiều lý do, đặc biệt là việc bất đồng trong việc đền bù giải tỏa khiến họ cứ “liều mình” sống ngay sát miệng… hà bá!
THIẾU “NHẠC TRƯỞNG” VÀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ
Trong thời gian qua, việc phòng chống sạt lở ở TP.HCM nói riêng và cả ở ĐBSCL nói chung còn rất bị “động”, chưa có bài bản tổng thể. Nghĩa là xói lở ở đâu thì nghiên cứu làm công trình kè chống sạt lở ở đó theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”.
Các cơ quan chức năng chưa chủ động được trong công tác phòng - chống sạt lở, hiệu quả đạt được khi thực hiện là chưa cao.
Do đó, để phòng chống và hạn chế tác hại của sạt lở một cách triệt để, về lâu dài, cần phải xây dựng ngay một bộ Quy hoạch tổng thể “chỉnh trị” cho hệ thống sông ngòi, kênh rạch trên toàn vùng.
Các ngành có liên quan phải cùng tham gia vào quy hoạch chỉnh trị này. Trên cơ sở có sự thống nhất của các ngành, quy hoạch chỉnh trị sẽ được thực hiện từng bước. 
Trong đó, các trọng điểm sạt lở nghiêm trọng cần phải được ưu tiên chỉnh trị trước, rồi từng bước thực hiện chỉnh trị cho các khu vực thứ yếu kế tiếp. Trong điều kiện chưa đủ nguồn lực kinh tế, cần phải có dự báo sạt lở, tổ chức di dời tại các trọng điểm nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.
(PGS.TS Đinh Công Sản - Viện Khoa học Thủy lợi)
  ĐÌNH LONG

No comments:

Post a Comment