(Baodatviet) - Những mặt hàng trong nước sản xuất được như cây tăm, sợi chỉ, cục xí muội… Việt Nam đã nhập từ Trung Quốc nhiều năm nay, số lượng ngày càng tăng.
Nhập từ cây tăm, sợi chỉ
Báo cáo của Tổng cục Thống kê và Bộ Công thương cho thấy kim ngạch xuất khẩu cả nước 8 tháng đầu năm đạt 97 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 9,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, trong tổng số 93,3 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, có đến 27,6 tỷ USD các doanh nghiệp phải nhập từ thị trường Trung Quốc.
Theo đó, với nhu cầu tiêu dùng thường tăng trong những tháng cuối năm sẽ đẩy con số nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam có thể chạm mốc 40 tỷ USD trong năm nay.
Hiện Việt Nam nhập khẩu hàng hóa, nguyên phụ liệu, vải các loại, xơ sợi dệt các loại, nguyên phụ liệu dệt may da giày, máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng, chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm từ chất dẻo, thức ăn gia súc và nguyên liệu...
Thậm chí dù là nước xuất khẩu tre và các sản phẩm từ tre rất lớn, nhưng hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu các mặt hàng được sản xuất từ nguyên liệu này. Cùng với đó là một lượng lớn tăm, đũa từ Trung Quốc lên đến hàng nghìn tấn thẩm lậu vào nội địa mà không được kiểm soát.
Tăm tre Trung Quốc đội lốt doanh nghiệp Việt tràn lan trên thị trường Việt Nam |
Về vấn đề này, ông Trần Văn Tuyến, chủ cơ sở sản xuất tăm tre xã Quảng Phú Cầu, Ứng Hòa, Hà Nội từng cho biết trên VTV rằng, vấn đề không phải làm tăm, đũa khó, mà cái khó là tìm được thị trường tiêu thụ cho sản phẩm. Không cạnh tranh được về giá cả, mẫu mã của Trung Quốc, nhiều làng nghề tăm tre truyền thống chấp nhận bỏ thị trường mà lẽ ra đó phải là thế mạnh.
Ngay như chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ đầu mối cung cấp hàng hóa cho các chợ miền bắc và một số tỉnh miền trung có thời điểm hàng Trung Quốc chiếm tới 90%, tiểu thương tại chợ đã từng lên tiếng chê doanh nghiệp Việt Nam thua kém doanh nghiệp Trung Quốc khi không thể sản xuất cái kim, cuộn chỉ, sản xuất các sản phẩm hoa quả khô trong khi nguồn nguyên liệu dồi dào... Đồng thời cũng không biết cách tiếp thị, phân phối, làm khó tiểu thương.
“Doanh nghiệp Trung Quốc có cách tiếp thị rất tốt, các vị nên học Trung Quốc vì họ tiếp thị từ giám đốc, cho đến lãnh đạo đến tận nơi, xem tận mắt, thuê hẳn chỗ kinh doanh tiếp thị hàng. Người mua chỉ cần mua 2- 3 đôi người ta cũng bán nhưng doanh nghiệp trong nước lại bắt chúng tôi nếu phải mua vài trăm đôi trong khi quầy hàng có hơn 2m2 nên chúng tôi không thể nhập hàng. Cái này là kém người ta”, bà Nguyễn Thị Dung- tổ trưởng tổ buôn bán giày dép tại chợ Đồng Xuân từng nói.
Lời giải bài toán giảm phụ thuộc?
Vấn đề kinh tế Việt Nam phụ thuộc kinh tế Trung Quốc đã được đặt ra mạnh mẽ và quyết liệt vào thời điểm Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam. Ông Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Uỷ ban giám sát tài chính Quốc gia từng cảnh báo: “Nhập khẩu những nguyên liệu, máy móc là đầu vào cho quá trình sản xuất còn chấp nhận được. Nhưng nhập cả que tăm, đôi đũa… cùng rất nhiều hàng hoá mà Việt Nam đã sản xuất tốt thì không ổn”.
Nhập siêu từ Trung Quốc so với tổng nhập siêu từ các nguồn khác giai đoạn 2000 - 2013. Đơn vị: tỷ USD. Nguồn: Tổng cục Hải quan |
Ông Vũ Viết Ngoạn nhận xét, ngay cả với nguyên vật liệu đầu vào, các doanh nghiệp Việt cũng nên cân nhắc tìm nguồn khác ngoài Trung Quốc để đa dạng hoá, tránh rủi ro.
Nêu quan điểm về vấn đề này, trên tờ TBKTSG, TS Phạm Sỹ Thành- Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) từng cho biết, Việt Nam chưa nhận được những ích lợi từ thương mại giống như những gì mà Malaysia, Thái Lan, Philippines hay Singapore nhận được từ Trung Quốc, vì vậy, cần cải thiện chất lượng thương mại với Trung Quốc.
"Vấn đề thực sự của nhập siêu với Trung Quốc là nhập khẩu từ nước này đang trực tiếp phục vụ cho hoạt động sản xuất thường ngày (bao hàm cả ý nghĩa cung cấp công nghệ) của các doanh nghiệp nằm trong lãnh thổ Việt Nam. Chỉ 20% kim ngạch nhập khẩu là hàng tiêu dùng. Điều này tác động lâu dài đến khả năng nâng cấp công nghệ của doanh nghiệp bản địa.
Có khả năng Việt Nam rơi vào hiệu ứng giải công nghiệp hóa sớm khi chỉ xuất khẩu được sang Trung Quốc các hàng hóa dựa vào tài nguyên và nhập khẩu hàng công nghiệp chế tạo thành phẩm. Về lâu dài, sẽ làm suy giảm năng suất của Việt Nam dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế trong dài hạn", TS Phạm Sỹ Thành nói.
Hà Anh
No comments:
Post a Comment