Friday, September 5, 2014

Người Sài Gòn nhớ Sài Gòn xưa

Đường phố Sài Gòn ngày nay.RFA
Nhóm phóng viên tường trình từ VN 2014-09-05
Với những cư dân lâu năm của Sài Gòn, thành phố này ngoài ý nghĩa là nơi cư trú, đây còn là kỉ niệm và chiếc nôi văn hóa phía Nam đất nước, nơi lưu giữ những dấu vết cổ xưa để người Sài Gòn có thể ra đường, đi vài chục bước đã gặp những con phố sầm uất, phồn thịnh và trầm mặc, bắt gặp mùi hương lưu cửu của Sài Gòn ba trăm năm trước, và cách đó không xa, một Sài Gòn khác nhộn nhịp ngựa xe, ồn ào phố thị với nhịp điệu cuống cuồng, hối hả… Đó là đặc trưng của Sài Gòn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bóng dáng của Sài Gòn xưa đang dần mất đi, thay vào đó là một chuỗi những công trình bê tông hóa khiến cho thành phố ngày càng trở nên xa lạ với những ai từng gắn bó và sống với Sài Gòn.

Những dấu xưa mất dần

Một vị trí thức Sài Gòn, không muốn nêu tên, chia sẻ: “Thực ra thì Sài Gòn cũng chỉ là một thành phố trẻ thôi, 300 năm không phải là nhiều so với những thành phố khác trên thế giới nhưng so với trong khu vực Đông Nam Á thì Sài Gòn được biết đến không phải do bề dày lịch sử lâu dài của nó mà do nó được thiết kế, được dựng nên mang rất nhiều yếu tố lịch sử, cho nên nếu đập bỏ một di sản ngay giữa trung tâm Sài Gòn, mà thật ra là nó rất đẹp, không kịch cỡm, xấu xí nếu kịch cỡm, xấu xí thì nó đã không đứng vững được hơn 100 năm như thế này, nếu lưu giữ được nó thì Sài Gòn mới là Sài Gòn. Bây giờ người ta đang chứng kiến rất nhiều cảnh cưa đổ những hàng cây cổ thụ xanh, rồi phá chỗ này đập chỗ kia, thì nó đã mang lại nhiều vết thương trong lòng người yêu Sài Gòn lắm rồi, có lẽ đừng xoáy thêm vào vết thương đó trong lòng người Sài Gòn nữa!”
Bây giờ người ta đang chứng kiến rất nhiều cảnh cưa đổ những hàng cây cổ thụ xanh, rồi phá chỗ này đập chỗ kia, thì nó đã mang lại nhiều vết thương trong lòng người yêu Sài Gòn lắm rồi.
-Một cư dân Sài Gòn
Theo vị này, Sài Gòn hiện tại đang mất dần vẻ đẹp của một thành phố mệnh danh hòn ngọc viễn đông một thời, hay nói cách khác là thành phố trung tâm của phía Nam, đồng thời cũng là thủ đô của một nhà nước dân chủ ngắn ngủi này đang mất dần dáng vẻ riêng của nó và đi đến chỗ nó cũng giống y hệt mọi thành phố mới xây dựng, cũng bê tông và thiếu vắng những hàng cây trăm tuổi, cũng nhộn nhịp ngựa xe nhưng thiếu vắng sự bồi hồi của những khu phố yên tĩnh, cổ xưa, cũng thiếu vắng hẳn một triết lý trong xây dựng.
Sở dĩ nói rằng thành phố Sài Gòn hiện tại thiếu hẳn triết lý xây dựng bởi vì thông qua các dự án đập phá và xây dựng, chẳng bao lâu nữa, độ tuổi của thành phố này chỉ còn vài chục năm, không còn là thành phố ba trăm năm như trước đây người ta thường nói. Bởi vì mỗi thành phố có những nét riêng để phân biệt nó với thành phố khác, những nét riêng mang tính lịch sử, thương mại, văn hóa và cư dân cùng với nhịp điệu sống rất riêng của họ. Và khi qui hoạch thành phố, dù muốn hay không, người ta buộc lòng phải nghĩ đến những giá trị đó.
Nói về triết lý xây dựng thành phố, vị này chia sẻ thêm rằng trong xây dựng, nếu có triết lý xây dựng, người ta sẽ chú ý đến những chi tiết gắn với lịch sử, thời gian và có thể qui hoạch mở rộng thành phố để bằng mọi giá giữ lại những nét thuộc về văn hóa, lịch sử. Trường hợp hàng cây xanh trên trăm tuổi bị chặt bỏ để xây dựng đường tàu điện ngầm và phá bỏ thương xá Tax để xây dựng một trung tâm thương mại lớn hơn và nhiều trường hợp qui hoạch vô tội vạ khác cho thấy hiện tại, Sài Gòn không có triết lý xây dựng. Và điều này sẽ dẫn đến hậu quả là một thành phố lai căn ra đời.
Nghĩa là trên danh nghĩa, người ta nói rằng đây là thành phố có độ tuổi lâu đời, nhưng mọi bằng chứng về tuổi đời của thành phố thì tìm không thấy. Và với đà xây dựng này, cái điều người ta tìm thấy được ở thành phố Sài Gòn sẽ chẳng có gì ngoài những dãy nhà tầng tầng lớp lớp bê tông nhưng lại thiếu vắng cây xanh và những con đường luôn đông nghẹt người, tấp nập, đua chen nhưng trống rỗng, vô hồn.

Lấy đi dấu vân tay của một con người

sai-gon-400.jpg
Cây xanh ở Sài Gòn không còn nhiều như trước nữa. RFA PHOTO.
Một cư dân Sài Gòn tên Thi, chia sẻ, sự mất đi của rất nhiều công trình cổ ở thành phố Sài Gòn cũng như hàng cây xanh trăm tuổi và thương xá Tax gần đây đã khiến cho ông thấy hụt hẫng một cách khó hiểu. Vì với ông, mỗi sáng, chừng 5h, đạp xe đi dạo qua những con phố còn vắng bóng người, chỉ có cây xanh và những căn nhà còn ngái ngủ, chỉ có thương xá Tax, dinh Độc Lập, chùa Giác Lâm, cầu chữ Y, phố Lê Công Kiều… lướt qua tầm mắt, ông luôn có cảm giác Sài Gòn rất bình yên, thân thiện và đáng yêu hơn bất kì thành phố nào. Bởi cái nơi ông sinh ra, lớn lên, học hành, làm việc, lấy vợ, sinh con rồi làm ông ngoại, cái nơi mà ông chứng kiến nhiều bận dâu bể, chứng kiến hai chế độ chính trị đi qua, cái nơi mà mới ngày hôm qua, ông còn là một cậu sinh viên trên ghế nhà trường, hôm nay phải hốt hoảng không biết tương lai sẽ ra sao, mọi sự đổi thay trong chốc lát đối với ông kể từ sau 30 tháng Tư năm 1975 đến nay… Sài Gòn đã thành máu thịt của ông, mỗi một góc phố cũ kĩ giống như một nét vân tay để nhận dạng một con người, và thành phố này là một con người hiện hữu trong ông.
Việc xóa dần những dấu vết cũ trên thành phố, với ông Thi chẳng khác nào người ta cố tình lấy đi mọi dấu vân tay của một con người, và sau đó lại tiếp tục phẫu thuật thay hình đổi dạng, thay cả máu và cuối cùng là thay họ đổi tên, biến con người này thành một con người khác nhưng nghiệt ngã là con người khác đấy vẫn mang căn cốt của con người xưa mà lại không thể giống được chính họ. Đó là bi kịch của một thành phố, cũng là bi kịch lịch sử, nó phản ánh sự thiếu vắng những giá trị tinh thần.
Theo ông Thi, có lẽ không riêng gì ông mà sẽ có rất nhiều trí thức nói riêng và cư dân Sài Gòn nói chung tiếc nuối những giá trị đã gắn kết vào tâm thức của họ, những nét xưa cũ của một Sài Gòn hoa lệ, sầm uất, phồn thịnh và lịch lãm đang dần mất đi, thay vào đó là một thành phố mới mẽ với tên tuổi mới mẽ và lộn xộn trên mọi nghĩa, từ dân cư cho đến nhịp sống, Sài Gòn đã vĩnh viễn bị mất đi bóng dáng hòn ngọc viễn đông một thuở.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

No comments:

Post a Comment