Friday, September 5, 2014

Báo Pháp: Giới cầm quyền TQ chuẩn bị đối mặt với "thời tiết xấu"

Theo Soha.vn- 05/09/2014 08:22

Các vụ bạo loạn tại Tân Cương ngày càng gia tăng


Để đối phó với các biến động khó lường trong tương lai, chính quyền Bắc Kinh chủ trương chống tham nhũng, vuốt ve "giấc mộng Trung Hoa".

Báo kinh tế Les Echos (Pháp) có bài nhận định "Giới cầm quyền Trung Quốc chuẩn bị đối mặt với thời tiết xấu". Theo một số ấn tượng bên ngoài, căn cứ trên lời tuyên bố của các lãnh đạo của nền kinh tế thứ hai thế giới, thì mọi chuyện diễn ra tại Trung Quốc dường như ổn.
Tuy nhiên, dưới vẻ bề ngoài lạc quan này là tình trạng bê bối nhiều mặt của kinh tế Trung Quốc. Để đối phó với các biến động khó lường trong tương lai, chính quyền Bắc Kinh chủ trương chống tham nhũng, vuốt ve "giấc mộng Trung Hoa".
Về nợ nần của chính quyền địa phương, một chủ đề nhạy cảm, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc tuyên bố tình hình "nằm trong vòng kiểm soát". Thủ tướng Lý Khắc Cường thì tuyên bố "tin tưởng" vào triển vọng tăng trưởng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tỏ rõ một thái độ bình thản qua phong thái lãnh đạo đất nước. Trên thực tế, theo Les Echos, dưới vẻ bề ngoài lạc quan này là tình trạng bê bối nhiều mặt của kinh tế Trung Quốc.
Nhà ở hạ giá, ngày càng có thêm nhiều thành phố phải đưa ra các biện pháp kích thích thị trường bất động sản, khu vực chiếm đến 15% GDP, một động lực chính của tăng trưởng. Tình trạng này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của các ngân hàng và ngân sách của các chính quyền địa phương.
Theo đánh giá của Les Echos, khả năng hành động hiện nay của Bắc Kinh bị thu hẹp hơn nhiều so với năm 2008. "Cho dù kịch bản đen tối về một sự sụp đổ toàn diện chưa phải là điều có thể xảy ra trước mắt… chính quyền hiểu rằng các biện pháp mà họ thường dùng để chống lại tình trạng kinh tế trì trệ đều đã được khai thác. Trong tương lai, việc đưa ra các chương trình chấn hưng sẽ chỉ giới hạn ở một số mục tiêu, và ở quy mô vừa phải, nếu không sẽ chỉ khiến nợ nần thêm trầm trọng".
Để củng cố quyền lực trong bối cảnh kinh tế trì trệ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành cuộc chiến chống tham nhũng quy mô lớn, với đỉnh cao là cuộc điều tra chính thức nhằm vào Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên thường vụ Bộ chính trị, nguyên cầm đầu ngành an ninh Trung Quốc, vốn được coi là nhân vật bất khả xâm phạm.
Chiến dịch tuyên truyền đề cao Đặng Tiểu Bình vừa diễn ra cũng được coi là phương tiện mà Tập Cận Bình sử dụng để "gia tăng đoàn kết nội bộ của một đảng chính trị, mà dưới thời Mao, đã từng là nơi sinh ra nhiều thảm kịch".
Con đường thứ hai mà chính quyền Trung Quốc sử dụng để chuẩn bị đương đầu với các thách thức lớn sắp tới là vuốt ve "giấc mộng Trung Hoa" của người Trung Quốc, muốn tìm lại vị thế quốc tế của một đại cường quốc, "chấm dứt những nỗi nhục hàng thế kỷ" mà Trung Quốc cho rằng mình phải chịu đựng. Chiến dịch tư pháp nhắm vào các doanh nghiệp nước ngoài có mục tiêu như vậy, nhưng đặc biệt được chú ý là các hành động nhằm khẳng định vị thế của Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự - ngoại giao.
Sau sự cố chiến đấu cơ Trung Quốc chạm trán với phi cơ Mỹ ở Biển Đông, tờ báo dân tộc chủ nghĩa Hoàn Cầu Thời báo tuyên bố tàu Trung Quốc sẽ tuần tiễu ở sát bờ biển Hoa Kỳ. Theo Les Echos, dù ở nông thôn, hay thành thị, giàu hay nghèo, già hay trẻ, đây là chủ đề mà người Trung Quốc thường dễ tìm được tiếng nói chung.

No comments:

Post a Comment