Friday, June 20, 2014

Sau Nam Hải 9, Trung Quốc đưa thêm 3 giàn khoan vào Biển Đông

Sau chưa đầy 2 tháng đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc đang điều thêm 3 giàn khoan tới Biển Đông để khai thác dầu mỏ và khí đốt, gây bất ổn an ninh trong khu vực.
Hãng tin Reuters cho hay theo thông tin đăng tải trên website của Tổng cục An toàn Hàng hải Trung Quốc (Cục Hải sự), giàn khoan Nam Hải số 2 và số 5 sẽ được triển khai ở vùng biển giữa miền nam Trung Quốc và quần đảo Đông Sa hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Đài Loan. Giàn khoan Nam Hải số 4 sẽ hoạt động gần bờ biển Trung Quốc. 
Dù không công bố các giàn khoan trên thuộc sở hữu của ban ngành nào song Tổng cục An toàn Hàng hải Trung Quốc khẳng định cả 3 giàn khoan này sẽ duy trì hoạt động tại các vùng biển trên tới ngày 12/8.
Giàn khoan Nam Hải 9 hồi còn dưới tên Transocean Richardson.
Hồi đầu tuần này, Bắc Kinh đã điều giàn khoan Nam Hải 9 tới cửa vịnh Bắc Bộ. Tính tới ngày hôm nay (20/6), giàn khoan Nam Hải 9 của Trung Quốc đang hoạt động bên ngoài Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Hành động điều động thêm 3 giàn khoan tới Biển Đông cho thấy Trung Quốc ngày càng hung hăng trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát vùng biển chiến lược giàu tài nguyên tại châu Á. 
Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời ông Zhuang Goutu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Hạ Môn nhận định việc triển khai hàng loạt giàn khoan dầu là "hành động mang tính chiến lược" của Trung Quốc. 
"Tăng số lượng giàn khoan dầu trên Biển Đông sẽ gây tâm lý chấn động cho Việt Nam và Philippines", ông Zhuang nói.
Trước đó, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) từng tuyên bố sẽ cho triển khai 4 dự án ở miền tây và miền đông Biển Đông trong nửa cuối năm 2014. Tuy nhiên, không rõ các giàn khoan mới được Trung Quốc điều động có nằm trong 4 dự án trên hay không.
Mặc dù, phát ngôn viên của CNOOC đã từ chối đưa ra lời bình luận, song công ty này lâu nay không giấu diếm tham vọng mở rộng phạm vi khai thác tại các vùng biển sâu ngoài khơi Trung Quốc. Theo CNOOC, trong năm 2014, công ty này sẽ tăng khoản chi tiêu vốn hàng năm lên mức 20 tỷ USD. 
Hành động Trung Quốc di chuyển và hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trị giá 1 tỷ USD thuộc sở hữu của CNOOC vào vùng biển thuộc Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chỉ cách đảo Lý Sơn 119 hải lý gần quần đảo Hoàng Sa hồi đầu tháng Năm, đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. 
Trước đó, Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố chủ quyền trên 90% diện tích Biển Đông – khu vực mà cả Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan cùng khẳng định chủ quyền.  
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin Reuters (Anh), một trong những hãng tin lớn nhất thế giới. Reuters cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho rất nhiều tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới.
Thứ Sáu, ngày 20/6/2014 - 15:48
Theo MINH THU /Infonet

No comments:

Post a Comment