Friday, June 20, 2014

GS Thayer: Cần đưa Trung Quốc ra Hội Đồng Bảo An

ĐÀ NẴNG 20-6 (NV) - Việt Nam nên đưa vụ Trung Quốc đặt giàn khoan dò tìm dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của mình ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để thúc đẩy họ rút đi.


Quang cảnh cuộc hội thảo quốc tế về Trường Sa - Hoàng Sa ở Đà Nẵng ngày 20/6/2014. (Hình: VietnamNet)

Đó là ý kiến của ông Carl Thayer, chuyên viên về các vấn đề Việt Nam và Đông Nam Á của Học viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc, tại cuộc hội thảo “Hoàng Sa – Trường Sa : Sự thật lịch sử” ở Đà Nẵng ngày 20/6/2014. Cuộc hội thảo này do hai tỉnh thị Đà Nẵng và Quảng Ngãi phối hợp tổ chức, quy tụ rất nhiều chuyên viên và phân tích gia quốc tế hiểu biết về tranh chấp Biển Đông.

Theo ông Thayer, ngày 9/6/2014 Trung Quốc đưa tới Liên Hiệp Quốc (LHQ) bản “Tuyên bố lập trường” về giàn khoan HD981 mà họ nói là đưa tới phía nam quần đảo Hoàng Sa hoàn toàn ở trong vùng lãnh thổ của Trung quốc. Họ cáo buộc Việt Nam can thiệp “trái phép” vào các hoạt động thăm dò dầu khí bình thường của Trung Quốc, lại còn cho tàu võ trang tới đâm vào tàu của họ. Các tin tức và hình ảnh được phía Việt Nam đưa ra trước dư luận quốc tế đều chứng minh ngược lại.

Ông Thayer cho rằng, Mỹ và Úc nên thúc đẩy Hội đồng Bảo an tranh luận về vấn đề đối đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực giàn khoan HD981. Nhật và các quốc gia khác có quyền lợi hàng hải liên quan đến Biển Đông cũng nên tham dự.

“Trung Quốc không nên được phép theo đuổi cuộc chiến thông tin để đạt được cả hai mục tiêu: tuyên truyền quan điểm của mình lên LHQ thông qua “bản tuyên cáo” lập trường nhưng cùng lúc lại từ chối tham dự một phiên tòa LHQ.” Ông Thayer trình bày trong bản tham luận đọc tại cuộc hội thảo nói trên.

Tháng Ba vừa qua, Philippines đã nộp ở tòa án LHQ về Luật Biển một bộ hồ sơ dày tới 4,000 trang giấy, kiện Trung Quốc tuyên bố chủ quyền một diện tích chiếm gần hết Biển Đông dựa vào 9 vạch hình “Lưỡi Bò.” Tòa Trọng Tài Thường Trực (PCA), trụ sở ở The Hague, Hòa Lan, là cơ quan cuối cùng thụ lý vụ kiện.

Hồi đầu Tháng 6, PCA loan báo cho Trung Quốc đến giữa Tháng 12 phải phúc đáp bằng văn bản về vụ kiện của Philippines, để “bảo đảm công bằng cho cả hai bên” dù nhiều lần Bắc Kinh đã tuyên bố không tham dự vụ kiện và cũng không công nhận phán quyết.

Một trong những tàu Cảnh sát biển Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm vỡ mạn ở vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam (Hình: Cảnh sát biển Việt Nam)

Theo tờ Thanh Niên tường thuật bài tham luận của ông Thayer, ông cho rằng nếu Trung Quốc từ chối có một phiên tranh luận về giàn khoan Hải Dương 981 thì chính nước này sẽ tự hủy hoại nỗ lực dùng LHQ cho mục đích tuyên truyền của mình. Hoặc cũng rất có khả năng Bắc Kinh sẽ dùng tư cách Ủy viên thường trực tại Hội đồng Bảo an để phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào lên án hành vi của mình tại biển Đông.

“Thế nhưng, cho dù có như vậy thì ít ra các cuộc tranh luận về tính nghiêm trọng của việc hạ đặt giàn khoan cũng đã được tiếp tục. Và từ đó, cộng đồng quốc tế có quyền yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan”. Ông nói.

Thật ra, từ khi xảy ra vụ giàn khoan HD 981, ngày 12/5/2014, ông Hoàng Ngọc Giao, chuyên gia về công pháp quốc tế, Viện trưởng nghiên cứu chính sách và phát triển Việt Nam, đã đề nghị đưa Trung Quốc ra Hội đồng Bảo an. Báo Tuổi Trẻ  đăng bức thư ngỏ của ông Giao gửi ông thủ tướng CSVN có đoạn viết rằng, hành vi của Trung Quốc “về quy mô và mức độ là rất nguy hiểm, đang đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định tại khu vực Đông Nam Á, vi phạm thô bạo luật quốc tế.”

Bức thư ngỏ viết rằng “Theo quy định tại Điều 34 Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có thẩm quyền điều tra và xem xét về tính chất và mức độ đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế của hành vi Trung Quốc dùng vũ lực tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.”

Ngày 21/5/2014, trả lời phỏng vấn của hai hãng thông tấn AP và Reuters, ông thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng nói “Chúng tôi đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế.”

Tuy nhiên, tới giờ này, không thấy Hà Nội đưa ra tín hiệu gì cho biết vụ kiện có thể đang được chuẩn bị tiến hành tích cực tới đâu hay chỉ là lời dọa suông. Tin tức cho hay hiện Trung quốc đưa thêm 3 dàn khoan nữa xuống khu vực Biển Đông.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là cơ quan chính trị quan trọng nhất và hoạt động thường xuyên của LHQ, chịu trách nhiệm chính về việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Những nghị quyết của Hội đồng Bảo an được thông qua mà phù hợp với Hiến Chương LHQ thì bắt buộc các nước thành viên của tổ chức phải thi hành. Hội đồng Bảo an không phục tùng Đại hội đồng LHQ.

Mọi nghị quyết của Hội đồng Bảo an chỉ được thông qua với sự đồng thuận của 5 nước thành viên thường trực là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Nếu một trong các thành viên thường trực bỏ phiếu chống lại, hành động này gọi là “phủ quyết”. Ngoài những thành viên thường trực kể trên, Hội đồng Bảo an còn có 10 thành viên không thường trực được bầu luân phiên theo kết quả bầu cử tại đại hội đồng LHQ với nhiệm kỳ 2 năm. (TN)

06-20- 2014 2:14:48 PM

No comments:

Post a Comment