Cho rằng đối tác làm giả chữ ký của mình trong giấy vay nợ, bà Thoa làm đơn tố cáo tới công an. Sau một thời gian dài với hàng loạt kết luận giám định, mới đây, chính bà Thoa, người đi tố cáo, lại trở thành bị cáo và bị tuyên phạt án tù.
Tòa àn nhân dân tỉnh Lào Cai vừa mở phiên tòa sơ thẩm xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thoa (SN 1960, trú tại Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) 10 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Nội dung vụ án được TAND tỉnh Lào Cai xác định, ngày 31/5/2008, bà Thoa có vay của bà Nguyễn Thị Hợi (trú tại thị trấn Sapa, Lào Cao) số tiền 1,9 tỷ đồng. Do không muốn trả nợ, bà Thoa đã không thừa nhận chữ ký trên giấy vay tiền của mình với bà Hợi. Đồng thời, bà Thoa làm giả nhiều giấy tờ biên nhận giữa mình và bà Hợi về việc xác định chữ ký trên giấy nhận nợ ngày 31/5/2008 là giả, nhằm chiếm đoạt số tiền 1,9 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Thoa từng được nhiều cơ quan Nhà nước tuyên dương vì có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.
Dựa trên những chứng cứ và lời khai của các bên trước tòa, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Lào Cai đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thoa 10 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 140 Bộ luật hình sự.
Trước đó, ngày 16/5/2013, Dân trí đã đăng tải bài viết ““Lạ lùng” người đi tố cáo có nguy cơ trở thành… bị cáo” thông tin khá cụ thể về vụ án này. Theo đó, vụ án xuất phát từ một quan hệ dân sự liên quan đấy giấy nhận nợ giữa bà Thoa và bà Hợi. Nghi ngờ bà Hợi giả mạo chữ ký của mình trong giấy nhận nợ để lừa đảo, bà Thoa đã tố cáo hành vi của bà Hợi tới cơ quan công an.
Đầu năm 2009, sau khi xác định chữ ký trên tờ giấy nhận nợ không phải của bà Thoa, Công an tỉnh Lào Cai lại có hành vi vi phạm tố tụng là giao giấy nhận nợ trên cho bà Hợi - người bị tố cáo - để bà này khởi kiện ra tòa dân sự.
Trải qua thời gian dài, với hàng chục bản kết luận giám định chữ ký của nhiều cơ quan chức năng có nội dung trái ngược nhau, vụ án bất ngờ bị CQĐT xoay ngược tình thế, “biến” người đi tố cáo thành bị cáo và đã phải nhận án tù.
Mấu chốt trong vụ án này là chữ ký trên tờ giấy nhận nợ ngày 31/5/2008 giữa bà Thoa và bà Hợi. Sau khi làm đơn tố cáo hành vi của bà Hợi, bà Thoa còn giao nộp 3 tỷ đồng cho cơ quan công an để trả cả gốc và lãi cho bà Hợi nếu cơ quan chức năng có thẩm quyền xác định chữ ký trên đúng là chữ ký của mình.
Theo Luật Giám định tư pháp, bà Thoa và các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai đã gửi mẫu chữ ký trên giấy nhận nợ ngày 31/5/2008 cùng các mẫu chữ ký đối chứng đi giám định. Đã có tới 4 tổ chức tham gia giám định chữ ký trên giấy nhận nợ trên, cho ra 6 kết quả trái ngược nhau.
Sau đó, nhiều tổ chức cũng tham gia giám định chữ ký của bà Hợi trong những giấy biên nhận giữa bà Thoa và bà Hợi, cho nhiều kết quả trái ngược nhau.
Luật sư Đỗ Cao Thắng - nguyên Thẩm phán, Chánh tòa kinh tế TAND tối cao - cho hay: “Theo Luật Giám định tư pháp, các kết luận giám định bình đẳng nhau, không phụ thuộc vào tổ chức giám định. Các kết luận trái ngược nhau về một nội dung giám định không cho phép chấp nhận hay bác bỏ kết luận nào.”
Vậy mà, tại phiên tòa sơ thẩm, không biết vô tình hay cố ý, tất cả những giám định viên giám định mẫu chữ ký của bà Thoa và bà Hợi cho kết quả “có lợi” cho bà Hợi được TAND tỉnh Lào Cai triệu tập. Những giám định viên của các tổ chức khác từng tham gia giám định cho kết quả ngược lại thì không được triệu tập.
Bị luật sư bào chữa cho bị cáo hỏi về việc không triệu tập các giám định viên trên, đại diện Viện KSND tỉnh Lào Cai không đưa ra được lý do nào. Bản án của TAND tỉnh Lào Cai tuyên phạt bà Nguyễn Thị Thoa 10 năm tù cũng bị “vấp” về vấn đề này khi chủ tọa phiên tòa tuyên án.
Ngay trước vành móng ngựa, bị cáo Nguyễn Thị Thoa tuyên bố sẽ kháng cáo, đồng thời đặt nghi vấn về sự công tâm của một số giám định viên tham gia giám định các chữ ký trong vụ án này.
Tiến Nguyên
No comments:
Post a Comment