Cục An toàn thực phẩm cho biết: Để triển khai Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) và Luật ATTP, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 178/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 31/12/2013 thay thế Nghị định số 91/2012 với một số điểm mới, nổi bật.
Bảo đảm đủ sức răn đe
Trước hết, Nghị định 178 quy định rõ: Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về ATTP là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm. Như vậy, mức phạt tiền đối với cá nhân và tổ chức vi phạm là khác nhau, cùng một hành vi vi phạm hành chính, mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Ngoài mức phạt tiền được quy định như nêu trên, đối với các vi phạm hành chính về ATTP có tính chất nghiêm trọng như: Sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng động vật mắc bệnh truyền nhiễm, động vật chết do bệnh, dịch bệnh để sản xuất, chế biến thực phẩm,… thì mức tiền phạt được tính bằng 3,5 lần giá trị thực phẩm vi phạm đối với cá nhân hoặc 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm đối với tổ chức vi phạm.
Như vậy, mức tiền phạt đối với những hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng, Nghị định 178 không quy định mức tiền phạt tối đa mà theo giá trị hàng hóa vi phạm và có thể lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng.
Cục ATTP cho rằng quy định này sẽ bảo đảm đủ sức răn đe, buộc các đối tượng cố tình vi phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng các quy định về bảo đảm ATTP phải chấm dứt vi phạm, thậm chí đóng cửa. Trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển cơ quan pháp luật để điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mở rộng thẩm quyền lập biên bản VPHC
Bên cạnh đó, so với Nghị định số 91/2012, Nghị định số 178 mở rộng thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính nhằm phát huy được vai trò của lực lượng công chức, viên chức công tác tại các tuyến, nhất là tuyến huyện, tuyến xã trong việc lập biên bản vi phạm hành chính.
Qua đó sẽ giúp cho việc xử phạt vi phạm hành chính tại tuyến cơ sở được khả thi hơn, đặc biệt là việc xử phạt vi phạm hành chính về ATTP đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
Tương tự, về các chức danh có quyền xử phạt vi phạm hành chính về ATTP, Nghị định 178 quy định bổ sung một số chức danh như: Chi cục trưởng thuộc các Sở Y tế, NNPTNT, Công Thương được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành ATTP; Tổng cục trưởng, Cục trưởng thuộc các Bộ Y tế, NNPTNT, Công Thương được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành ATTP và Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về ATTP có quyền xử phạt VPHC về ATTP.
Phân định rõ thẩm quyền của các cơ quan
Bên cạnh đó, Nghị định số 178 cũng quy định phân định rõ thẩm quyền xử phạt VPHC cho các chức danh có quyền xử phạt như: Chủ tịch UBND các cấp; chiến sĩ Công an thuộc Công an cấp xã, huyện, tỉnh; thanh tra chuyên ngành; người có thẩm quyền xử phạt của các cơ quan quản lý thị trường; Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển…
Cục ATTP cho rằng: Việc phân định rõ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho các chức danh có quyền xử phạt sẽ tránh được sự chồng chéo hoặc bỏ sót trong việc xử lý các vi phạm hành chính về ATTP, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về ATTP.
Cục ATTP cho biết thêm, sau một tháng rưỡi ban hành, Nghị định số 178 đã được các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thông qua việc tuyền truyền, phổ biến, tập huấn.
Đặc biệt, từ ngày 31/12, Nghị định 178 có hiệu lực cũng là thời gian cả nước đang tích cực triển khai các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát về ATTP trong dịp Tết Nguyên đán năm 2014. Do vậy, việc thực hiện nghiêm Nghị định số 178 và các quy định liên quan sẽ góp phần tích cực vào việc lập lại trật tự kỷ cương trong các hoạt động: Nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, bảo quản, vận chuyển, quảng cáo thực phẩm, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, nhằm giúp cho người dân và toàn xã hội có một cái Tết vui tươi và ATTP.
Các vi phạm hành chính về ATTP có tính chất nghiêm trọng, bao gồm:
1. Sử dụng nguyên liệu không bảo đảm ATTP;
2. Sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không có giấy chứng nhận xuất xứ do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định để sản xuất, chế biến thực phẩm;
3. Sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm;
4. Sử dụng động vật mắc bệnh truyền nhiễm, động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, buộc phải tiêu hủy theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để sản xuất, chế biến thực phẩm;
5. Sử dụng nguyên liệu thực phẩm có chứa tạp chất được đưa vào không bảo đảm an toàn thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm;
6. Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có chứa chất độc hại để sản xuất, chế biến thực phẩm;
7. Sử dụng hóa chất bị cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm;
8. Thu gom, bảo quản, kinh doanh thủy sản có tạp chất do được đưa vào;
9. Tổ chức đưa tạp chất vào thủy sản hoặc sơ chế, chế biến thủy sản có chứa tạp chất do được đưa vào;
10. Vận chuyển thủy sản có độc tố tự nhiên gây nguy hại đến sức khỏe con người;
11. Thu gom, sơ chế, bảo quản, chế biến, kinh doanh các loài thủy sản có độc tố tự nhiên gây nguy hại đến sức khỏe con người dùng làm thực phẩm;
12. Sản xuất, nhập khẩu, bán ra thị trường thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến có chứa chất độc hại hoặc nhiễm chất độc hại hoặc nhiễm chất độc hại.
|
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ
No comments:
Post a Comment