Việc hình thành nhiều khu, cụm công nghiệp trong thời gian ngắn ở Quảng Nam đã gây tác hại xấu đến môi trường
Những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã hình thành hàng loạt khu, cụm công nghiệp thu hút nhiều dự án đầu tư. Tuy nhiên, người dân sống gần các khu, cụm công nghiệp hết sức bức xúc vì tình trạng ô nhiễm nước thải, khói bụi nhưng chẳng biết kêu ai.
KCN Bắc Chu Lai, huyện Núi Thành đã có hàng chục doanh nghiệp đầu tư. Người dân sống gần KCN này luôn than vãn về tình trạng ô nhiễm. Người dân thôn Thọ Khương, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành cho biết nước thải chưa qua xử lý từ KCN Bắc Chu Lai thường xả vào đêm tối hay lúc trời mưa lớn, theo đường cống chảy lênh láng ra đồng ruộng, vào tận khu dân cư. Người dân đi làm đồng về thường bị ngứa, trâu bò uống nước kênh mương cũng mắc bệnh, còn cá thì chết trắng bụng.
Từ năm 2010 đến nay, đã có gần 50 người tại 2 thôn nằm gần Khu Kinh tế mở Chu Lai là Vĩnh Đại và Mỹ Bình, xã Tam Hiệp chết vì ung thư, chủ yếu là ung thư gan và phổi. Nghi ngờ nguyên nhân là do nguồn nước thải, khói thải của các nhà máy, xí nghiệp xả ra, người dân và chính quyền địa phương đã phản ánh đến các ngành chức năng. Dù cơ quan chức năng đã lấy mẫu nước sinh hoạt xét nghiệm và kết luận không bị ô nhiễm nhưng người dân vẫn chưa thể yên tâm.
Mới đây, hàng trăm hộ dân ở 2 thôn An Hải Đông và Trung Toàn, xã Tam Quang, huyện Núi Thành cũng liên tục kêu trời vì bụi than các-bon đốt từ lốp xe cao su ở nhà kho của Xí nghiệp cảng Kỳ Hà. Sau khi chính quyền địa phương vào cuộc, doanh nghiệp này mới có biện pháp khắc phục.
Những năm gần đây, người dân huyện Đại Lộc cũng bức xúc vì ô nhiễm môi trường từ các nhà máy sản xuất gạch men, thức ăn chăn nuôi làm lúa chết đầy đồng. Tại huyện Điện Bàn, người dân đã nhiều lần kéo đến phản đối các nhà máy gây ô nhiễm, mới đây là nhà máy sản xuất thép Việt – Pháp…
Những năm gần đây, người dân huyện Đại Lộc cũng bức xúc vì ô nhiễm môi trường từ các nhà máy sản xuất gạch men, thức ăn chăn nuôi làm lúa chết đầy đồng. Tại huyện Điện Bàn, người dân đã nhiều lần kéo đến phản đối các nhà máy gây ô nhiễm, mới đây là nhà máy sản xuất thép Việt – Pháp…
Ông Võ Hồng, Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Nam, nhận định việc đầu tư nhanh và nhiều khu, cụm công nghiệp trong thời gian ngắn đã gây tác hại xấu đến môi trường. Bên cạnh đó, việc đầu tư kết cấu hạ tầng để thu gom, xử lý chất thải ở nhiều khu, cụm công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức; lượng chất thải chưa qua xử lý xả thẳng ra môi trường rất lớn.
Ông Hồng cho biết kết quả giám sát việc thực hiện công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Quảng Nam do Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh vừa tổ chức rất đáng báo động. Đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 5/9 KCN và 3/108 cụm công nghiệp được phê duyệt báo cáo tác động môi trường. Các khu, cụm công nghiệp còn lại dù chưa lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường theo quy định nhưng vẫn được phép đi vào hoạt động.
Cũng theo kết quả giám sát, ngoài các KCN Tam Hiệp, Bắc Chu Lai, Điện Nam – Điện Ngọc, hiện còn đến 51 khu, cụm công nghiệp chưa thực hiện quan trắc môi trường theo quy định. “Đây là một thực tế rất đáng báo động. Có thể mức độ ô nhiễm chưa thấy rõ nhưng nếu không có biện pháp căn cơ để thay đổi, chỉ trong vòng 10 năm tới, hậu quả sẽ khó lường và chính người dân sẽ lãnh đủ” – ông Hồng cảnh báo.
TRẦN THƯỜNG/THEO NGƯỜI LAO ĐỘNG
No comments:
Post a Comment