ĐĂNG BỞI MỘT THẾ GIỚI -
Phạm Thế Anh (*)
Động lực cho tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2013 chủ yếu xuất phát từ khu vực doanh nghiệp FDI và xuất khẩu của khu vực này. Lạm phát, lãi suất và tỉ giá diễn biến theo chiều hướng tốt. Tuy nhiên, các chương trình tái cấu trúc nhằm nâng cao hiệu quả và tăng trưởng dài hạn diễn ra chậm chạp và mới chỉ dừng ở các biện pháp mang tính hình thức hoặc ở dừng bước ban đầu.
Thiếu cải cách đột phá
Kinh tế Việt Nam 2014 được dự kiến tiếp tục tốc độ tăng trưởng trung bình do thiếu những cải cách đột phá mà chỉ thiên về việc xử lý những hậu quả trong quá khứ. Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, trong đó quan trọng nhất là doanh nghiệp nhà nước vừa được Hiến pháp tái khẳng định.
Điều đó có thể làm chậm thêm quá trình thoái vốn/cải cách vốn đã chậm của khu vực kinh tế kém hiệu quả này. Năng suất lao động được dự kiến không có sự cải thiện rõ rệt do không có những đột phá về đào tạo lao động hay các chính sách hỗ trợ thúc đẩy tiến bộ công nghệ. Hơn nữa, ngay cả khi các chương trình này, nếu có, được thực hiện thì cũng cần mất nhiều năm mới phát huy hiệu quả.
Trong khi đó, các công cụ kích thích về phía tổng cầu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đều rất hạn chế. Tỉ lệ cung tiền/GDP của Việt Nam hiện vào khoảng 1,2 lần, do vậy có thể kích hoạt lạm phát tăng trở lại bất cứ lúc nào; thâm hụt ngân sách/GDP tới trên 5%; tỉ lệ nợ công/GDP đang tiến nhanh tới ngưỡng cho phép 65% vào năm 2015 sau những vụ phá sản của một số doanh nghiệp nhà nước lớn mà Chính phủ phải đứng ra bảo lãnh trả nợ tha, và nợ đọng trong xây dựng cơ bản mới được phát hiện ở các địa phương.
Do vậy, Chính phủ có rất ít dư địa chính sách và có lẽ là cũng không muốn mạo hiểm kích thích tổng cầu nhằm đẩy mạnh tăng trưởng.
Động lực cho tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2014 có lẽ vẫn sẽ xuất phát từ FDI và xuất khẩu của khu vực này. Vốn FDI đang tiếp tục chảy mạnh và ổn định vào Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực chế biến chế tạo. Xuất khẩu của khu vực này đóng góp phần lớn vào tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2013 và dự kiến cả năm 2014.
Sự chảy mạnh của dòng vốn FDI vào Việt Nam có lẽ xuất phát một phần từ việc kỳ vọng Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến thông qua trong năm 2014. Khi được thông qua, nó sẽ là một cú hích cho kinh tế Việt Nam, tạo cơ hội lớn cho những doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt trong những lĩnh vực như dệt may và nông thủy sản.
(Ảnh: Akamaihd.net)
Tuy nhiên, những ngành này hiện đang sử dụng rất nhiều nguyên vật liệu nhập khẩu từ các nước nằm ngoài TPP. Do vậy, đầu tư (cả FDI và trong nước) vào các ngành sản xuất cung ứng nguyên vật liệu cho các ngành trên được dự kiến sẽ tăng mạnh nhằm hưởng ưu đãi thuế 0% theo như quy định của TPP.
Nhận thức về rủi ro nợ công và cách quản lý nó chưa được thực hiện một cách cẩn trọng.
Áp lực lạm phát thường trực
Áp lực lạm phát vẫn sẽ thường trực đối với nền kinh tế Việt Nam do chi tiêu công và tăng trưởng tiền tệ của Việt Nam hiện ở mức cao. Chỉ riêng chi tiêu từ ngân sách nhà nước đã chiếm khoảng trên 30% GDP và có tốc độ tăng khoảng 15-20% mỗi năm.
Cung tiền M2 (tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn) trung bình mỗi năm tăng khoảng 15-20% (năm 2012 là 22,4%) và dự kiến sẽ duy trì mức này trong những năm tới khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện tái cấp vốn cho nợ xấu của các ngân hàng thương mại thông qua Công ty Quản lý Tài sản của Các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và hỗ trợ cho việc phát hành trái phiếu của bộ Tài chính.
Thêm vào đó, giá các dịch vụ công như điện, nước, giáo dục, y tế… vẫn sẽ được điều chỉnh tăng theo kế hoạch trong những năm tới nhằm giảm bớt hỗ trợ tài chính từ phía nhà nước. Do vậy, ngay cả trong điều kiện Chính phủ điều hành các chính sách một cách thận trọng thì lạm phát vẫn sẽ ở mức trên dưới 7%/năm. Dự kiến, lạm phát trong năm 2014 sẽ dao động trong khoảng 7-8,5%, cao hơn so với năm 2013.
Tỉ giá VND/USD được dự kiến sẽ chỉ tăng nhẹ khi NHNN tiếp tục duy trì chênh lệch cao giữa lãi suất VND và lãi suất USD. Ngoài ra, sự cải thiện mạnh của cán cân thương mại cộng với lượng dự trữ ngoại hối tăng nhanh trong thời gian gần đây sẽ cho phép NHNN có thể chủ động điều chỉnh giảm giá VND từ từ, dự kiến mỗi năm 2- 3%.
Các mức lãi suất điều hành của NHNN được kỳ vọng tiếp tục giữ nguyên như hiện nay và NHNN sẽ hầu như không có khả năng hạ thêm các lãi suất điều hành do áp lực lạm phát cộng với mục tiêu ổn định tỉ giá.
Tuy nhiên, trái phiếu chính phủ dự kiến sẽ thu hút một lượng vốn lớn trên thị trường tiền tệ khi trần bội chi được nâng lên 5,3% GDP và lượng trái phiếu chính phủ đáo hạn và được phép phát hành thêm trong năm 2014 là rất lớn.
Phải thay đổi cách tiếp cận nợ công
Dù nợ công định nghĩa theo cách nào đi nữa thì không thể phủ nhận rằng quy mô nợ công của Việt Nam đang ngày càng tăng nhanh. Trong đó, nợ của DNNN đang gây ra những rủi ro lớn đối với an toàn nợ quốc gia.
Dù ngưỡng an toàn nợ công nói chung và nợ nước ngoài nói riêng là bao nhiêu đi chăng nữa thì với thâm hụt ngân sách kéo dài như hiện nay, doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả và thua lỗ, cùng sự giám sát lỏng lẻo nợ của các chính quyền địa phương thì Việt Nam sẽ nhanh chóng chạm các ngưỡng đó.
Do vậy, việc sớm chuẩn bị cho một kế hoạch tài khóa bền vững dài hơi sẽ là rất cần thiết giúp cho nền kinh tế tránh được những cú sốc tài khóa tiêu cực trong tương lai.
Hiện nay, Việt Nam giám sát nợ công theo quy mô tương đối của nó so với GDP. Thước đo này đã phần nào gắn với khả năng trả nợ. Tuy nhiên, bên cạnh đó cần có thêm các thước đo về nợ công so với thặng dư ngân sách, so với tổng thu ngân sách hoặc so với dự trữ ngoại hối.
Đáng tiếc là hiện nay ngân sách luôn ở trạng thái thâm hụt trong khi dự trữ ngoại hối không được công bố nên chúng ta không có được các thước đo này.
Bên cạnh đó, cách hạch toán thâm hụt ngân sách còn để nhiều khoản chi ngoại bảng và khó hiểu. Công tác giám sát và thực thi kỷ luật tài khóa chưa được thực hiện chặt chẽ khi chúng ta chưa có các quy tắc/ràng buộc về chi tiêu ngân sách. Ràng buộc tài khoá duy nhất hiện nay có lẽ chỉ là tổng thâm hụt ngân sách/GDP mỗi năm. Và ngay cả ràng buộc này cũng chỉ đặt ra cho có lệ khi Quốc hội thường xuyên phải điều chỉnh nó.
Tổng chi ngân sách trong những năm qua lại luôn vượt dự toán bất kể thu là bao nhiêu. Ngoài ra, thông tin về nợ của doanh nghiệp nhà nước mà Chính phủ có nguy cơ phải đứng ra trả nợ thay chưa được công bố hoặc có công bố nhưng với độ trễ thời gian rất lớn và không đầy đủ.
Tương tự như vậy, nợ của chính quyền địa phương trong lĩnh vực xây dựng cơ bản hiện nay cũng chưa được giám sát sít sao. Tất cả những điều này cho thấy, nhận thức về rủi ro nợ công và cách quản lý nó chưa được thực hiện một cách cẩn trọng.
(*) Tiến sĩ - quyền Viện trưởng viện Chính sách Công và Quản lý tại Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội)
Người Đô Thị - Ảnh minh họa từ Nguoiduatin.vn
No comments:
Post a Comment