(Dân trí) - Một người bán hàng rong kể, thời điểm xảy ra tai nạn
có rất nhiều người hô hoán nhưng một lúc sau đội bảo vệ, cứu hộ mới kéo
được ca nô ra bờ biển. Đang kéo thì xe kéo ca nô bị gãy bánh, lúc nổ
máy thì ca nô lại hết xăng...
>> Vùng biển cuốn chết 7 học sinh có nhiều bãi đá nguy hiểm
Nỗi đau không thể bù đắp của gia đình các nạn nhân
Cái chết thương tâm của 7 em học sinh Trường THCS
Nguyễn Bỉnh Khiêm khiến dư luận bàng hoàng và để lại nỗi đau không gì có
thể bù đắp cho gia đình các nạn nhân. Có rất điều cần được làm rõ từ
chuyến di lịch định mệnh này. Trong ngày 30/12, PV Dân trí đã
tiếp xúc với người nhà của 5/7 em học sinh tử nạn khi tắm biển tại bãi
biển 30/4 huyện Cần Giờ (TPHCM), hầu hết mọi người đều xác định đây là
sự cố ngoài ý muốn nhưng vẫn mong cơ quan chức năng sớm làm rõ nguyên
nhân dẫn đến cái chết thương tâm của 7 học sinh, coi đây là bài học
xương máu trong công tác tổ chức tham quan du lịch cho học sinh và tất
cả mọi người.
Người thân các nạn nhân mong sớm làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong cái chết của 7 học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm
Là người trực tiếp xuống hiện trường và đưa thi thể
em Đoàn Minh Tâm (học sinh lớp 9A6) về, anh Đoàn Minh Đức (bác ruột nạn
nhân) cho biết: “Tôi thấy vùng các cháu tắm là nơi đang thi công công
trình lấn biển. Người ta đã treo biển nguy hiểm, cấm tắm. Vậy mà một
thầy giáo cùng với nhóm học vẫn xuống đó trong khi không có chuẩn bị bảo
hộ gì. Quá chủ quan và tắc trách nên 7 đứa mới phải chết”.
“Trong đoàn đi có tới 14 giáo viên, 5 nhân viên
hướng dẫn của công ty tổ chức du lịch mà vẫn để các em gặp nạn như vậy
thì thật không hiểu nổi họ làm việc kiểu gì, có quan tâm đến học sinh
hay không. Những buổi đi tham quan như vậy việc giám sát và lường trước
hậu quả của các điểm đến là vô cùng quan trọng, có lẽ họ đã không suy
tính đến những vấn đề này” – Anh Đức bức xúc.
Theo một số thông tin mà PV Dân trí nắm
được, thời điểm nhóm học sinh xuống biển tắm có một thầy giáo. Sau vụ
tai nạn của 7 học sinh, thầy giáo này đã được cơ quan công an yêu cầu ở
lại để thực nghiệm hiện trường.
Liên quan đến vụ việc này, ông Dương Thế Phương -
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương, khẳng định Sở sẽ kiểm
điểm nhà trường, trách nhiệm từng cá nhân để xảy ra tắc trách và sẽ xử
lý nghiêm. “Đến thời điểm này chúng tôi cũng chưa nắm bắt được thông tin
cụ thể, hiện phải chờ kết luận điều tra của huyện Cần Giờ. Qua vụ việc
lần này chúng tôi đã có công điện khẩn gửi đến các trường phải dừng toàn
bộ tất cả các hoạt động tham quan, dã ngoại trong thời gian này và cho
đến kết thúc năm học” – Ông Phương cho biết.
Cũng theo ông Phương, việc tổ chức tham quan cho
các em học sinh là một hoạt động cần thiết, bổ ích nhưng phải có tổ chức
và được cơ quan chủ quản cho phép. “Về đợt tổ chức du lịch vừa rồi của
Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, tôi cho rằng các đồng chí đã làm đúng
nhưng sự việc xảy ra là không may. Cần phải xem xét nguyên nhân là do
các em ham chơi hay là do các thầy giáo đã biết trước mà vẫn đưa các
cháu xuống đó” – Ông Phương khẳng định.
Trở lại những thông tin tại hiện trường vụ 7 học
sinh bị sóng cuốn, có nhiều thông tin cho rằng, lực lượng cứu hộ của khu
du lịch đã quá chậm trễ trong việc ứng cứu nhóm học sinh chới với dưới
nước. Theo chị Nguyễn Thị Hằng (người bán hàng rong tại đây), vào thời
điểm xảy ra vụ việc, có rất nhiều người hô hoán nhưng một lúc sau đội
bảo vệ - cứu hộ thuộc Ban Quản lý khu du lịch 30/4 mới kéo được ca nô ra
bờ biển. “Đang kéo ra biển thì xe kéo ca nô bị gãy bánh, đẩy được ra
đến biển để nổ máy thì ca nô lại hết xăng, phía ngoài biển mấy đứa trẻ
đang bấu víu vào nhau rồi chìm dần” - chị Hằng đau xót kể.
Khu vực các em học sinh xuống tắm nằm sát công trình lấn biển với nhiều hố sâu nguy hiểm
Khi được hỏi tại sao đây là công trình đang xây
dựng mà để các em vào tắm, ông Đinh Quang Tuấn - Đội trưởng Đội bảo vệ -
cứu nạn thuộc Ban Quản lý khu du lịch 30/4 khẳng định: “Lúc đó chúng
tôi đã nhiều lần phối hợp với thầy cô giáo để nhắc nhở các em không được
tắm. Thế mà các em không nghe lời, bất chấp nguy hiểm để xuống tắm. Khi
nghe tin, chúng tôi gồm 4 người cứu hộ và 5 bảo vệ lập tức ứng cứu
nhưng không kịp do sóng quá to và các em đã bị cuốn mất”.
Ông Lê Văn Thơm - Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ -
cho biết, nguyên nhân ban đầu có thể là do các em ra khu vực nước sâu
gặp sóng lớn nên cuốn các em đi. Sau vụ 7 học sinh bị sóng cuốn, huyện
đã chỉ đạo các ngành, cơ quan chuyên môn có báo cáo cụ thể và xác định
nguyên nhân. “Giữa bãi tắm nằm liền kề với công trình lấn biển đang thi
công có nhiều hố sâu có phải là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn hay không?
Chúng tôi chưa thể kết luận mà phải chờ kết quả điều tra của công an” -
ông Thơm nói.
Biển cảnh báo nguy hiểm được dựng tạm tại khu vực 7 học sinh gặp nạn
Cũng theo ông Thơm, nhằm đảm bảo an toàn cho du
khách đến bãi biển Cần Giờ, chính quyền địa phương sẽ tăng cường quản lý
trong khu vực cho phép tắm, lực lượng bảo vệ, cứu hộ phải được tăng
cường. Bên canh đó, đối với du khách và các đoàn đến tắm biển phải có
quy chế quản lý, đặc biệt là các em học sinh và trẻ em.
Trung Kiên
No comments:
Post a Comment