Chiều ngày 30-12, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) đã chính thức ra mắt, thay thế Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin kể từ ngày 1-1-2014.
Mặt tiền trụ sở của Vinashin phố Ngọc Khánh chiều 30-12 đã không còn logo của Vinashin nữa. Cái tên “Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin” đã được gỡ bỏ, thay vào đó là logo mới SBIC, nhỏ hơn, với dòng chữ Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC).
Phát biểu tại buổi ra mắt chiều cùng ngày, Chủ tịch hội đồng thành viên SBIC, cũng là cựu Chủ tịch hội đồng thành viên Vinashin, ông Nguyễn Ngọc Sự ví von: “Con tàu Vinashin vừa được trục vớt lên mặt nước”.
Còn Thứ trưởng bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công thì nhấn mạnh rằng để có thể tồn tại và phát triển được, SBIC phải nhớ lại những sai lầm trước đây của Vinashin để không được lặp lại con đường cũ. “(Lãnh đạo tổng công ty) phải làm sao để thay đổi mô hình về chất, để bình mới rượu mới chứ không phải bình mới rượu cũ, phải chứng minh được những sai lầm khó khăn trước đây chỉ là tạm thời”, ông Công nói.
Trước đó, trong bài phát biểu kiểm điểm lại quá trình hình thành và phát triển của Vinashin, ông Sự thừa nhận tập đoàn đã bộc lộ nhiều khuyết điểm, sai sót, không phù hợp với việc hoạt động, quản lý điều hành của một tập đoàn kinh tế.
Ông Sự cho biết, đến nay số nợ còn lại của tổng công ty là khoảng 10.000 tỉ đồng, nằm trong các công ty cổ phần và sẽ được xử lý theo trình tự tái cơ cấu trong thời gian tới. Con số này đã giảm đáng kể nếu so với thời điểm 31-12-2012, là 77.000 tỉ đồng.
Theo ông Sự, trước đây do gánh nặng nợ gốc lớn nên tập đoàn làm không đủ trả nợ, thế nhưng, nhờ việc tái cơ cấu nợ mà năm 2013 sau khi cân đối tài chính đã có lãi 7.900 tỉ đồng. “Tuy nhiên hiện con tàu Vinashin chỉ vừa mới được trục vớt lên khỏi mặt nước. Có đi được ra biển lớn hay không thì đây là cả quá trình đầy thách thức đối với SBIC”, ông Sự nói.
Ông Sự cũng cho biết, dự kiến, trong năm 2014, SBIC sẽ tăng trưởng 120% so với năm qua, với tổng giá trị sản lượng đạt 7.458 tỉ đồng, trong đó chủ đạo là ngành đóng tàu, tăng trưởng 125%, với giá trị sản lượng dự kiến đạt 5.231 tỉ đồng.
Theo ông Sự, dù co lại đáng kể so với trước tái cơ cấu, từ chỗ 234 doanh nghiệp thì nay chỉ giữ lại 8 doanh nghiệp đóng tàu nhưng tổng năng lực đóng tàu của toàn tổng công ty vẫn chiếm 70-75% tổng năng lực cả nước.
LÂM KHOA/THEO THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN
No comments:
Post a Comment